Về Bình Định, đến thăm quê nhà Tây Sơn, Tam Kiệt tại làng Kiên Mỹ, thị trấn Phú Phong. Không những viếng thăm các di tích lịch sử, Viện Bảo tàng Quang Trung mà du khách còn được dịp thưởng thức món ăn đặc sản địa phương như chim mía, gié bò...
Gié bò là món ăn lạ miệng rất được người Tây Sơn ưa thích và chỉ ở Phú Phong mới có, cho nên người ta mới gọi là gié bò Phú Phong. Nghe nói nguồn gốc món ăn này xuất phát từ thời Tây Sơn, là món ăn của đồng bào Ba Na ở Tây Sơn Thượng Đạo (An Khê-Gia Lai), và được lưu truyền cho đến ngày nay. Gié bò được khách sành ăn ưa thích. Hàng năm, vào dịp lễ hội Đống Đa hay ngày Tết, các quán ăn ở địa phương đều có món gié bò để phục vụ khách hành hương.
|
Gié bò Tây Sơn - ảnh SGTT |
Gié bò là món ăn béo bổ, bình dân, rất hợp với túi tiền của mọi người, dù là người sang hay kẻ nghèo khó vẫn có thể thưởng thức ăn chơi hay ăn đến no bụng. Giá một tô gié chẳng hơn giá một tô phở là bao!
Tuy nhiên, gié bò không phải là món dễ ăn và chỉ người sành ăn mới khoái khẩu. Những ai mới dùng lần đầu đều cảm thấy khó nuốt bởi lẽ, món gié nấu hoàn toàn bằng ruột non của bò, người ta gọi là gié, có vị đắng và hôi. Để khử vị đắng người nấu phải bỏ thêm lá dong rừng và ớt chín.
Đầu tiên người ta nấu xoong nước cốt gồm cả huyết, phổi, gan bò. Xong, người ta vớt phổi, gan, huyết ra để dùng riêng, còn nước cốt đem nấu với ruột non để thành món gié.
Ruột non của bò để nguyên, không lộn ruột, chỉ bóp sơ với muối hạt và rửa lại bằng nước đun sôi. Sau đó cắt thành từng khúc ngắn cho vào xoong nước cốt nấu chín. Nước cốt trở thành nước gié có màu trắng đục, vị đắng. Người ta bỏ thêm nhiều lá dong để có vị chua, ớt chín đỏ có vị cay nồng, nêm các loại gia vị như nước mắm, bột ngọt. Thế là đã có xoong gié bốc hơi ngon lành, quyến rũ thực khách. Khi ăn mới múc ra tô. Để cho gié thêm hương vị đậm đà và phong phú, người ta còn bỏ thêm vào tô gié các loại rau thơm như húng, ngò tàu và giá luộc. Bánh tráng gạo nướng chín bóp vụn nhỏ vào tô gié và trộn đều. Ăn nóng mới ngon. Mùi thơm của rau, vị đắng của nước gié, vị chua của lá dong, vị cay nồng của ớt ...đã lôi cuốn thực khách “vào trận” một cách thoải mái. Vừa ăn vừa nhâm nhi ly rượu Bàu Đá nổi tiếng tại địa phương thì tuyệt!
Gié ngon là gié vừa ăn, không mặn quá mà cũng đừng nhạt quá, nước gié tuy đắng nhưng không chát, béo nhưng không ngậy, đã làm vừa lòng những vị “thượng đế” khó tính nhất...
|