Tết, cẩn thận với rượu đế
21:14', 25/1/ 2013 (GMT+7)

Để bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng, Chính phủ đã ban hành Nghị định 94/2012/ NĐ-CP về việc sản xuất, kinh doanh rượu và đã chính thức có hiệu lực từ ngày 1.1.2013. Theo đó, đối với tất cả các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu thủ công (rượu tự nấu), muốn bán ra thị trường phải có giấy phép sản xuất; trên sản phẩm phải có nhãn mác, phải đăng ký với chính quyền địa phương…

Tuy nhiên, dù Nghị định của Chính phủ đã có hiệu lực pháp luật, nhưng ngoài thị trường vẫn tràn lan rượu tự nấu không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh các hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu vẫn diễn ra bình thường, người nấu, kẻ bán nhiều nơi vẫn không có giấy phép sản xuất, kinh doanh; hầu như tất cả các loại rượu này đều không dán nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ trên vỏ chai hay can nhựa chứa rượu như quy định.

Quy định của NĐ 94 là một bước quản lý quan trọng nhằm góp phần chống tình trạng rượu lậu, rượu giả tràn lan trên thị trường trong thời gian gần đây, nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, đồng thời giúp thị trường tiêu thụ rượu một cách lành mạnh hơn. Việc tuyên truyền, tạo điều kiện cho các hộ sản xuất, kinh doanh rượu làm cam kết và hướng dẫn xin giấy phép, đăng ký theo quy định của NĐ 94 sẽ ngăn ngừa tận gốc tình trạng người dân sản xuất và kinh doanh rượu không bảo đảm chất lượng. Làm tốt được vấn đề này sẽ siết chặt hơn hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu, góp phần giúp thị trường tiêu thụ mặt hàng này lành mạnh hơn...

Năm vừa rồi, trong phạm vi cả nước đã xảy ra không ít vụ ngộ độc rượu hết sức nghiêm trọng gây chết người hoặc hủy hoại sức khỏe nghiêm trọng dẫn đến tàn phế suốt đời. Hầu hết các vụ ngộ độc rượu đều xảy ra với rượu tự nấu, không rõ nguồn gốc, không đăng ký chất lượng sản phẩm, không có cơ quan quản lý nào kiểm tra chất lượng trước khi lưu thông ra thị trường. Không đâu xa, ngay ở tỉnh ta cũng đã xảy ra vụ ngộ độc rượu dẫn đến tử vong sau khi dự đám giỗ từ rượu tự nấu tự pha chế.

Càng về cuối năm, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới, số lượng tiêu thụ rượu sẽ tăng mạnh. Vì thế, việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu là rất cần thiết nhằm siết chặt quản lý, ngăn ngừa các loại rượu giả, rượu kém chất lượng và không an toàn ra thị trường. Trong khi việc thực hiện NĐ 94 và công tác quản lý thị trường rượu tự nấu vẫn còn bất cập như hiện nay, để tránh hậu quả đáng tiếc thì cách tốt nhất mỗi người tiêu dùng nên “nói không” với các loại rượu không đảm bảo an toàn.

  • YÊN LÊ
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Câu chuyện hàng rong  (20/01/2013)
Để mọi nhà cùng có tết  (19/01/2013)
Cùng đóng góp tâm huyết và trí tuệ  (12/01/2013)
Giữ giá tết  (11/01/2013)
Giữ giá tết  (11/01/2013)
Nâng cao trách nhiệm với ATGT  (05/01/2013)
Tết vui, tết khỏe !  (05/01/2013)
Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí  (29/12/2012)
Phòng ngừa hàng giả, hàng dỏm  (28/12/2012)
Hài như… bóng đá !?  (23/12/2012)
Tin đồn thất thiệt !  (22/12/2012)
Chủ động đối phó với hạn  (15/12/2012)
Khác nào… “đánh đố” !?  (14/12/2012)
Năng động hơn, quyết liệt hơn !  (08/12/2012)
“Nhãn tiền” biến đổi khí hậu!  (07/12/2012)