Ngày 31.7.2009, Bộ Chính trị đã ban hành văn bản số 264-TB/TW về việc tổ chức Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Sau hơn ba năm triển khai cuộc vận động, ý thức tiêu dùng hàng Việt của đại bộ phận người dân Việt Nam đã được nâng lên đáng kể. Tuy nhiên, để cuộc vận động này thực sự song hành lâu dài với người dân thì vẫn cần có một chiến dịch tuyên truyền “dài hơi” với sự vào cuộc từ nhiều phía.
Chính vì vậy, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành văn bản yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan phải đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, vận động để người tiêu dùng trong nước và nước ngoài biết, hiểu, đánh giá đúng về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, khả năng sản xuất, kinh doanh và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của doanh nghiệp Việt Nam.
Các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan cũng cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp Việt Nam nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ; thực hiện các cam kết bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng; từng bước xây dựng, bảo vệ và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm, hàng hóa Việt Nam không chỉ tại thị trường trong nước mà còn từng bước vươn ra thị trường khu vực và thế giới.
Thực tế cho thấy, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” qua 3 năm triển khai đã tạo ra sức lan tỏa sâu rộng, nhận được sự hưởng ứng của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Từ sự nỗ lực chung của cả hệ thống chính trị, công tác tuyên truyền có đóng góp quan trọng đã tác động không nhỏ vào tâm lý mua sắm và ưu tiên dùng hàng Việt của người Việt trên địa bàn.
Việc tuyên truyền, vận động không chỉ dừng lại ở sự kêu gọi chung chung mà đã có sự phối hợp với các ngành, có sự linh hoạt hơn trong việc vận động các doanh nghiệp, tiểu thương buôn bán ngay trên địa bàn cùng vào cuộc, cùng tham gia vào cuộc vận động với những hoạt động giới thiệu, quảng bá hàng Việt ngay tại địa phương thông qua các phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn.
Việc kêu gọi xúc tiến thương mại, tổ chức các hội chợ cũng là cần thiết để tuyên truyền cuộc vận động “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” có hiệu quả. Tuy nhiên, yêu cầu quan trọng là phải làm tốt việc kiểm soát chất lượng hàng hóa để hội chợ mang đúng ý nghĩa hội chợ, thu hút đông đảo người tiêu dùng đến tham quan và mua sắm. Các doanh nghiệp tham gia hội chợ không chỉ có cơ hội giới thiệu, quảng bá sản phẩm đến với người tiêu dùng, mà còn có cơ hội để ký kết làm ăn, mở rộng thị trường, tăng sản phẩm tiêu thụ…
Bên cạnh đó, các ngành chức năng liên quan cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường; loại trừ những sản phẩm không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, kịp thời phát hiện những mặt hàng nhái, hàng giả trà trộn gây mất uy tín, ảnh hưởng đến thương hiệu hàng Việt, tạo dựng lòng tin trong nhân dân…
Có thực hiện công tác tuyên truyền, quảng bá một cách đồng bộ như thế mới góp phần đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả cuộc vận động “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” như yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ trong thời gian tới.
|