Luật & Đời
21:40', 25/8/ 2012 (GMT+7)

Để điều chỉnh các hoạt động và các mối quan hệ trong xã hội, việc ban hành các văn bản mang tính qui phạm pháp luật để mọi người cùng tuân thủ là cần thiết và không thể thiếu. Đây cũng chính là điều kiện cơ bản và quan trọng để đảm bảo trật tự và công bằng trong xã hội.

Thực tế cho thấy, bên cạnh đa số các quy định, văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh hoạt động của xã hội hay hành vi của cá nhân được xã hội đồng thuận cao và được thực thi rất nghiêm túc thì cũng có những quy định không phát huy được tác dụng trong đời sống xã hội, bởi sự thiếu tính khả thi của nó. Các văn bản loại này thường được soạn thảo và ban hành vội vã, thời điểm ban hành không hợp lý nên không mang lại hiệu quả như mong muốn, thậm chí phải chỉnh sửa hoặc “chết yểu” vì buộc phải bãi bỏ.

Trong số các văn bản này có thể kể đến quy định về xử phạt vi phạm hành chính việc hút thuốc lá ở nơi công cộng. Đã gần 2 năm triển khai thực hiện vẫn không xử phạt được vì thiếu lực lượng và các biện pháp chế tài. Hiện nay, tình trạng hút thuốc nơi công cộng như: hội trường họp, phòng làm việc, bệnh viện, thư viện, phòng đợi của nhà ga, bến xe, sân bay, bến cảng và trên các phương tiện giao thông công cộng, trường học, các cơ sở y tế, nhà văn hóa, các khu vực sản xuất và nơi làm việc trong nhà, nơi có nguy cơ cháy nổ cao... vẫn diễn ra bình thường.

Một quy định khác về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy và chữa cháy, là quy định hành vi sử dụng điện thoại di động tại cây xăng sẽ bị phạt từ 2 - 5 triệu đồng. Quy định đã có hiệu lực thi hành từ ngày 5.8 vừa qua, nhưng chưa thể thực hiện thì đã bị cơ quan chức năng kiến nghị sửa vì sự bất cập của nó trong việc thực hiện và thi hành.  

Cung tương tự là việc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành quy định thịt và phụ phẩm bảo quản ở nhiệt độ thường chỉ được bày bán trong vòng 8 giờ; bảo quản ở 0 - 5 độ C thì được bày bán trong vòng 72 giờ kể từ khi giết mổ; việc Bộ Công an cho thí điểm việc ghi tên cha mẹ vào chứng minh nhân dân… Quy định là vậy, nhưng ngay lập tức đã bị dư luận xã hội và các cơ quan hữu quan khác chỉ ra sự bất cập với thực tế, những nghi ngờ về tính khả thi, sự rắc rối khi thực hiện trên thực tế… nên đã bị “rút” lại, hoặc phải tính toán nghiên cứu sửa đổi trước ngày có hiệu lực thi hành cho thấy sự bất cập là một thực tế.

Đời sống xã hội rất phong phú và thường xuyên nảy sinh những vấn đề mới cần được điều chỉnh bằng các quy định của pháp luật. Từ các trường hợp bất cập nêu trên cho thấy, việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật còn nhiều hạn chế, dẫn đến tình trạng hiệu lực, hiệu quả không cao; tác động không tốt trong đời sống xã hội; làm giảm tính nghiêm minh của pháp luật; ảnh hưởng tới ý thức và sự tự giác tuân thủ và thực hiện pháp luật của người dân.

Vì vậy, vấn đề đặt ra là khi ban hành Luật phải có sự gắn bó mật thiết với thực tế đời sống và nhu cầu của xã hội để phát huy tốt quyền năng “thần linh pháp quyền” của nó.

  • HẢI ĐĂNG
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Hậu… thủ khoa !  (24/08/2012)
Biểu tượng cho Quy Nhơn  (18/08/2012)
Văn hóa giá cả !?  (18/08/2012)
Công bằng & Nhân văn !   (12/08/2012)
Phòng ngừa giặc lửa !  (10/08/2012)
Tự hào Đất Võ !  (07/08/2012)
Nghịch lí !  (03/08/2012)
Thắm đượm nghĩa tình !  (28/07/2012)
Chọn nghề, chọn nghiệp !  (27/07/2012)
Quyết liệt hành động  (21/07/2012)
Cần, nhưng phải hợp lí !  (21/07/2012)
Trách nhiệm và lời hứa   (15/07/2012)
Ngăn chuyện trớ trêu !   (13/07/2012)
Có đảm bảo được trật tự, chấm dứt lấn chiếm?  (08/07/2012)
“Trông người ngẫm ta” !?  (07/07/2012)