Kết quả khảo sát về tai nạn thương tích Việt Nam năm 2010 và thống kê tử vong của ngành y tế trong vòng 5 năm trở lại đây cho thấy, đuối nước là 1 trong 5 nguyên nhân hàng đầu trong số các nguyên nhân gây tử vong ở trẻ em ở nước ta. Theo thống kê chưa đầy đủ, trung bình hằng năm trong giai đoạn 2005-2010, đã có khoảng 3.500 trẻ em chết vì nguyên nhân này. Bình Định cũng không là ngoại lệ khi từ đầu năm 2012 đến nay, trên địa bàn tỉnh cũng đã xảy ra hàng chục vụ tai nạn liên quan đến đuối nước, gây hậu quả nghiêm trọng với hàng chục người chết, trong đó có cả trẻ em.
Có nhiều nguyên nhân gây đuối nước ở trẻ em, nhưng chủ yếu là do sự chủ quan của người lớn khi để con trẻ tự do vui chơi mà không giám sát chặt chẽ hoặc thiếu người trông coi, trong khi môi trường không đảm bảo an toàn cho trẻ có khắp nơi. Bên cạnh đó, nguyên nhân quan trọng khiến nhiều vụ đuối nước gây chết người ở trẻ em là do trẻ không biết bơi lội, chưa được trang bị kiến thức nhận biết về an toàn khi chơi đùa cạnh sông nước, không biết cách ứng phó khi tai nạn xảy ra…
Tai nạn đuối nước ở trẻ em xảy ra nhiều nhất vào những dịp hè. Đây là thời gian các em được nghỉ học, được vui chơi nhiều hơn và thường rất thích đi tắm, đi bơi ở các ao hồ, sông suối. Nếu thiếu sự quản lý, theo dõi chặt chẽ của bố mẹ thì nguy cơ xảy ra đuối nước sẽ rất cao.
Để đề phòng đuối nước cho trẻ, nhất là đối với những trẻ sinh sống ở ven sông biển, ao hồ, thì cách tốt nhất là dạy trẻ phải biết bơi. Tuy nhiên, trên thực tế, ở hầu hết các trường học đều không dạy môn bơi lội cho trẻ em vì không có điều kiện về cơ sở vật chất, giáo viên giảng dạy. Vì vậy, đa số trẻ biết bơi là do tự học, hoặc gia đình cho con học bơi bên ngoài, nhưng không nhiều. Số trẻ em không biết bơi vẫn chiếm số đông trong xã hội. Vì không biết bơi nên trẻ không thể làm chủ được tình huống khi xuống nước, dẫn đến những tai nạn rất đau lòng.
Mới đây, Cục Bảo vệ và chăm sóc trẻ em (Bộ LĐ-TB-XH) đã phát động chương trình phòng chống đuối nước trẻ em năm 2012 với 6 hành động. Trong đó, nhấn mạnh hoạt động triển khai các hoạt động dạy bơi cho trẻ em, dạy kỹ năng an toàn dưới nước, từng bước đưa chương trình bơi an toàn vào trường học và đẩy mạnh xã hội hóa công tác dạy bơi cho trẻ em, loại bỏ các nguy cơ gây đuối nước trẻ em bằng cách trang bị biển báo và làm hàng rào ở những nơi sông nước nguy hiểm; duy trì các điểm giữ trẻ mùa lũ… Tuy nhiên, làm thế nào để triển khai chương trình này trong thực tế thì chưa thấy giải pháp cụ thể, nên có thể “phát” rồi nhưng “động” ra sao thì chưa rõ.
Trước những hạn chế, bất cập trong công tác phòng chống đuối nước cho trẻ em, đòi hỏi ngành chức năng không chỉ dừng lại ở tuyên truyền, khuyến cáo mà cần có những biện pháp quyết liệt hơn, để từ gia đình đến xã hội tạo dựng được môi trường sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em. Đặc biệt là phải có giải pháp để dạy mọi trẻ em đều biết bơi, có các kiến thức và kỹ năng cần thiết để có thể tự mình chủ động ứng phó và xử lý được các tình huống khi tiếp xúc với môi trường nước một cách an toàn.
|