Chọn nghề, chọn nghiệp !
21:11', 27/7/ 2012 (GMT+7)

Trong những ngày này, chuyện thời sự nóng hổi trong nhiều gia đình là kết quả thi đại học của con em. Với mục tiêu là học đại học, nếu điểm thi đạt từ “mức sàn” trở lên thì tạm yên tâm vì con em mình không đậu trường này thì cũng có chỗ học ở trường khác. Còn nếu dưới “sàn” thì vẫn có “cửa” học cao đẳng, để rồi sau đó liên thông lên đại học. Còn số gia đình có con em chọn học trung cấp nghề dường như rất ít, thậm chí chỉ là giải pháp sau cùng.

Thực trạng chọn ngành nghề cho con em theo kiểu thích làm thầy hơn làm thợ như vậy đã tồn tại từ nhiều năm qua là một thực tế đáng buồn. Những năm gần đây không ít lao động cầm tấm bằng cử nhân nhưng không thể làm việc theo ngành đã học vì  không đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động. Trong khi đó, nhu cầu thợ bậc cao, thợ giỏi trong các lĩnh vực như hàn, cơ khí, điện… rất nhiều thì lại không có nguồn đáp ứng, đơn giản chỉ vì không có nhiều người chọn học trường nghề. Thực trạng đó đã và đang làm cho thị trường lao động tiếp tục trở nên xáo trộn, tỉ lệ thất nghiệp gia tăng ở nhiều ngành nghề, từ “bình dân” cho đến “sang trọng”.

Lại có một nghịch lý là lao động thất nghiệp tăng nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn không tuyển dụng đủ lao động vào những vị trí cần thiết. Cách đây mấy năm, một hãng công nghệ đã phải khổ công chọn lựa từ hàng ngàn kỹ sư mới ra trường để rồi chỉ chọn được vài chục người đủ chuẩn theo yêu cầu của họ. Đáng chú ý, ở ngay một số nhóm ngành nghề được coi là “nóng” như quản trị kinh doanh, tài chính - ngân hàng, marketing, điện, cơ khí, công nghệ thông tin, sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng có nhu cầu việc làm cao nhưng nhiều người không đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp. Sự bất cập giữa chất và lượng, giữa cung và cầu lao động là vấn đề không mới ở nước ta nhưng trong bối cảnh hiện nay lại đang bộc lộ rõ rệt và đặt ra nhiều vấn đề.

Thực trạng nghịch lý cung cầu lao động ngày càng bộc lộ nhiều bất cập, rõ ràng, đòi hỏi lĩnh vực giáo dục đào tạo phải tiến hành ngay việc cải cách triệt để, toàn diện công tác đào tạo nguồn nhân lực. Thế nhưng, về phía các gia đình thì việc định hướng cho con em mình học ngành nghề gì phù hợp với sở thích, năng lực của bản thân đồng thời phù hợp với nhu cầu xã hội cũng là vấn đề rất quan trọng. Do đó việc xóa đi tâm lý phải vào đại học bằng mọi giá, xem nhẹ việc học nghề trong xã hội là điều cần nghiêm túc xem xét.

“Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”, “một nghề thì sống, đống nghề thì chết”, “ruộng đất bề bề không bằng có nghề trong tay”… là những đúc kết của ông cha từ ngàn đời để lại. Ngày nay ngẫm lại những đúc kết ấy vẫn còn nguyên giá trị, và vẫn rất thời sự nếu đối chiếu với thực tế thị trường lao động hiện nay.

Vì vậy, có lẽ chỉ khi nào cả xã hội và từng cá nhân đều thay đổi quan niệm về việc chọn nghề chọn nghiệp thì mới hi vọng tạo được nguồn nhân lực chuyên nghiệp, đa dạng và ưu việt, vừa đáp ứng tốt cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời người lao động cũng sẽ tìm được cơ hội việc làm tốt nhất cho bản thân, từ đó có những đóng góp tốt nhất cho cộng đồng và đất nước.

  • An Huy
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Quyết liệt hành động  (21/07/2012)
Cần, nhưng phải hợp lí !  (21/07/2012)
Trách nhiệm và lời hứa   (15/07/2012)
Ngăn chuyện trớ trêu !   (13/07/2012)
Có đảm bảo được trật tự, chấm dứt lấn chiếm?  (08/07/2012)
“Trông người ngẫm ta” !?  (07/07/2012)
Từ những mùa thi...  (06/07/2012)
Bệnh thành tích, ai cũng chống nhưng...  (02/07/2012)
Làm gương  (30/06/2012)
Cái vòng luẩn quẩn !?  (29/06/2012)
Thực chứ đừng... ảo !  (23/06/2012)
Xin chớ u mê !  (22/06/2012)
Phát huy nội lực  (16/06/2012)
Loại trừ sự gian lận !  (16/06/2012)
Sự bình thường... bất thường  (13/06/2012)