Mới đây, báo Bình Định số 4651, ra ngày 10.5.2012, có đăng bài “Tạo một “điểm nhấn” cho Quy Nhơn” nói về Đề án xây dựng và quản lý, khai thác Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quy Nhơn, do thành phố Quy Nhơn đề xuất.
Trước hết, phải nói rằng Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quy Nhơn đang nằm ở một vị trí vào hàng “đắc địa” bậc nhất ở trung tâm Quy Nhơn, có người còn cho rằng đó là khu đất “vàng” của thành phố này. Hiện trạng trung tâm đang rất không tương xứng với vị trí và cảnh quan không gian đô thị tại đây nên đầu tư để tạo thành một “điểm nhấn” là việc đáng và nên làm.
Tuy nhiên, với công năng dự kiến bao gồm hội trường lớn phục vụ hội nghị, các phòng chiếu phim, các câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa, thể thao… thì mô hình của trung tâm này không khác nhiều so với hai trung tâm khác đã hoàn thiện và đi vào hoạt động. Đó là Nhà Văn hóa Lao động ở ngay đầu kia của đường Lê Duẩn, chỉ cách cỡ 1 cây số, và Trung tâm Văn hóa tỉnh nằm tại quảng trường tượng đài Quang Trung, cũng chỉ cách trung tâm vài trăm mét. Cả hai trung tâm này tuy chức năng có khác nhau nhưng về cơ bản không khác nhiều đề án nói trên. Đó là chưa nói đến việc hai cơ sở đã có này vẫn chưa khai thác hết công năng hiện có. Vì vậy, việc có thêm một trung tâm tương tự, trong phạm vi bán kính rất nhỏ ở khu vực trung tâm của thành phố là chưa hợp lí, thậm chí là một sự lãng phí về nguồn lực đầu tư.
Trong quá trình phát triển đô thị, bên cạnh khu trung tâm đô thị cũ hiện nay, Quy Nhơn đã có các khu quy hoạch dân cư mới như Xóm Tiêu, Bắc Hà Thanh, Ghềnh Ráng… với hàng chục ngàn hộ dân cư sinh sống. Hầu như ở các khu dân cư mới này đều chưa có các công trình văn hóa, thể thao để phục vụ người dân ở đó. Vậy tại sao thành phố không đầu tư xây dựng các công trình mới để phục vụ nhu cầu rất thiết thực ở các khu vực này mà lại muốn “dồn cục” về trung tâm? Rõ ràng là đang có một sự mất cân đối, nếu không muốn nói là mất công bằng, trong việc được đáp ứng các nhu cầu về văn hóa tinh thần của mọi người dân Quy Nhơn, khi đang có tình trạng nơi thừa nơi thiếu quá chênh lệch như hiện nay.
Vì vậy, yêu cầu cấp thiết hiện nay là cần đầu tư thêm các công trình văn hóa công cộng nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sinh hoạt và hưởng thụ văn hóa của các khu vực dân cư trong toàn thành phố. Đó vừa là nhu cầu trước mắt vừa là nền tảng cho sự phát triển bền vững của Quy Nhơn trong tương lai. Còn việc đầu tư cho Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quy Nhơn cũng là rất cần thiết song cần cân nhắc, tính toán thật kỹ để đầu tư cho thích đáng để nơi này thật sự là một “điểm nhấn” của Quy Nhơn cả về công năng hoạt động, kiến trúc công trình và không gian đô thị.
|