Những ngày qua, thông tin gây nhiều cảm xúc trong dư luận xã hội về kết quả kỳ thi tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng năm nay là việc trong danh sách các thủ khoa có rất nhiều những em có hoàn cảnh khá đặc biệt như nhà rất nghèo, neo đơn, mồ côi cha mẹ… Với hoàn cảnh khó khăn như thế, với nhiều em chỉ nội việc cố gắng theo học được hết bậc học phổ thông đạt kết quả thông thường đã là một nỗ lực đáng khen. Vậy mà đã có nhiều em học giỏi, đậu đại học với kết quả rất cao có số điểm gần như tuyệt đối và trở thành thủ khoa thì thật đáng ngưỡng mộ.
Điểm chung của các thủ khoa này là các em đều sinh ra trong các vùng quê, cha mẹ có hoàn cảnh nghèo khó, điều kiện ăn học rất chật vật nhưng các em lại đều là những đứa con hiếu thảo, rất thương cha, mẹ. Chính điều này đã là động cơ thôi thúc các em vượt lên hoàn cảnh, nỗ lực học tập thật tốt. Không chỉ vậy, các em cũng rất chịu thương, chịu khó trong việc tham gia công việc đồng áng, thậm chí làm thuê làm mướn để đỡ đần cha me.
Tuy nhiên, “hậu thủ khoa” thì vẫn còn không ít những trăn trở suy tư của gia đình, cha mẹ và bản thân các em. Đằng sau niềm vui, niềm vinh dự rất đỗi tự hào với danh hiệu thủ khoa là nỗi lo cho con đường học hành còn dài ở phía trước. Chi phí cần thiết để theo đuổi hết mấy năm đại học là cả một gánh nặng đối với gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Nguy cơ các thủ khoa nhà nghèo phải bỏ học chỉ vì quá nghèo là điều rất dễ xảy ra nếu không có sự giúp đỡ của những cơ quan, đoàn thể và các tổ chức xã hội có trách nhiệm.
Với kết quả học tập và thi tuyển xuất sắc, rõ ràng các thủ khoa nhà nghèo là những mầm mống tài năng rất quý của đất nước cần được chăm chút cẩn thận để ngày càng phát triển và đơm hoa kết trái. Vì thế, các em xứng đáng được nhận sự quan tâm, giúp đỡ của toàn xã hội để bảo đảm có thể hoàn thành bậc học đại học và cao hơn. Việc Nhà nước cho vay ưu đãi, sự tài trợ của các quỹ học bổng, phần thưởng của các mạnh thường quân… là những cách giúp đỡ rất thiết thực giúp các em có thể hoàn thành việc học tập một cách suôn sẻ. Tuy nhiên, chúng ta không nên “bi kịch hóa” tình hình để tránh tình trạng “no dồn đói góp” trong việc giúp đỡ các em. Ở nhiều nước phát triển Âu Mỹ, thanh niên học xong phổ thông khi đi học đại học là tự vay tiền, tự kiếm việc làm để trang trải cho việc học tập của mình và trả nợ khi đi làm là chuyện hết sức bình thường. Với các thủ khoa nhà nghèo của chúng ta, có thể nói các em đã được bộc lộ nghị lực lớn, ý chí cao thì đó cũng không phải là điều quá khó. Mong rằng các em sẽ nuôi dưỡng ngọn lửa nghị lực tiếp tục thực hiện ước mơ học tập của mình để tài năng tiếp tục tỏa sáng.
|