Một trong những bài toán nan giải của Nhà nước ta lâu nay là vấn đề tiền lương cho đội ngũ cán bộ, công chức. Tại nhiều diễn đàn, nhiều hội thảo đã có không ít ý kiến cho rằng tiền lương công chức không đủ để giúp họ sống một cuộc sống đàng hoàng là một trong những nguyên nhân dẫn đến vấn nạn tham nhũng, hối lộ, tệ nạn vòi vĩnh phong bì phong bao… của một bộ phận cán bộ công chức trong bộ máy công quyền. Có một thực tế nữa là, cũng vì lương công chức quá thấp nên không ít người đang công tác trong bộ máy Đảng và Nhà nước đã tìm cách chuyển sang làm việc ở các khu vực khác có mức lương cao hơn; một số khác tiếp tục ở lại thì làm việc theo kiểu... “cơm vua ngày trời”, không quan tâm mấy đến năng suất, chất lượng và hiệu quả của mình. Và đó là hệ lụy bất thường mà xã hội đang phải gánh chịu.
Vì vậy, cải thiện chế độ tiền lương là một trong những ưu tiên trong lộ trình thực hiện cải cách hành chính của bộ máy nhà nước, với mục tiêu “đến năm 2020, tiền lương của cán bộ công chức được cải cách cơ bản, bảo đảm được cuộc sống của cán bộ công chức và gia đình ở mức trung bình khá trong xã hội”. Mới đây, kể từ 1.5.2012, mức lương tối thiểu đã tăng lên 1.050.000 đồng/tháng, phụ cấp công vụ 25% cho cán bộ công chức. Theo Vụ Ngân sách của Bộ Tài chính công bố, với 6 triệu người hưởng lương từ ngân sách nhà nước thì số tiền để chi cho khoản tăng lương tối thiểu từ 830.000 đồng lên 1.050.000 đồng/tháng kể từ ngày 1.5 đến hết năm 2012 là 48.000 tỉ đồng. Một con số không hề nhỏ.
Cũng liên quan đến chuyện lương của cán bộ công chức, mới đây báo Tuổi Trẻ có đưa ý kiến một ông chủ tịch tỉnh nói rằng: Trong guồng máy điều hành nhà nước ở tỉnh ông hiện chỉ có chừng 30% cán bộ công chức làm việc tốt, 30% làm việc cầm chừng, và có đến 30% cán bộ công chức có mặt chỉ để lãnh lương. Nói ngắn gọn thì ở tỉnh này chỉ có 30% số cán bộ công chức nhà nước xứng đáng được lãnh lương! Báo Tuổi Trẻ còn bình luận: Tình trạng đội ngũ cán bộ công chức hưởng lương ngân sách nhưng không làm tròn chức trách là căn bệnh chung từ lâu nay ở khá nhiều nơi trong cả nước.
Trên thực tế, lần tăng mức lương tối thiểu này chưa thể đáp ứng được nhu cầu sống bằng lương của công chức và gia đình họ. Song, không thể không ghi nhận đó là một nỗ lực lớn của Nhà nước trong bối cảnh nền kinh tế đất nước còn đương đầu với nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là tốc độ lạm phát vẫn trên 2 con số. Việc tăng lương cũng là nhằm tạo thêm điều kiện để đạt mục tiêu “Xây dựng đội ngũ cán bộ công chức có phẩm chất chính trị, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tinh thần trách nhiệm và tận tụy phục vụ nhân dân”. Vì thế, cùng với việc cải cách tiền lương, cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc nâng cao nhận thức về trách nhiệm công vụ của đội ngũ cán bộ công chức. Đó là mục tiêu cải cách hành chính mà chúng ta cần phải quyết tâm đạt được.
Tăng lương phải tăng trách nhiệm. Đó là đạo lý và cũng là biện chứng của cuộc sống!
|