Lâu nay, khi đề cập đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm đường phố thì các cơ quan quản lý đều thừa nhận chuyện hàng quán bán rong là rất khó kiểm soát. Tuy nhiên, từ ngày hôm nay (20.1), khi Thông tư 30/2012 của Bộ Y tế sẽ có hiệu lực thi hành, thì những người buôn bán hàng rong, kinh doanh thức ăn đường phố phải đáp ứng được những yêu cầu khá khắt khe được quy định mang tính bắt buộc.
Chẳng hạn như quy định người bán hàng rong, thức ăn đường phố phải khám sức khỏe định kỳ, quy định về việc chứng minh nguồn gốc thực phẩm bằng hóa đơn, chứng từ, người bán hàng phải có giấy chứng nhận tập huấn về vệ sinh an toàn thực phẩm, phải có đủ nước sạch theo tiêu chuẩn quốc gia, có đủ trang thiết bị, dụng cụ chế biến, bảo quản thức ăn…
Vấn đề đặt ra là liệu thông tư mới này có đi vào thực tế một cách triệt để khi có nhiều quy định rất khó để thực thi. Với số lượng lên đến hàng triệu người kinh doanh thức ăn đường phố và tham gia làm việc trong lĩnh vực này trong cả nước thì chỉ việc khám sức khỏe cũng đã vô cùng nan giải rồi đến việc chứng minh nguồn gốc, xuất xứ thực phẩm của các chị bán xôi vỉa hè, bán thịt ở chợ cóc nào đó liệu có khả thi?
Thời gian gần đây ngành chức năng trong cả nước đã liên tục phát hiện nhiều vụ việc vận chuyển, mua bán thịt gia cầm không có nguồn gốc xuất xứ cụ thể, hàng không nhãn mác, không rõ thời hạn sử dụng, không được kiểm tra chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Đáng chú ý là các vụ vận chuyển các loại phủ tạng động vật bị hôi thối không qua kiểm tra đã trà trộn đi tiêu thụ khắp nơi. Và điều lo ngại nhất khi mối nguy về thực phẩm “bẩn” len lỏi vận chuyển đi tiêu thụ trên thị trường là rất lớn, nhất là các hàng quán bán rong và thực phẩm đường phố.
Trước thực trạng trên, năm nay, Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương đã thành lập 8 đoàn kiểm tra ở 24 tỉnh, thành trọng điểm. Thời gian kiểm tra diễn ra trong hơn một tháng trong dịp Tết Nguyên đán. Đối tượng thanh kiểm tra là tất cả các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh nhập khẩu thực phẩm; riêng các cơ sở thực phẩm vừa và nhỏ, cơ sở dịch vụ ăn uống do huyện, xã kiểm tra. Tuy nhiên, các diễn biến thực tế cho thấy hiệu quả của công tác này còn chưa nhiều
Không phủ nhận việc ban hành và thực hiện Thông tư 30/2012 của ngành y tế chính là để mang đến cho người tiêu dùng những bữa ăn sạch, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân. Nhưng để mục tiêu tốt đẹp đó đi vào thực tế đòi hỏi những đơn vị chức năng cũng như chính quyền các địa phương phải quyết tâm cao độ, triển khai quyết liệt và truyền thông sâu rộng. Một khi mà người tiêu dùng ủng hộ, người kinh doanh ý thức đầy đủ và cơ quan chức năng “ra tay” triệt để mới mong thông tư sẽ đi vào cuộc sống.
|