|
Đền thờ Đào Duy Từ tại Hoài Nhơn |
Bấy giờ, sau khi Lê Thánh Tông qua đời (1447), nhà Lê bị suy yếu rất nhanh. Năm 1527 Mạc Đăng Dung cướp ngôi của nhà Lê lập ra nhà Mạc. Năm 1532 Nguyễn Kim khôi phục nhà Lê, nhưng không bao lâu lại nảy sinh mâu thuẫn trong nội bộ những người phò giúp triều Lê. Để thoát khỏi vòng cương tỏa của họ Trịnh, năm 1558 Nguyễn Hoàng, con trai của Nguyễn Kim, xin vào làm trấn thủ xứ Thuận Hóa rồi sau đó kiêm trấn thủ cả xứ Quảng Nam. Tại vùng đất mới, để củng cố và phát triển thế lực, Nguyễn Hoàng và nhất là Nguyễn Phúc Nguyên, người con trai kế vị ông làm Trấn thủ Thuận Quảng, đã thực hiện chính sách chiêu hiền đãi sĩ. Theo sách Thực lục thì Đào Duy Từ “nghe tiếng chúa yêu dân, quý học trò, hào kiệt đều quy phục, quyết chí đi theo, bèn một mình vào nam”.
Trên hành trình gian lao để khẳng định mình, Đào Duy Từ đã ở lại huyện Vũ Xương (nay thuộc huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) hơn một tháng, mà không ai biết. Lúc ấy chế độ dùng người ở Đàng trong chủ yếu dựa vào tiến cử. Đào Duy Từ cần một người có địa vị bảo lãnh và giới thiệu. Nghe tiếng đồn về quan khám Lý phủ Hoài Nhơn Trần Đức Hòa là người mưu trí, hào hiệp lại tình “nghĩa đệ” với chúa nên ông đã rời Vũ Xương đến Hoài nhơn. Nhưng là một người chưa có danh tiếng, Đào Duy Từ không dễ gì gặp được quan Khám Lý ông đã phải đi đường vòng. Thoạt đầu, để thể hiện tài năng, ông xin làm người ở cho một phú hộ thôn Tùng Châu, vốn là người có quan hệ thân thiết với Đức Hòa. Một hôm, nhân phú ông đặt tiệc hội họp các danh sĩ uống rượu, ngâm thơ mua vui, Đào duy Từ đã không ngần ngại cùng các danh sĩ bàn luận cổ kim và kinh sử bách gia, điều gì cũng thông hiểu, khiến cả đám tiệc đều kinh ngạc. Phú ông lấy làm lạ, đem chuyện nói với khám lý Trần Đức Hòa. Đức Hòa cho gọi Đào Duy Từ đến hỏi han, thấy ông là người học rộng biết nhiều, đem lòng yêu quý bèn mời về dạy học rồi gả con gái cho.
Năm 1627 Trần Đức Hòa tiến cử Đào Duy Từ lên chúa Nguyễn Phúc Nguyên. Hôm đào Duy Từ vào ra mắt, Nguyễn Phúc Nguyên mặc áo trắng, đi hài xanh đứng ở cửa ngách chờ, Đào Duy Từ nhìn thấy, đứng lại không đi. Phúc Nguyên biết ý lặp tức thay mũ áo chính tề rồi mời triệu vào. Lúc ấy Duy Từ mới rảo bước vào lạy. Chúa tôi cùng nói chuyện, rất tâm đắc, Phúc Nguyên nói: “Khanh sao đến muộn thế !” rồi lập tức phong Đào Duy Từ làm Nha Nội tán, Tước Khê Lộc hầu, trong coi việc quân cơ trong ngoài và cho được tham bàn quốc sự.
Năm 1630 nghe theo lời khuyên của Đào Duy Từ chúa Nguyễn cho đắp lũy Trường Dục (Quảng Bình), công việc hơn một tháng thì hoàn thành. Năm 1631 Duy từ lại khuyên chúa đắp một lũy khác chạy dài từ cửa biển Nhật Lệ đến núi Đào Mậu thuộc Đồng Hới, tục gọi là lũy Thầy dài hơn 3000 trượng, cao 1 trượng 5 thước. Lũy Trường Dục và lũy Thầy là 2 công trình phòng thủ lợi hại giúp chúa Nguyễn ngăn chặn hiệu quả các cuộc xân lấn của quân Trịnh. Sau này sử nhà Nguyễn gọi lũy Thầy là ”Định Bắc trường thành” (bức tường thành giữ yên mặt bắc), gọi là “một nơi hùng vĩ ngăn cách Bắc Nam”.
