Từ bao đời nay, lễ hội luôn giữ vai trò như sợi dây gắn kết cộng đồng, tạo dựng không gian văn hóa vừa trang trọng, linh thiêng vừa tưng bừng, náo nức mỗi dịp đầu năm. Lễ hội cũng là dịp để mỗi người trở về với cội nguồn dân tộc, tưởng nhớ công ơn người đi trước, cầu mong những điều tốt lành. Vì vậy vào mỗi dịp đầu năm trên đất nước ta nơi nào cũng có lễ hội và tháng Giêng được xem là mùa lễ hội. Nét sinh hoạt cộng đồng này mang giá trị văn hóa tinh thần rất to lớn, như một động lực tinh thần quan trọng tạo đà cho một năm mới.
Nhưng qua thời gian, tính chất nguyên bản của lễ hội truyền thống ngày càng mai một và cái gọi là “mặt trái” của nó ngày càng bộc lộ nhiều hơn. Trong những ngày qua, các phương tiện thông tin đại chúng dồn dập phản ảnh chuyện mới vào đầu mùa lễ hội song cảnh chen chúc, xô bồ chặt chém, mất vệ sinh, tệ nạn buôn thần bán thánh lại tiếp tục diễn ra tại nhiều nơi trong cả nước. Có thể nói, từ Bắc chí Nam nơi nào có lễ hội tại các đền chùa thì đều có hiện tượng đốt đồ vàng mã, nhét tiền nơi đền chùa tượng phật, rồi nữa là nạn cúng vái xin xỏ, bói toán…Rồi tiếp nữa là tình trạng rác thải bừa bãi khắp nơi, cảnh trèo tường, chen lấn dẫm đạp lên nhau của khách hành hương hay chuyện treo bán thịt thú rừngsống ngay gần điểm tu hành… khiến ai cũng cảm thấy nao lòng với bức tranh toàn cảnh về lễ hội xấu xí này.
Với mùa lễ hội năm nay, cụm từ “dung tục hóa” đã được nâng lên thành “phỉ báng thánh thần” để đặt tên cho các hành vi kém văn hóa, thiếu hiểu biết về lễ hội của không ít người tham gia. Tính thương mại của lễ hội hiện thời dường như đã được đặt lên trên ý nghĩa tinh thần, hoạt động tâm linh dường như đã được coi là một sản phẩm du lịch… đã khiến cho ý nghĩa tốt đẹp ban đầu của lễ hội không còn nguyên vẹn. Sự biến tướng của văn hóa lễ hội đã làm cho ý nghĩa và giá trị lịch sử, giá trị văn hóa càng mất dần và thay vào đó là sự “tha hóa” ở các lễ hội là vấn đề đáng báo động cho đời sống tinh thần hiện nay.
Để bảo tồn nét văn hóa truyền thống rất đáng tự hào của dân tộc chúng ta cần phải có cách thức ứng xử thích hợp với lễ hội, làm cho các lễ hội truyền thống trở thành “thương hiệu” mạnh trong việc quảng bá hình ảnh đất nước, thu hút khách du lịch, mở rộng giao lưu văn hóa… Hơn lúc nào hết, đã đến lúc các cơ quan có trách nhiệm và cộng đồng xã hội cần bày tỏ thái độ, có những động thái đúng mức, quyết liệt để bảo tồn và phát huy những giá trị tốt đẹp mang tính truyền thống lịch sử sâu sắc, nhân văn của lễ hội. Đặc biệt là phải gìn giữ cho được ý nghĩa đích thực, giá trị tinh thần và cốt cách sáng tạo văn hóa của cha ông truyền lại, để cho mỗi một lễ hội là biểu tượng văn hóa truyền thống đích thực của dân tộc.
|