Vâng, đúng là như vậy. Lần đầu tiên cả nước mới có một kỳ nghỉ tết kéo dài đến 9 ngày như Tết Quý Tỵ vừa qua. Ngày xưa, với đời sống nông nghiệp các cụ nhà ta có tục “ba ngày tết, bảy ngày xuân”. Do đó, thường phải đến ngày mùng bảy mới hạ nêu đánh dấu thời điểm hết tết để trở lại đời sống sinh hoạt theo nhịp ngày thường. Trong thời hiện đại, nhịp sống công nghiệp và hội nhập quốc tế không cho phép ăn tết như xưa nên thường tết chỉ diễn ra chính thức 4 ngày, hết mùng 3 coi như là hết ăn tết.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, rất nhiều lễ hội được tổ chức trong dịp tháng giêng nên tuy hết tết nhưng người ta lại tham gia các loại hội hè đình đám này nên “tháng giêng là tháng ăn chơi” vẫn cứ tiếp tục dài dài. Thực tế cho thấy, phần đông người lao động xong 3 ngày tết là họ lại tất tả với công việc mưu sinh thường nhật, nhưng với các thành phần khác trong xã hội thì hội hè vẫn là “một phần tất yếu” đối với họ. Thế nên, tình trạng công sở làm việc chểnh mảng khiến người dân không giải quyết được công việc; nạn lạm dụng thời gian, phương tiện công để đi hội hè… vẫn diễn ra ở không ít nơi gây bức xúc cho người dân.
Năm nay, ngay trước tết, các cấp đã có sự chỉ đạo về việc đón tết vui xuân phải đảm bảo an toàn, tiết kiệm và bắt tay ngay vào công việc khi kỳ nghỉ tết kết thúc. Cũng chưa năm nào có được một kỳ nghỉ tết dài như năm nay nên mọi vấn đề liên quan đến thời gian đã được thỏa mãn. Vì vậy, không có lý do gì để tiếp tục kéo dài thêm việc hội hè đình đám để ảnh hưởng đến công việc của các cơ quan đơn vị nói chung và từng cá nhân.
Sau một kỳ nghỉ tết dài, mỗi người đã được tiếp thêm sinh lực về mặt tinh thần, nạp thêm năng lượng về mặt vật chất. Vì vậy, mỗi người hãy trở lại làm việc tích cực hơn, sáng tạo hơn, năng suất hơn để cuộc sống tốt đẹp hơn trong năm mới Quý Tỵ.
Hãy nhớ: Tết, Tết, Tết…đã hết rồi!
|