Năm 1634 Đào Duy Từ ốm nặng rồi mất, hưởng thọ 63 tuổi. Chúa Nguyễn thương tiếc mãi, truy tặng Hiệp mưu đồng đức công thần, đặc tiến trụ quốc kim tử Vinh lộc đại phu Thái thượng tự khanh lộc khê hầu. Năm Gia Long thứ tư (1804), xét công trạng các khai quốc công thần, Đào Duy Từ được xếp vào hạng Thượng đẳng, cho thờ phụng ở Thái miếu, năm Gia long thứ 9 (1810) được liệt thờ ở miếu khai quốc công thần, năm Minh mệnh thứ 12 (1831) truy phong đông cát đại học sĩ, Thái sư hoàn quốc công. Đánh giá về Đào Duy từ, sử nhà Nguyễn viết: “Duy Từ có tài lược văn võ phàm đã mưu tính trù hoạch gì, hễ làm thì trúng thời cơ, giúp việc nước có 8 năm mà cơ nghiệp rỡ ràng, đứng hàng đầu công thần khai quốc”.
Đúng như nhận xét của các sử gia, Đào Duy Từ là một người toàn tài văn võ. Sự nghiệp của ông bao trùm mọi lĩnh vực chính trị, quận sự và văn hóa.
Với tư cách một nhà chính trị, Đào duy từ đã giúp chúa Nguyễn đưa xã hội Đàng Trong từng bước đi vào thể chế ổn định. Ông khuyên Chúa Nguyễn thi hành phép duyệt tuyển (duyệt dân tuyển lính) cứ 6 năm một lần tuyển lớn, ba năm một lần tuyển nhỏ. Đến kỳ tuyển sinh tháng Giêng sai các tổng, xã làm sổ hộ tịch, chia dân ra làm hai loại chính hộ (dân chính cư), khách hộ (dân ngụ cư). Mỗi loại lại chia thành các hạng tráng, quân, dân, lão, tật, cố, cùng, tùy từng đối tượng mà thu thuế khác nhau. Ông cũng đề nghị chúa Nguyễn cho tổ chức các kỳ thi để chọn người tài. Các khóa thi bấy giờ được tiến hành đồng thời với các kỳ duyệt tuyển lớn, người nào đỗ thì cho làm nhiêu học, miễn thuế sai dư 5 năm hoặc bổ làm việc ở Tam Kỳ. Là người gần gũi thường xuyên với chúa Nguyễn lại được tin dùng, ông đã đề xuất nhiều chính sách có lợi cho quốc kế dân sinh.
Với tư cách là một nhà quân sự, Đào duy Từ có những đóng góp xuất sắc cả trên phương diện thực tiễn và lý luận. Lũy Trường Dục và Lũy Thầy do ông thiết kế và trực tiếp chỉ đạo xây dựng đã thực sự phát huy hết tác dụng trong suốt cuộc chiến tranh Trịnh – Nguyễn, xứng đáng với tên gọi là “Định Bắc Trương Thành”, về lý luận ông có tác phẩm hồ Tướng Khu cơ, cùng với binh thư yếu lược của Trần Quốc là hai cuốn binh pháp nổi tiếng của Việt Nam thời trung đại còn lại đến ngày nay. Thần thái toát ra từ sự nghiệp quân sự của Đào Duy Từ là ông đã biết kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý luận và thực tiễn. Lý luận quân sự của Đào Duy Từ có tham khảo binh pháp Trung Hoa và kế thừa tinh hoa binh pháp Việt Nam đến lúc đó, nhưng mặt chủ yếu vẫn là sáng tạo xuất phát từ thực tiễn Việt Nam thế kỷ XVI, XVII
Là một nhà thơ, Đào Duy Từ còn để lại cho đời một tác phẩm có giá trị. Bài Ngọa Long cương vãn gồm 136 câu lục bát từ lâu được phổ biến rộng rãi. Bài thơ nói về nhân vật Khổng Minh thời Tam quốc ẩn mình ở núi Ngọa Long trước khi ra giúp anh em Lưu Bị, nhưng qua đó bộc lộ rõ ý chí và hoài bão của Đào Duy Từ muốn đem tài năng của mình ra để giúp đời. Truyền rằng khi làm thầy học ở nhà quan Khám Lý Trần Đức Hòa, Đào duy Từ thường ngâm bài thơ này. Chính nhờ bài thơ chất chứa tâm huyết này mà ông đã được đến với chúa Nguyễn Phúc Nguyên. Sử chép lại rằng, trước lúc tiến cử ông, Trần Đức Hòa đã đem dâng bài thơ lên chúa. Chúa xem thấy lạ lập tức cho mời Đào Duy Từ, bài Tư dung vãn gồm 336 câu thơ lục bát xen kẽ 7 bài thơ thể ngũ ngôn, thất ngôn tứ tuyệt cũng là một án văn hay, ca ngợi vẽ đẹp thiên nhiên nơi cửa biển Từ Dung và cảnh sống thanh bình của vùng đất Phương Nam, nơi có chúa hiền tài giỏi. Ngoài ra tương truyền rằng vở tuồng Sơn Hậu cũng như các điệu múa Hoa Đăng, Nữ tướng xuất quân cũng điều do Đào Duy Từ sáng tác.
