Dù đã được “cày xới” ở không biết bao diễn đàn, hội thảo và đã được cụ thể hóa trong nhiều chương trình hành động nhưng e rằng, căn bệnh thành tích trong lĩnh vực giáo dục vẫn tiếp diễn, biến tướng khó lường.
Cuối năm học vừa rồi tôi đi họp phụ huynh cho cậu con trai học lớp 2, trường tiểu học T. Trong năm học, nhiều lần nghe cô giáo khen cháu học giỏi, thực lòng tôi rất phấn khởi. Tuy nhiên, khi nghe cô giáo thông báo con tôi là 1 trong số 32 học sinh giỏi của lớp có…33 học sinh, niềm vui trong tôi tắt ngấm. Cô giáo cho biết: em duy nhất không đạt học sinh giỏi là…ngoài mong đợi. Trước khi thi cuối năm, cô đã cho em này chép đi chép lại bài giải của môn Tiếng Việt hơn 1 tuần nhưng không hiểu sao, đến khi thi vẫn làm không đúng, “đành bó tay”. Con tôi trước đó cũng cho hay: trong quá trình làm bài thi, bạn nào làm không được thì đã có cô chỉ luôn tại chỗ. Cô giáo còn chia sẻ: “Phụ huynh nào cũng muốn con mình đạt học sinh giỏi để hãnh diện với mọi người và cũng để cháu tự tin trong năm kế tiếp”.
Trong thời gian nghỉ hè, cháu tôi ở ngoài quê học xong lớp 11, cuối năm được xếp loại học lực khá, vào thăm và xin tư vấn chọn trường đại học để nay mai biết đường mà đăng ký cho phù hợp. Nghe giới thiệu sức học của cháu, vợ tôi là giáo viên cấp III, chọn một vài đề toán đơn giản của lớp 11 bảo cháu làm thử thì thật ngạc nhiên: Cô bé không làm được một bài nào, cắn bút mãi không thôi. Hỏi sao có chuyện lạ vậy, bé thưa thật: Ở lớp, hễ làm không được thì thầy cô cũng chỉ tận nơi, riết rồi… mất gốc, không tự suy luận được. Thầy cô, cha mẹ của cháu đều biết lực học thật của cháu không phải là khá. Nhưng ai cũng lấy đó làm vui. Chỉ có điều khi nói về tương lai của cháu như thế nào thì ai cũng chép miệng ngó lơ.
Lâu nay phương tiện thông tin đại chúng đã ít nói về các buổi khai giảng lớp đào tạo thạc sĩ, những buổi bảo vệ luận án tiến sĩ. Nhưng nghịch lý là tin tức về các bác nông dân trình độ rất thấp, chế tạo được máy cắt cỏ, anh công nhân học lớp bảy chế tạo máy tự động lột vỏ đậu, tách vỏ điều… lại được mọi người trân trọng. Thế mới thấy, năng lực thật sự luôn luôn được xã hội ngưỡng mộ.
Trở lại với bệnh thành tích trong ngành giáo dục, có lẽ nhà trường, các thầy cô và cả các bậc phụ huynh nên quyết liệt hơn nữa để có được niềm vui với những con số thật, đó mới chính là những con số đẹp.
|