Khó an lòng !
20:9', 1/6/ 2012 (GMT+7)

Theo Bộ Y tế, tình hình ngộ độc thực phẩm chết người có nguyên nhân do thực phẩm tồn dư hóa chất và thực phẩm bị biến chất có xu hướng tăng lên. Qua thanh tra, kiểm tra trong Tháng hành động an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) năm 2012 tại gần 240 ngàn cơ sở trên cả nước đã phát hiện hơn 20% không đạt yêu cầu về ATVSTP.

Thực phẩm, thuốc men không an toàn, độc hại có thể gây ra những tác động ngay lập tức nhưng đa phần đều có tác hại âm thầm, lặng lẽ. Vì thế, nó càng trở nên nguy hại, không chỉ với một con người mà có thể cả nhiều thế hệ. Trước thực trạng thực phẩm mất an toàn xảy ra dồn dập, Chính phủ đã chỉ đạo phải tiến tới thực hiện “3 không”: không sản xuất rau không an toàn; không sử dụng phụ gia hóa chất cho thực phẩm không có trong danh mục, bị cấm; không giết mổ không an toàn. Đồng thời, phải đẩy mạnh kiểm soát thực phẩm nhập khẩu qua biên giới. 

Từ ngày 11.6 tới đây, Nghị định 38/2012/NĐ-CP về kiểm tra hàng hóa thực phẩm nhập khẩu sẽ bắt đầu có hiệu lực. Theo đó, tất cả các loại thực phẩm, nguyên liệu, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm khi nhập khẩu phải kiểm tra tại cơ quan kiểm tra nhà nước có thẩm quyền do các bộ quản lý ngành chỉ định. Hy vọng việc thực hiện Nghị định sẽ góp phần hạn chế đáng kể việc thực phẩm và hàng hóa “bẩn” vào nước ta.

Tuy nhiên, các cơ quan chức năng sẽ thực thi vai trò và trách nhiệm kiểm soát, ngăn ngừa của mình ra sao mới là điều quan trọng.

Thực tế lâu nay cho thấy, cứ mỗi lần có thông tin về việc rau quả, thực phẩm, thuốc men “bẩn” có xuất xứ từ nước láng giềng Trung Quốc hay nước ngoài nhập vào nước ta là thêm một lần người tiêu dùng không khỏi hoang mang, lo lắng. Người dân càng lo lắng hơn khi các cơ quan hữu trách của nước ta chỉ “phát hiện” được thực phẩm hoặc thuốc men có hại qua thông tin từ báo chí hay cơ quan chức năng nước ngoài, chứ chưa chủ động phát hiện, cảnh báo cho người dân. Thay vì phải chủ động kiểm tra, phát hiện những mối đe dọa về an toàn vệ sinh thực phẩm thì các cơ quan chức năng của nước ta chỉ lên tiếng cảnh báo hay thu hồi những sản phẩm không an toàn, độc hại khi đã được các nước khác làm “hai năm rõ mười”. Chẳng hạn mới đây, sau khi hay tin cải thảo và bắp cải Trung Quốc bị phun chất độc, cơ quan quản lý Nhà nước có trách nhiệm của nước ta mới tá hỏa yêu cầu các cửa khẩu… “tăng cường kiểm tra”.

Mối lo về thực phẩm “bẩn” nhập khẩu cũng như trong nước của người dân như nhân đôi khi mà những cơ quan chức năng có trách nhiệm “gác cửa”, bảo vệ cho họ khỏi mối lo này lại đang tỏ ra thụ động, yếu kém trong việc kiểm tra, phát hiện. Khó có thể nói là người dân có thể an lòng trước nguyên nhân của sự bất an này mà cơ quan chức năng công bố. Càng khó an lòng hơn khi vẫn còn đó những câu hỏi về nguyên nhân và quan trọng hơn là câu hỏi về trách nhiệm.

  • Ninh An
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Cần cân nhắc kỹ !  (26/05/2012)
Sạch đường, đẹp phố  (25/05/2012)
Cần lắm, những tấm gương soi !  (19/05/2012)
Câu chuyện nhỏ, nhân cách lớn   (18/05/2012)
Lương & Trách nhiệm !  (12/05/2012)
Nỗi lo trẻ đuối nước   (11/05/2012)
Chuyện lương, chuyện giá !  (06/05/2012)
Bài toán vỉa hè   (04/05/2012)
Cảm xúc tháng Tư  (28/04/2012)
Truy tận gốc !  (27/04/2012)
Nâng tầm “thương hiệu” võ  (23/04/2012)
Mục tiêu là hiệu quả !  (21/04/2012)
Văn hóa… tiêu tiền !   (21/04/2012)
Cần mở rộng tham vấn cộng đồng  (15/04/2012)
Vẹn cả đôi đường !  (14/04/2012)