Biến tướng !?
20:21', 29/9/ 2012 (GMT+7)

Tết Trung thu là một sinh hoạt truyền thống mang ý nghĩa đoàn viên, sum vầy, hạnh phúc cho mọi nhà, là ngày tết của trẻ em. Đây là một nét đẹp văn hóa mang tính nhân văn sâu sắc.

Trước đây tiền bạc có thể ít, nhưng thời gian rỗi rãi, các gia đình, địa phương, làng quê, phố phường đều tổ chức các hoạt động mừng Tết Trung thu như múa sư tử, múa lân, đánh trống, rước đèn ông sao… tạo ra không khí sinh hoạt văn hóa cộng đồng, tạo ra sức sống lâu dài cho đời sống văn hóa tinh thần. Đây cũng là dịp để các tổ chức xã hội quan tâm tới trẻ nhỏ và khơi dậy cho chúng tình cảm với quê hương, đất nước, thiên nhiên, xã hội, con người … Tết Trung thu là vậy, thật đơn giản nhưng rất ấm cúng!

Những ngày này, không khí trung thu đã rộn ràng trên các con phố. Cũng là các gian bánh tràn ra các nẻo đường, cũng múa lân rộn ràng đây đó, lồng đèn giăng mắc khắp nơi…, tuy nhiên cái ý nghĩa của Tết Trung thu nay đã khác xưa và dường như nó không còn là tết của thiếu nhi nữa. Mặt trái của kinh tế thị trường đã khiến cho những giá trị văn hóa truyền thống của Tết Trung thu bị biến tướng, thậm chí là bị lãng quên, bị bóp méo. Điều này thể hiện rõ nhất qua cái bánh trung thu, một nét đặc trưng của dịp Tết Trung thu.

Những năm trước, bánh trung thu vẫn làm theo kiểu truyền thống, đơn giản và hợp túi tiền của tất cả mọi người. Nhưng khoảng chục năm trở lại đây, thị trường đã xuất hiện rất nhiều các loại bánh mới, không chỉ mới ở chất liệu, các loại gia vị mà hình thức cũng đẹp hơn, được đầu tư kỹ lưỡng hơn, cùng với đó, giá cả cũng nâng lên rất nhiều. Với nhiều chiêu thức tiếp thị, quảng cáo, các nhà sản xuất và phân phối đang “khoác” cho bánh Trung thu “sứ mệnh” thể hiện tình cảm, sự phú quý và hợm hĩnh với nhau. Cái bánh trung thu đã biến thành vật phẩm thể hiện đẳng cấp, để biếu xén, quà cáp, thậm chí là phương tiện để chạy chọt...

Năm nay, dù đang là thời điểm kinh tế khó khăn nhưng các sản phẩm giá bạc triệu vẫn ào ạt ra thị trường, mức giá còn cao hơn những năm trước. Các loại bánh trung thu bây giờ được đặt trong hộp rất sang trọng, mang những cái tên rất kêu như Đại Phúc, Vạn Phúc, Trường Phúc, Đại phát đại tài, Vinh hoa phú quý… có giá lên tới 5 - 700 ngàn đồng một hộp. Các loại sử dụng các loại hương vị quý hiếm từ bào ngư, yến sào táo đỏ, phô mai, đậu xanh tuyết... trị giá hàng triệu đồng mỗi hộp cũng không phải là hiếm.

Số tiền để mua một hộp bánh như vậy là một mặt hàng sản phẩm quá xa xỉ với những gia đình có thu nhập trung bình. Tuy nhiên, với các đối tượng khách hàng mua những loại bánh này chủ yếu để làm quà biếu, tặng nhằm “lo công việc” thì họ sẵn sàng rút hầu bao, thậm chí càng đắt, càng xa xỉ càng tốt. Thế nên mới có những hộp bánh trung thu đặc biệt khi đi kèm với những chiếc bánh là các thứ rượu đắt tiền như Chivas, Ballantine, Macallan…trị giá cả chục triệu đồng!

Người ta vẫn hối hả để “lo” Tết Trung thu, nhưng không phải là lo cho con cháu trong gia đình. Tết Trung thu giờ đã trở thành “cuộc chơi” của người lớn. Người ta mượn dịp Tết Trung thu của trẻ để tặng quà cho nhau, mưu cầu sự thăng quan tiến chức hay những lợi ích cá nhân. Một khi ngày hội của trẻ em trở thành một cuộc “chạy đua” của người lớn như thế thì đích thị là một sự biến tướng thái quá đến độ kinh dị.

Thật đáng buồn thay!

  • HẢI ÐĂNG
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Hài hòa lợi ích   (29/09/2012)
Người Việt dùng hàng Việt  (22/09/2012)
Văn hóa giao thông  (21/09/2012)
Kiên quyết ngăn chặn, loại trừ   (15/09/2012)
Đâu chỉ là... “chuyện của trời”  (14/09/2012)
Nâng cao chất lượng “trồng người”  (08/09/2012)
Tiếp nối truyền thống, vững bước đi lên   (01/09/2012)
Buồn như bóng đá !?   (31/08/2012)
Luật & Đời  (25/08/2012)
Hậu… thủ khoa !  (24/08/2012)
Biểu tượng cho Quy Nhơn  (18/08/2012)
Văn hóa giá cả !?  (18/08/2012)
Công bằng & Nhân văn !   (12/08/2012)
Phòng ngừa giặc lửa !  (10/08/2012)
Tự hào Đất Võ !  (07/08/2012)