Thập Tháp Di Đà tự hay chùa Thập Tháp là một trong 5 ngôi chùa của tỉnh Bình Định được chép vào sách Đại Nam Nhất Thống chí với lời đánh giá “ chùa này cùng chùa Linh Phong đều nổi tiếng là danh thắng”. Ca dao địa phương có câu:
|
Phía trước chùa ThậpTháp. (Ảnh TL) |
An nhơn có núi mò O
Có chùa Thập Tháp có đò Trường Thi.
Chùa Thập Tháp nằm ở phía Bắc thành Đồ Bàn, nay thuộc địa phận thôn Vạn Thuận, xã Nhơn Thành, huyện An Nhơn, cách Thành phố Quy nhơn 27 km, thị trấn Bình Định 7km về phía Tây Bắc và chỉ cách QL 1A khoảng 100m về phía tây. Con đường tương đối rộng nối từ chùa ra QL 1A đoạn giữa Đập Đá và Nhơn Thành, nơi có cầu Vạn Thuận hay còn gọi là cầu Chùa chính là một đoạn phế tích bờ Bắc thành Đồ Bàn xưa.
Chùa được xây dựng trên một gò tương đối rộng hình mai rùa có chu vi gần 1 km gọi là gò Thập Tháp. Tên gọi này bắt nguồn từ chỗ nơi đây xưa kia có mười ngọn tháp do người Chàm xây để “yểm hậu” cho thành Vijaya. Sách Đại Nam Nhất Thống chí cũng giải thích "vì phía sau có mười ngọn tháp Chiêm Thành nên gọi tên thế”. Chùa quay hướng đông, trước cổng Tam Quan là một ao sen rộng chừng nửa mẫu có bờ xây bằng đá ong không bao giờ cạn nước, xa xa là ngọn Thiên Đỉnh sơn (Núi Mò O) quanh năm lãng đãng sương mây. Phía nam là thành Đồ Bàn có tháp Cánh Tiên sừng sững. Vây bọc sau lưng,bên trái rồi lượn về đông là một nhánh sông Quai Vạc, một chi lưu của sông Kôn. Đất ấy, cảnh ấy thật sơn thủy, thật hữu tình.
Theo các nguồn sử liệu, vào năm Ất Tỵ đời chúa Thái Tông Nguyễn Phúc Tần (1665) có một nhà sư Trung Quốc, họ Tạ, húy Nguyên Thiều, hiệu Hoán Bích và Thọ Tôn, người làng Trình Hương, huyện Triều Châu, tỉnh Quảng Đông thuộc dòng Thiền Lâm Tế, nhận y bác của tổ đời thứ 32 đã đến đất này. Ban đầu nhà sư cho dựng một thảo am (lều cỏ) để truyền đạo. Mười tám năm sau, vào năm Quý Hợi niên hiệu chính Hòa thứ 4 nhà Lê (1683), một ngôi chùa khang trang được hưng công xây dựng mà vật liệu chính là gạch đá lấy từ mười ngôi tháp Chàm bị đổ. Đến năm Tân Mùi niên hiệu Chính Hòa thứ 12 (1691) chúa Nguyễn Phúc Chu ban cho chùa biển ngạch đề Thập Tháp Di Đà tự. Lập xong chùa, theo lệnh chúa, Nguyên Thiều lãnh sứ mệnh mở mang Phật pháp cho cả xứ Đàng Trong, bèn giao chùa lại cho bạn đồng môn là Hòa thượng Đạo Nguyên (1656 –1716) cùng đệ tử xuất sắc là Hòa thượng Kỳ Phương (1282 –1744) trụ trì rồi đi nhiều nơi dựng thêm chùa mới như Phổ Thành, quốc Am ở Thuận Hóa, Giác Duyên ở Gia Định … Sau đó trở về Trung Quốc cung thích pháp trượng, pháp khí cùng nhiều kinh phật (hiện nay tại chùa Thập Tháp vẫn con giữ được ba bộ kinh cổ do nhà sư mang sang lúc bấy giờ). Vị Thiền sư tịch năm 1715, trở thành tổ thứ 33 dòng Thiền Lâm Tế chính tôn là sơ tổ khai sơn Thập Tháp di đà tự.
