Trả lời phỏng vấn của báo chí về kết quả thi tốt nghiệp THPT vừa rồi, với câu hỏi “ông đánh giá thế nào về con số 98% của năm nay?”, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển nói: “Tỉ lệ đỗ tốt nghiệp năm nay rất cao nhưng nói thật là tôi vẫn cảm thấy không thật vui”.
Trên thực tế dư luận xã hội cũng cùng chung tâm trạng “không thật vui” với kết quả thi tốt nghiệp cao “ngất trời” như vị quan chức của ngành. Không thể phủ nhận với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, sự phấn đấu không mệt mỏi của ngành giáo dục; với sự cố gắng chăm lo cho con cái học hành của các gia đình, sự cố gắng học tập của con em… chất lượng học sinh ngày càng được nâng cao là điều cần khẳng định. Tuy nhiên, dù có tiến bộ cỡ nào thì cũng có giới hạn nhất định và điều đó được thể hiện rất rõ trong suốt quá trình học tập và thầy cô dạy các em đều biết. Những cái kết quả “đẹp như mơ” khi gần như cả 100% học sinh đều thi đậu thì lại không thật. Và đó là điều làm cho tâm trạng xã hội không vui với kết quả thi rất đẹp nhưng lại có vẻ “ảo” này.
Và câu trả lời về căn nguyên của kết quả đó là: việc tổ chức coi thi chưa thực sự nghiêm túc, giáo viên coi thi dễ tính nên học sinh còn sử dụng “phao thi”, trao đổi bài trong phòng thi. Tiếp đó là đến khâu chấm thi cũng chưa nghiêm túc, vẫn còn tình trạng “vạch bài cho điểm” nên điểm số cũng chưa thật chính xác. Nếu coi thi chặt chẽ hơn, chấm thi nghiêm túc, đúng ba-rem thì chắc chắn tỉ lệ đỗ tốt nghiệp sẽ thấp hơn con số suýt soát 100% như năm nay.
Với kết quả thi như trên, rất nhiều ý kiến đã đề xuất việc nên bỏ kỳ thi cuối cấp cho đỡ tốn kém tiền của, công sức không nhỏ của toàn xã hội. Thay vào đó sẽ là việc đánh giá chất lượng học sinh trong suốt quá trình dạy học kết hợp với đánh giá ở cuối kỳ, cuối năm để bớt đi một kỳ thi căng thẳng mà chẳng được gì (!). Tuy nhiên, đề xuất này đến nay vẫn không nhận được sự đồng thuận của ngành giáo dục với lý do như trả lời báo chí của Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: “Chất lượng giáo dục chắc chắn sẽ đi xuống vì tâm lý của học sinh chúng ta là không thi thì không học” !?
Điều mà dư luận xã hội mong mỏi là tới đây ngành giáo dục cần có sự đổi mới toàn diện, nhất là việc đánh giá kết quả giáo dục nói chung, thi cử nói riêng nhằm hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục một cách thực chất, hiệu quả trong tương quan với nền giáo dục quốc tế. Việc đổi mới cần đạt mục tiêu cụ thể là giúp học sinh hình thành năng lực học tập, năng lực vận dụng kiến thức, kỹ năng một cách tổng hợp để giải quyết các vấn đề trong học tập và trong cuộc sống.
Giáo dục là một sự nghiệp to lớn, dài lâu nên không thể giải quyết các vấn đề tồn tại trong một sớm một chiều. Do đó, rất cần sự chung tay, kiên trì của nhiều lực lượng, các địa phương để chất lượng giáo dục từng bước nâng lên, để thi cử ngày càng đi vào nề nếp và kết quả là thực chất chứ không… “ảo” như đã xảy ra!
|