Với 4 lần tăng giá liên tiếp trong vòng một tháng trở lại đây, mặt hàng xăng dầu đã tạo nên “cú sốc” không chỉ cho người tiêu dùng mà cho cả nền kinh tế đang trong lúc khó khăn. Ảnh hưởng trực tiếp từ giá xăng dầu là giá cước vận tải hàng hóa, cước taxi sẽ khiến cho chi phí này tăng thêm trong cơ cấu giá thành sản phẩm dịch vụ. Tới đây, điều không thể tránh là giá cả hàng hóa sẽ tăng. Và như thế là thời điểm các bà nội trợ sẽ cảm thấy bất an vì cuộc sống hàng ngày của gia đình sẽ bị ảnh hưởng xấu đi.
Đành rằng giá xăng dầu có tác động nhất định đến giá cả hàng hóa trên thị trường, nhưng điều đáng lo ngại là tình trạng “ăn theo” giá xăng. Khi người tiêu dùng hỏi vì sao giá cả nhiều mặt hàng lại sớm tăng lên như vậy thì y như rằng, người bán đều đổ dồn hết lý do cho... giá xăng. Giá xăng vừa nhích lên một chút thì ngay lập tức giá cả nhiều mặt hàng tăng lên một cách bất hợp lý. Chẳng hạn xăng vừa tăng 1.100 đồng/lít thì các hãng taxi đã tăng từ 500 đồng đến 1.000 đồng/km, trong khi một lít xăng có thể chạy được hàng chục km. Đấy là chưa kể giá xăng tăng thì giá cước tăng liền, nhưng khi giá xăng giảm thì chẳng thấy giá cước giảm ngay. Với nhiều loại hàng hóa dịch vụ, như ăn uống chẳng hạn, dường như mỗi khi tăng là hình thành mặt bằng giá mới chứ không có chuyện lên rồi xuống (!).
Đây là một hiện tượng tiêu cực hiện đang rất phổ biến của thị trường nước ta đã diễn ra nhiều năm qua và chưa biết bao giờ mới chấm dứt. Đây là biểu hiện rất rõ của lối tư duy tiểu nông, tập quán làm ăn nhỏ lẻ mang tính cơ hội, chụp giựt nhất thời của một bộ phận người kinh doanh. Cái tai hại của thói quen tiêu cực này là làm méo mó tình hình thị trường, gây khó khăn cho công tác quản lý, điều hành thị trường của Nhà nước và khiến người tiêu dùng luôn ở trong tâm trạng lo lắng, bất an và thậm chí thiếu sự cảm thông, chia sẻ với cơ quan quản lý nếu không được sự giải thích thấu đáo.
Để hạn chế nạn “đục nước béo cò” khi giá các mặt hàng cơ bản, thiết yếu với đời sống và sản xuất, các cơ quan quản lý Nhà nước cần đẩy mạnh việc tuyên truyền, giáo dục gắn liền với kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng cơ hội găm hàng, tăng giá... nhằm thu lợi bất chính. Các lực lượng chức năng phải tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường để kịp thời phát hiện và xử lý phải đến nơi đến chốn các vi phạm ngay từ lúc mới manh nha, kiên quyết không để diễn ra tràn lan. Mục tiêu đặt ra là thiết lập cho được một thị trường buôn bán có trật tự, xây dựng được một môi trường kinh doanh lành mạnh, văn minh.
Kinh doanh là hoạt động mang tính kinh tế - xã hội rất rộng lớn, là sợi dây nối liền các mối quan hệ cộng đồng nên cần và phải là một lối ứng xử có văn hóa giữa người bán với người mua. Nghĩa là chúng ta cần xóa bỏ lề lối làm ăn mang tính chụp giựt, hám lợi trước mắt mà thiếu tính lâu dài trong hoạt động kinh doanh, buôn bán.
|