Lâu nay, giá cả hàng hóa nông sản khi đến tay người tiêu dùng giá cả đội lên gấp nhiều lần, bởi nó phải đi qua nhiều khâu trung gian, còn lợi nhuận cho người sản xuất và doanh nghiệp chế biến không đáng bao nhiêu.
Để hàng hóa lưu thông ổn định và có lợi cho người sản xuất lẫn người tiêu dùng, sự liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân trong thực tế sản xuất sẽ mang lại hiệu quả cao hơn khi loại trừ đượclối sản xuất nhỏ lẻ, rời rạc, giúp nâng cao chuỗi giá trị hàng hóa, hình thành vùng sản xuất lớn, nâng cao tính cạnh tranh cho hàng hóa nông sản.
Gần đây, ở tỉnh ta đã hình thành các liên minh sản xuất một số sản phẩm nông sản như xoài, lúa, điều… Đây là một hình thức hợp tác mới trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, là giải pháp hài hòa lợi ích giữa người sản xuất, nhà phân phối và người tiêu dùng, qua đó đảm bảo được giá trị nông sản, kích thích sản xuất.
Tuy nhiên, sau một thời gian ngắn triển khai thực tế cho thấy việc liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp còn mờ nhạt và thiếu tính bền vững. Nông dân không thực hiện đúng hợp đồng, bán nông sản cho thương lái khi giá cả thị trường tăng cao. Doanh nghiệp cũng chưa tôn trọng lợi ích của nông dân, không thực hiện đúng các điều khoản đã ký kết như cung ứng vật tư không đúng số lượng, tiêu chuẩn; đơn phương phá bỏ hợp đồng, không đầu tư cho vùng nguyên liệu.
Để sản xuất nông sản ổn định từ nguyên liệu, vật tư đến khâu tiêu thụ, nông dân phải liên kết với doanh nghiệp. Liên kết chuỗi trong cung ứng nông sản là con đường tất yếu để nâng cao hiệu quả sản xuất và thiết lập thị trường tiêu thụ ổn định. Nhưng để chuỗi cung ứng hoạt động ổn định, bền vững, cần giải quyết nhiều vấn đề, trước nhất là xây dựng cơ chế hài hòa lợi ích giữa các bên tham gia.
Đây không chỉ là vấn đề sống còn của riêng nông dân hay doanh nghiệp mà còn mang tầm chiến lược quốc gia đối với một nước sản xuất nông nghiệp như nước ta.
|