Câu chuyện về “sự cố” gian lận mang tính tập thể trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa rồi ở một trường tại tỉnh Bắc Giang một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về nạn gian dối trong thi cử của ngành giáo dục. Sự việc đã và đang tiếp tục thu hút sự chú ý của dư luận cả nước. Rất nhiều người tham gia bàn luận và đã có không ít những ý kiến trái chiều xung quanh việc xử lý việc tố giác và các hành vi tiêu cực tại điểm thi này.
Tuy nhiên, có lẽ điều cần quan tâm nhiều hơn qua “sự cố” này chính là sự trung thực trong thi cử cũng như trong cuộc sống. Từ nhiều năm qua, nạn tiêu cực và bệnh thành tích trong thi cử là vấn đề đáng buồn của nền giáo dục nước nhà. Một khi lòng trung thực đã không được thực thi nghiêm túc ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường thì làm sao có được tính trung thực, sự tự giác trong chấp hành pháp luật. Khi sự gian lận được người lớn bày ra trong các kỳ thi cũng có nghĩa là chính họ chứ không ai khác đã đẩy các em vào những việc làm sai trái.
Với vấn nạn tiêu cực, gian lận trong thi cử như lâu nay thì có lẽ việc giải quyết không thể trong một sớm một chiều, bằng một vài phong trào nào đó. Để giải quyết tận gốc tận rễ chắc hẳn phải là một chặng đường dài với rất nhiều việc phải làm. Nhưng trước hết, cái mà có thể làm được ngay lập tức, trong trước mắt là dạy cách thực thi lòng trung thực một cách nghiêm túc nhất trong cuộc sống hàng ngày, ngay từ trong chuyện học chuyện thi ở mọi cấp học.
Bên cạnh đó, ngành giáo dục cần nhanh chóng cải tiến việc học và thi theo hướng giảm bớt việc học sinh phải đương đầu với các bài thi quá nặng các kiến thức phải học thuộc dẫn đến không kham nổi và tìm đến sự gian lận để đạt điểm.
Hãy nhớ câu ngạn ngữ “Gieo thói quen gặt tính cách” !
|