Thông thường, hàng năm cứ đến mùa nắng nóng, khô hạn gay gắt là nguy cơ cháy rừng khốc liệt hơn. Năm nay cũng không là ngoại lệ. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã xảy ra hàng chục vụ cháy rừng. Trong đó, những ngày gần đây số vụ cháy rừng xảy ra nhiều hơn. Ở thành phố Quy Nhơn có ngày xảy ra tới hai vụ cháy rừng. Trong điều kiện thời tiết khô nóng và gió to như vừa qua, việc chữa cháy là hết sức khó khăn nên thiệt hại của các vụ cháy rừng là rất lớn. Các thiệt hại của cháy rừng không chỉ là các thiệt hại kinh tế trước mắt mà còn là các thiệt hại về môi trường sinh thái, cảnh quan phải mất nhiều thời gian mới có thể khôi phục.
Hầu hết các vụ cháy rừng xảy ra đều có nguyên nhân từ ý thức bảo vệ rừng kém, việc quản lý, bảo vệ rừng chưa tốt, sự chủ quan của con người… Có trường hợp dọn phát rừng trồng nhưng khi đốt đã không tính toán, vô trách nhiệm làm phát sinh cháy lây lan gây hậu quả khó lường. Có trường hợp khách du lịch bất cẩn khi sinh hoạt trong rừng để tàn thuốc lá, đốm lửa vương vãi gây ra cháy…
Hàng năm, nhiều tỉ đồng đã được chi cho việc trồng rừng, bảo vệ rừng, khôi phục rừng nhưng số tiền đó trở thành lãng phí nếu không ngăn chặn được cháy rừng. Thực tế cháy rừng ở tỉnh ta và nhiều nơi trong cả nước cho thấy do địa hình phức tạp, trang bị chữa cháy còn quá nghèo nàn, sơ sài cộng thêm vào đó là lực lượng ít, phương tiện thiếu, thông tin chậm… nên mỗi khi xảy ra cháy rừng thì việc chữa cháy rất khó khăn, hiệu quả thấp. Thực tế cũng cho thấy ý thức của người dân và chính quyền ở không ít địa phương trong phòng chống cháy rừng còn lơi lỏng, việc xử lý các cá nhân, tập thể để xảy ra cháy rừng chưa nghiêm, chưa kịp thời. Vì vậy, suy cho cùng ý thức bảo vệ rừng kém, do việc quản lý rừng còn nhiều bất cập chính là các nguyên nhân dẫn đến cháy rừng.
Người xưa có câu “thủy hỏa đạo tặc”. Đã là giặc thì không thể xem thường. Với giặc lửa thì càng phải cảnh giác cao độ, và bao giờ phòng ngừa cũng là cơ bản và quan trọng nhất.
|