Đời thứ 34 người kế tục Sơ tổ là Hòa thượng Kỳ Phương, đến đời thứ 35 là Hòa thượng Liễu Triệt (1702- 1764). Vào năm Kỷ Tỵ đời Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát (1749) chùa được trùng tu trên quy mô lớn. Cuối thế kỷ XVIII, dưới thời trụ trì của Hòa thượng Hạo Nhiên (1712 –1784) và Hữu Phỉ (? – 1799) thuộc đời thứ 36 là lúc phong trào Tây Sơn bùng nổ. Do nằm kề cận thành Hoàng Đế nên chùa chịu nhiều ảnh hưởng của nhiều cơn binh lửa, chứng kiến những trận đánh quyết liệt giữa quân Tây Sơn và quân Nguyễn Ánh. Chiến tranh kết thúc, qua các đời trụ trì của Hòa thượng Huệ Nhất (1752 –1826) đời thứ 37, Hưng Long (1752 – 1836) đời thứ 38, chùa có được tu sửa lại. Sách Đại Nam Nhất Thống chí cho biết vào năm Minh Mệnh thứ nhất (1820) sư trụ trì chùa Thiên Mụ là Hòa Thượng Hoằng Mật đứng ra trùng tu, nhưng dấu vết để lại không đáng kể. Đến đời Hòa thượng Minh Lý (1836 –1889) đời thứ 39, chùa lại được trùng tu trên quy mô lớn, kéo dài trong nhiều năm. Chính điện được nâng cao, cả phần kiến trúc và nghệ thuật trang trí đều được hoàn chỉnh. Ba mươi pho tượng lớn nhỏ được tạo tác (bên dưới mỗi pho tượng đều có ghi dòng chữ “Giáp Tuất niên (năm 1874) trụ trì Minh Lý Hòa thượng cung tạo”, các khám thờ cả chính phụ là 6 khám cùng một số hoành phi là trùng tu, ngoài ra Hòa thượng Minh Lý còn khắc tấm biển đề “pháp phái Lâm Tế chính phổ” chép bài kệ của Hòa thượng Vạn Phong vào năm 1874, rồi cho dựng bia sắc tứ Thập Tháp di Đà bi minh (1876) và khắc trên ba trăm bản in kinh phật bằng gỗ… dưới thời trụ trì của tổ đời thứ 40, vào năm Thành Thái thứ 6 (1894), Hòa thượng Vạn Thành (1865 –1905) đã thuê đúc một quả chuông lớn đường kính 0,7m, cao 1,5m, nặng 835kg. Tiếp đó đến đời Hòa thượng Phước Huệ (1869 –1945) cũng đời thứ 40, công việc tu sửa vẫn được tiếp tục, đặc biệt vào năm 1924 ngôi phương trượng và Tam Quan được xây dựng lại. Đến đời thứ 41 là Hòa Thượng Huệ Chiểu (1898 –1965) rồi Kế Châu (sinh năm 1921) vẫn diễn ra những tu bổ thường xuyên.
|
Cổng chùa Thập Tháp. (Ảnh TL) |
Đến nay, trải qua lịch sử trên 300 năm với 15 vị hòa thượng trụ trì thuộc 9 đời, từ ngôi thảo am đơn sơ Thập Tháp Di Đà tự đã trở thành một công trình kiến trúc Phật giáo có qui mô hoành tráng. Có thể khẳng định rằng chùa Thập Tháp bộ sử bằng di tích nói về quá trình phát triển của phật giáo Đàng Trong, đặc biệt với Bình Định, đây là ngôi tổ đình của phái Nguyên Thiều. Ngoài ý nghĩa đó, quần thể kiến trúc điêu khắc và toàn bộ cảnh quan chùa Thập Tháp ngày nay còn là một di tích văn hóa có giá trị lớn lao trên nhiều phương tiện. Chính vì vậy mà chùa đã được Bộ văn hóa xếp hạn là Di tích Quốc gia.
