Chuyện lương, chuyện giá !
18:36', 5/5/ 2012 (GMT+7)

Kể từ ngày 1.5.2012, hơn 6 triệu người hưởng lương từ ngân sách nhà nước chính thức được nâng lương cơ bản từ 830.000 đồng lên 1.050.000 đồng/tháng, tức tăng thêm 26,5% so với trước. Đây là nỗ lực rất lớn của Chính phủ trong cải cách tiền lương, nhằm góp phần cải thiện đời sống người lao động.

Tuy nhiên, niềm vui ấy chưa thật sự trọn vẹn thì giá cả trên thị trường lại rục rịch tăng theo. Ngay trước thời điểm tăng lương, vào cuối tháng 4 giá xăng dầu đã tăng thêm 900 đồng/lít. Như vậy là chỉ trong vòng 2 tháng giá xăng đã tăng hai lần, với mức tăng tổng cộng tới 3.000 đồng/lít. Giá xăng tăng đã gián tiếp đẩy giá cả một số mặt hàng, dịch vụ tăng theo. Chẳng hạn như giá cước vận chuyển tăng làm chi phí giá thành sản xuất cũng tăng theo. Có thể nói, hiện thời giá bán của nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như lương thực, thực phẩm và nhiều loại hàng hóa khác đã nằm ở một mặt bằng giá mới, tất nhiên là cao hơn. Đó là chưa kể nhiều chi phí khác như viện phí, học phí, phí bảo trì đường bộ... cũng đang sẵn sàng chờ tăng giá trong thời gian tới (!).

Với việc tăng lương cơ bản, những người hưởng lương Nhà nước có thêm một khoản tài chính kha khá để trang trải, phần nào cải thiện được đời sống, là điều đáng mừng. Song, đối với hàng chục triệu người lao động khác không có cơ hội hưởng lương từ ngân sách như sinh viên, nông dân, những người lao động tự do... thì đi liền với việc tăng lương là một gánh nặng không nhỏ. Có thể nói, “điệp khúc” lương tăng thì giá cũng… tăng từ nhiều năm qua cho đến thời điểm này vẫn cứ lặp đi lặp lại. Mặc dù các cơ quan quản lý, ngành chức năng cũng đưa ra những biện pháp để ngăn chặn việc giá cả hàng hóa, dịch vụ tăng “té nước theo mưa”, nhưng xem ra hiệu quả mang lại cũng chẳng được bao nhiêu, tình hình cũng chưa thấy có nhiều chuyển biến tích cực.

Việc giá cả một số mặt hàng thiết yếu trên thị trường liên tục tăng đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống thường nhật của người dân. Điều mà mọi người dân đang mong chờ là các cấp quản lý, các cơ quan có trách nhiệm cần sớm có biện pháp hữu hiệu nhằm hạn chế tình trạng tăng giá bất hợp lý của một số mặt hàng thiết yếu trên thị trường. Có như vậy thì người dân bớt đi sự lo lắng và ổn định phần nào đời sống chật vật của mình khi “hầu bao” còn quá hạn hẹp, nhất là những người không có điều kiện được hưởng lợi từ việc tăng lương tối thiểu, bớt thua thiệt bởi hội chứng “té nước theo mưa” - lương tăng thì giá cũng tăng.

Mong lắm thay !

  • HẢI ĐĂNG
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Bài toán vỉa hè   (04/05/2012)
Cảm xúc tháng Tư  (28/04/2012)
Truy tận gốc !  (27/04/2012)
Nâng tầm “thương hiệu” võ  (23/04/2012)
Mục tiêu là hiệu quả !  (21/04/2012)
Văn hóa… tiêu tiền !   (21/04/2012)
Cần mở rộng tham vấn cộng đồng  (15/04/2012)
Vẹn cả đôi đường !  (14/04/2012)
Khởi mà chẳng… động !?   (14/04/2012)
“Múa gậy trong bị” !?  (07/04/2012)
Oan cho… “thượng đế” !?  (06/04/2012)
Nhận thức & hành động  (31/03/2012)
Hành động nhỏ, thay đổi lớn!  (31/03/2012)
Giao thông và những băn khoăn về phí  (25/03/2012)
Ảo & Thực !?  (24/03/2012)