“Trông người ngẫm ta” !?
21:14', 7/7/ 2012 (GMT+7)

Trong những ngày gần đây thông tin về hạn hán ở Quảng Nam, Phú Yên đã khiến người ta không thể bỏ qua những hệ lụy do việc phát triển thủy điện ồ ạt ở phía thượng nguồn.

Ở Quảng Nam, nhiều cánh đồng đã khô cháy nứt nẻ vì nguồn nước từ các con sông đã cạn kiệt. Nhiều hồ tôm cũng chết cháy vì nhiễm mặn quá cao. Khách du lịch rời khỏi thành phố du lịch Hội An vì thiếu nước ngọt cho sinh hoạt. Ở Phú Yên, đập Đồng Cam cũng hết nước và theo đó là những cánh đồng cháy khô. Tất cả đều do một thủ phạm gây ra - đó là những công trình thủy điện ở phía thượng nguồn. Các tỉnh Phú Yên, Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng đã không chỉ một lần lên tiếng “đòi” trả lại nước cho các dòng sông của mình.

Có thể nói, hệ lụy của việc phát triển ồ ạt các công trình thủy điện là câu chuyện không mới nhưng vẫn là vấn đề thời sự nóng bỏng, là thực trạng nhức nhối mà xã hội đang hết sức quan tâm. Không ai phủ nhận thủy điện mang lại lợi ích lớn, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Hiện cả nước có 195 dự án thủy điện đã đưa vào hoạt động, sản xuất 36% sản lượng điện cả nước. Đối với nhà đầu tư, xây dựng nhà máy thủy điện được xem là cỗ máy sinh lời lớn và dễ dàng, dù mức đầu tư ban đầu cao nhưng chi phí vận hành rẻ hơn nhiều so với nhiệt điện và tiền thuế sử dụng tài nguyên đất, nước, rừng là không đáng kể.

Tuy nhiên, việc phát triển “nóng” các công trình thủy điện đã dẫn đến nhiều hệ lụy. Để xây dựng một công trình thủy điện, hàng chục đến hàng trăm hécta rừng bị đốn hạ, nhiều diện tích đất sản xuất bị ngập. Phía hạ du thì phải chịu cảnh hạn hán vào mùa khô do thủy điện tích nước, ngập lụt vào mùa mưa do thủy điện xả lũ. Mục tiêu của việc phát triển thủy điện là để phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống nhân dân. Vậy, sẽ là nghịch lý khi đời sống của chính người dân lại chưa được đảm bảo, thậm chí bị ảnh hưởng hết sức nghiêm trọng như đã nêu. Rõ ràng, với không ít dự án thủy điện lợi ích chung và riêng, lợi ích của nhà đầu tư và quyền lợi của người dân đã có sự xung đột quá lớn. Và đó là điều không thể chấp nhận trong việc thực hiện phát triển kinh tế - xã hội vì tính thiếu bền vững, thậm chí là “lợi bất cập hại”.

“Trông người ngẫm ta”. Hiện nay, tuy chưa đến mức bị ảnh hưởng nặng như các tỉnh bạn, nhưng việc hiện diện một quy hoạch khá nhiều dự án thủy điện ở lưu vực thượng nguồn các con sông lớn của tỉnh ta cũng tiềm ẩn những tác động không nhỏ trong tương lai không xa. Cách đây gần một năm, UBND tỉnh Bình Định đã phải yêu cầu tạm đình chỉ thi công 3 công trình thủy điện: Vĩnh Sơn 3, Vĩnh Sơn 5 và Trà Xom do việc xây dựng có nhiều sai phạm gây ảnh hưởng đến dòng chảy, khả năng tiêu thoát lũ vùng thượng và hạ lưu; đồng thời khẳng định sẽ đình chỉ thi công vĩnh viễn nếu các chủ đầu tư không chịu khắc phục sai phạm đúng thời hạn, yêu cầu.

Động thái trên của chính quyền là đúng đắn và cần thiết. Việc tính toán dự lường trước những di họa có thể xảy ra để tránh tình trạng “sự đã rồi” chẳng bao giờ là thừa cả!

  • HẢI ĐĂNG
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Từ những mùa thi...  (06/07/2012)
Bệnh thành tích, ai cũng chống nhưng...  (02/07/2012)
Làm gương  (30/06/2012)
Cái vòng luẩn quẩn !?  (29/06/2012)
Thực chứ đừng... ảo !  (23/06/2012)
Xin chớ u mê !  (22/06/2012)
Phát huy nội lực  (16/06/2012)
Loại trừ sự gian lận !  (16/06/2012)
Sự bình thường... bất thường  (13/06/2012)
Kinh tế Xanh !  (09/06/2012)
Nên có nơi giới thiệu nước bạn Lào ở Quy Nhơn  (09/06/2012)
Đừng vô cảm !  (08/06/2012)
Chung tay, góp sức vì trẻ em !  (02/06/2012)
Khó an lòng !  (01/06/2012)
Cần cân nhắc kỹ !  (26/05/2012)