Chùa được bao quanh bằng lớp tường mới xây dựng lại. Tam Quan với hai trụ cao và to, trên đỉnh đắp tượng sư tử, hai mặt trong ngoài có đề đôi câu đối. Qua khỏi cửa Tam Quan ta dễ dàng nhận thấy chùa có kiến trúc kiểu chữ khẩu, bao gồm 4 khu vực chính. Khu chính diện có diện tích khoảng 400m2 , khu phương tượng khoảng 130m2 , khu tây đường khoảng 120m2 , và khu đông đường khoảng 150m2 được nối với nhau bằng một sân rộng bên trong trồng nhiều cây cảnh.
Chính diện là một kiến trúc tương đối đồ sộ với kết cấu gỗ chiếm phần chủ yếu và cũng là nơi còn lưu giữ nhiều dấu ấn của lần trùng tu năm 1749. Đó là một tòa nhà rộng gồm 5 gian có hành lang bao bọc dài 30 mét, rộng 20 mét, ba gian giữa là điện thờ (Đại Hùng Điện) hai gian phụ hai bên là phòng chúng tăng, được ngăn cách với điện thờ và hành lang trái bởi một vách lụa. Kết cấu bộ sườn gồm 4 hàng cột con, trong đó có 8 cột hàng nhất cao 6 mét, 8 cột hàng nhì cao 5 mét, cột to một người ôm không xuể… Các đoạn trính (hoành) cấu tạo kiểu giá chiêng, hai đầu chạm hoa cuộn, ở những điểm đầu kèo, vật kê đồ chạm hình rồng cách điệu, nét tròn đơn, uốn lượn trang nhã. Bụng các đoạn trính (hoành), xuyên (quá giang), đều chạm hoa văn. Khám thờ chính trong nội điện đặt dọc theo hàng cột nhất cao gần 5 mét, mày khám chạm lưỡng long tranh châu, thờ tam thế phật: Thích Ca, Di đà, cổ kính, thanh thoát.
Khu Phương trượng đã được cải tạo và nâng cấp vào năm Quí Sửu, Duy Tân 7 (1913), xây bằng gạch, lợp ngói âm dương, dàn mái cấu tạo nhiều lớp cao thấp. Đáng chú ý là bộ sườn gỗ và dàn khám thờ có kỹ thuật chạm trổ lắp ráp rất đẹp. Phương trượng chia làm ba gian, gian giữa là án thờ Hòa thượng Phước Huệ (1869 –1945) đời thứ 40 với bức chân dung toàn thân, hai bên gian là chỗ nghỉ cho khách tăng.
Khu Đông đường (bên trái) và Tây đường ( bên phải) đối xứng nhau. Đông đường do bị hư hại nặng đã được trùng tư gần như mới hoàn toàn vào năm 1967, là nơi tiếp khách và chỗ ở của tăng chúng. Tây đường có lối kiến trúc gần giống phương trượng, mái lợp ngói âm dương, là nơi thờ phụng Sơ tổ khai sơn (Nguyên Thiều) cùng chư vị kế thừa và phật tử quá cố. Chân dung tổ Nguyên Thiều thờ tại án trước, án sau là chư vị chủ trì kế thừa cùng những người công đức góp phần xây dựng chùa qua các thời kỳ (tổng cộng có 20 long vị), hai bên thờ vong linh thiện nam tín nữ từ nhiều đời đến nay.
