Trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, tăng trưởng kinh tế thấp hơn nhiều so với cùng kỳ các năm trước, số việc làm giảm, thu nhập giảm sút, đời sống của người dân ngày càng khó khăn thì mới đây, ngay trong ngày đầu tiên của tháng Tám, chỉ chưa đầy 12 ngày sau đợt tăng giá 400 đồng/lít, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu lại đồng loạt tăng giá 500 – 900 đồng/ lít tùy loại. Cùng ngày, giá gas cũng tăng 52.000 đồng/bình 12kg. Giá các dịch vụ khác như viện phí và học phí cũng đang tăng theo lộ trình. Trước đó, giá điện cũng đã tăng thêm 5% kể từ ngày 1.7.
Chúng ta đều biết điện, xăng, gas đều là những mặt hàng thiết yếu không thể không dùng. Không một ai trong cuộc đời mà lại không cần đến dịch vụ y tế. Không một gia đình nào mà không có con cái đi học! Trong khi chủ trương của Chính phủ đưa ra hiện nay là an sinh xã hội và ổn định kinh tế vĩ mô thì việc tăng giá cùng lúc nhiều mặt hàng giữa lúc sức mua toàn xã hội đang giảm sút nghiêm trọng là điều thật khó hiểu. Ðiều kỳ lạ là việc tăng giá lại toàn rơi vào những mặt hàng, dịch vụ mang tính độc quyền Nhà nước hoặc còn do Nhà nước quản lý giá; nghĩa là Nhà nước có quyền tăng hoặc giảm tùy thuộc vào chính sách “an sinh xã hội” của mình. Trong khi đó, những loại hàng hóamang tính thị trường thực sự thì chỉ số giá lại có xu hướng giảm như các cơ quan chức năng đã công bố. Thật là một nghịch lí khó lí giải!
Một câu hỏi mà người dân đặt ra là phải chăng các ngành kinh doanh có tính độc quyền, để tăng lợi nhuận của mình, đã đẩy khó khăn về phía người dân vốn đã rất khó khăn? Và điều tất yếu sẽ xảy ra là một khi những mặt hàng thiết yếu như điện, xăng dầu, gas, dịch vụ y tế, giáo dục tăng lên thì chắc chắn người tiêu dùng sẽ phải tiết giảm chi tiêu các hàng hóa mang tính thị trường khác. Chắc chắn rằng điều này sẽ ảnh hưởng ngược đến sản xuất và câu chuyện sản xuất đình đốn, hàng hóa tồn kho không tiêu thụ được sẽ tiếp diễn dài dài. Hệ quả của cái vòng xoáy trôn ốc này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình kinh tế - xã hội như thế nào thì ai cũng có thể dự báo được.
Ðành rằng chủ trương chung của Nhà nước là hướng giá cả hàng hóa, dịch vụ theo cơ chế thị trường nhưng đây là việc có lộ trình và cần phải song hành với lộ trình cạnh tranh hóa thị trường. Lộ trình nào thì cũng nên điều chỉnh cho phù hợp với tình hình, mục tiêu an sinh xã hội và ổn định vĩ mô vào từng thời điểm để tránh tác động quá lớn đến cuộc sống của dân cư. Vì vậy, việc điều chỉnh “cấp tập” giá điện, xăng dầu, gas, dịch vụ y tế như vừa diễn ra là một nghịch lí rất khó chấp nhận.
|