Từ đầu năm tới nay, thông tin trên báo, đài liên tục nêu các vụ không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), gây lo lắng cho người tiêu dùng. Từ thịt thối, gia cầm được tẩm bột sắt, nội tạng động vật nhập khẩu không đảm bảo, rau quả có nhiều hóa chất bảo quản..., gần đây nhất trong thịt heo có chất kích nạc, gây ảnh hưởng tới sức khỏe người sử dụng.
Trong khi việc kiểm soát thị trường hàng hóa thực phẩm tiêu dùng gặp rất nhiều khó khăn, thách thức thì điều đáng lo ngại không kém là không ít mặt hàng nông sản sản xuất trong nước cũng thuộc diện phải báo động về việc không đảm bảo ATVSTP. Vì vậy, vấn đề chất lượng cũng như ATVSTP ngày càng trở nên nóng bỏng, khó khăn, phức tạp.
Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân đã yêu cầu các bộ, ngành và các địa phương trong cả nước phải mạnh mẽ hơn trong việc kiểm soát tình trạng mất ATVSTP, thực hiện cho được mục tiêu “3 không”: không sản xuất rau không an toàn; không sử dụng phụ gia hóa chất cho thực phẩm không có trong danh mục, bị cấm; không giết mổ không an toàn. Đặc biệt là thực hiện việc xây dựng chỉ số ATVSTP làm một trong những chỉ số xếp hạng cho địa phương, từ đó để các địa phương làm chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Với thực tế tình trạng ATVSTP ở nước ta gần như đang bị thả nổi, người dân không thể yên tâm cho sức khỏe trước mỗi bữa ăn của gia đình mình. Đảm bảo ATVSTP là yêu cầu bắt buộc để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Các cơ quan chức năng cần mạnh tay xử lý tới nơi tới chốn các hành vi cố tình đưa chất cấm vào thực phẩm, có biện pháp truy tìm tận gốc những cơ sở sản xuất và kinh doanh không đảm bảo ATVSTP, để tiêu diệt tận gốc các loại “thực phẩm bẩn”, bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng.
Từ tháng 7.2011, Luật An toàn thực phẩm đã có hiệu lực thi hành. Đây là chỗ dựa vững chắc để các cơ quan quản lý thực hiện các giải pháp siết chặt ATVSTP, là “bửu bối” để xử lý nghiêm, thậm chí có thể truy tố những doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm không đảm bảo ATVSTP.
Điều cần rút ra là để đảm bảo ATVSTP thì giải pháp quan trọng là phải tăng cường kiểm soát, tiến hành truy đến tận gốc để “bắt tận tay, day tận mặt” và xử lý nghiêm thì mới hy vọng đẩy lùi được tình trạng “thực phẩm bẩn” lan tràn như lâu nay.
|