Ngoài bốn hạng mục chính trên, ở khu vực phía tây còn có nhà thánh kiến trúc đơn giản thờ Cửu Thiên Huyền Nữ, Quan công, Thập Điện Diêm Vương… Phía đông, gắn liền với dãy đông đường là nhà trù (bếp). Khu mộ tháp nằm bên trái chùa bao gồm 21 bảo tháp nhỏ lớn, mang phong cách kiến trúc của nhiều thời kỳ khác nhau. Xưa nhất là tháp đạo Nguyên Thiều Sư (1656 – 1716) và Minh Giác Kỳ Phương (1682 – 1716)
Trong chùa đến nay vẫn còn giữ được nhiều di vật quý. Đó là đôi câu liễn sơn thếp cao 2,5mét ghi bài ngự đề của chúa NguyễnPhúc Chu, đạo hiệu Từ Đế ĐạoNhân cúng cho chùa vào năm Tân Tỵ (1701), hiện để ở chính điện. Một tấm hoành sơn thếp kích thước 0,9m x 5mét đề “ Thập Tháp Di Đà Tự” do hòa thượng Mật Hoằng trụ trì chùa Thiên Mụ phụng tạo vào năm Minh Mệnh nguyên niên (1820) hiện được treo ở trước chính điện. Ngoài ra còn phải kể đến tấm hoành ghi nội dung bài kệ của Hòa Thượng Minh Lý cung tạo năm 1874 và đặc biệt trong chùa hiện còn lưu trữ được nhiều tạng kinh khắc gỗ và in giấy. Số tạng kinh gỗ có tới trên 1.500bảng, còn kinh giấy bao gồm 389 bộ.
Hơn ba trăm năm tồn tại Thập Tháp di đà tự đã chứng kiến biết bao sự kiện lịch sử gắn liền với những bước ngoặt lớn lao của đất nước, của dân tộc. Ngày nay đứng trước tam quan, bên hồ sen lung linh, nhìn xa xăm ra ngọn núi phía đông lòng ta trào dâng bao cảm xúc. Con đường dẫn vào chùa đã từng nhiều trăm năm là bờ bắc thành Đồ Bàn, đế đô của Vương quốc Chăm Pa một thời hùng mạnh. Nào đâu bệ ngọc, nào đâu thềm vàng, nào đâu những cung điện nguy nga. Chỉ còn lại xa xa phía tây nam ngọn tháp Cánh Tiên sừng sững gợi liên tưởng về một kinh đô tráng lệ xa xưa. Rồi hai trăm năm sau cuộc viễn chinh của Lê Thánh tông, khi hòa thượng Nguyên Thiều đến đây dựng thảo am, xây chùa hoằng đạo, công cuộc mở mang vùng đất Đàng Trong của các chúa Nguyễn cũng đã được hơn một trăm năm. Bên thành xưa những lưu dân Việt cặm cụi vỡ hoang, đào nương, đắp đập xây dựng cuộc đời mới. Trên hành trình gian nan ấy những người Việt tha hương không tránh khỏi cái cảm giác chông chênh. Chính cửa phật đã làm cho họ vững tin hơn. Và đã có không biết bao nhiêu người bước qua mái Tam quan chùa Thập Tháp đặng tìm một chỗ dựa tinh thần.
Khi phong trào Tây Sơn quật khởi, các lãnh tụ nghĩa quân cũng đã chọn nơi đây làm đại bản danh trong giai đoạn đầu với những cuộc xuất quân thần kì vào Nam, ra Bắc. Trong chùa hiện vẫn có lưu giữ được một số di tích và hiện vật liên quan đến phong trào Tây Sơn.
Sang thời hiện đại, dưới thời Hòa thượng Huệ Chiểu (1898 –1965) chùa Thập Tháp và cá nhân sự trụ trì đã có những đóng góp đáng kể trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc. Ngài từng là thành viên của Mặt trận Liên Việt khu V, từng lãnh đạo Giáo hội Bình Định và phật tử đẩy mạnh phong trào đấu tranh chống chế độ độc tài Ngô Đình Diệm.
Người đến Thập Tháp Di Đà Tự ngày càng đông không phải chỉ vì chùa là một di tích tiêu biểu đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia mà còn vì những giá trị văn hóa – lịch sử đích thực của di tích. Họ là phật tử, là các nhà nghiên cứu, sử học, nghệ thuật, tôn giáo và cả khách du lịch, trong nước có mà nước ngoài cũng có. Từ nhiều năm nay chùa đã là trung tâm Phật giáo lớn của Bình Định, là một quần thể kiến trúc có quy mô lớn, là một danh lam có tiếng ở miền Trung.
. Theo Bình Định Di tích danh thắng
|