Cuộc đời và sự nghiệp Đào Duy Từ giống như một thiên sử bi hùng. Bị gạt ra khỏi con đường khoa cử chỉ vì cha mẹ là nghệ sĩ nhưng Đào Duy Từ không vì thế mà bi quan yếm thế. Trái lại dường như trong ông càng nung nấu hơn ý chí sắt đá phải tự vươn lên để khẳng định mình. Quyết định đi về phương Nam, tìm đến với chúa nguyễn của Đào Duy Từ chắc chắn không chỉ vì chút bực dọc nhất thời, mà là cả một tầm nhìn. Nơi ấy cần đến tài năng thực sự của ông hơn, tám năm về bên chúa Nguyễn một khoảng thời gian không dài mà sự nghiệp Đào Duy Từ được các vua Nguyễn sau này xếp vào hàng đệ nhất khai quốc công thần. Thế mới biết tài năng khi được phát hiện và trọng dụng thì có ích biết nhường nào. Tất nhiên sự nghiệp rực rỡ của Đào duy từ không thể tách rời sự anh minh sáng suốt trong tài dùng người của Nguyễn Phúc Nguyên và đổi lại, thành công của ông trong việc biến các ý tưởng của cha thành hiện thực có phần đóng góp xuất sắc của Đào Duy Từ. Hai trăm năm sau Nguyễn Hoàng, người việc đã lập nghiệp tới tận chót mũi Cà Mâu. Gạt sang bên những hạn chế khó tránh khỏi của xã hội phong kiến, có thể thấy sự nghiệp ấy thật lớn lao, trong đó sự xuất hiện đúng lúc của Đào Duy Từ đã tạo nên một bước ngoặc lớn.
Sinh ra và lớn lên ở Thanh Hóa nhưng làng Tùng Châu thuộc xã Hoài thanh (Hoài Nhơn) là nơi đã hun đúc thêm tài năng và ý chí của ông, giúp ông bắt đầu một sự nghiệp lớn. Sau khi ông qua đời chúa Nguyễn cho đưa thi hài về mai táng và lập đền thờ tại đây. Hiện nay trên vùng đất thuộc Tùng Châu xưa vẫn còn một số di tích liên quan đến Đào Duy Từ .
Di tích lăng mộ Đào Duy Từ nay thuộc địa phận thôn Phụng Du, xã Hoài Hảo, huyện Hoài Nhơn. Năm Gia Long 4 (1805) nhà Nguyễn xét công trạng khai quốc công thần, Đào Duy Từ được xếp hàng đầu, được cấp 15 mẫu tự điền và 6 người trông coi phần mộ. Đến năm Minh mệnh 17 (1836), triều đình lại sai dân sở tại sửa chữa lăng mộ cho ông. Trải qua thời gian và chiến tranh, lăng mộ ông bị hư hại nhiều. Lần sửa sang gần đây nhất được tiến hành năm 1999.
Di tích Nhà thờ Đào Duy Từ hiện tại thuộc thôn Ngọc Sơn, xã Hoài Thanh Tây, huyện Hoài Nhơn. Nhà thờ nằm trong khuôn viên một thửa đất hình chữ T có diện tích 1.616m2 , được xây dựng vào năm Tự Đức 12 (1859), đã rải qua nhiều lần trùng tu. Nhà thờ có tam quan cao khoảng 6m, hai mái lợp ngói âm dương, trên có bốn chữ lớn “Quốc công từ môn” (cổng đến thờ Quốc công) ghép bằng mảnh sứ, hai bên đắp phù điêu hình hai con dơi cánh điệu, đường nét khá sắc sảo, bốn trụ góc có hình rồng uốn lượn. Qua Tam Quan có sân nhỏ hình chữ nhật, kích thước 6,9m x 7,8m. tiếp đến là bình phong đắp hình long mã lưng có hà đồ nỗi trên mặt nước, mặt sau đề bốn chữ “Bách thế bất di” (Trăm đời không thay đổi). Ở hai bên là đôi câu đối nhắc đến lai lịch Đào Duy Từ:
Ngọc sơn chung tú Bắc
Bồng lãnh hiển danh Nam
Cách đều bình phong 2,6m về hai bên có hai cột trụ cao 4m, trên đỉnh đắp tượng hạc đứng chầu đối xứng, phía sau là sân lớn hình chữ nhật với kích thước 15,4m x 14m. qua sân lớn đến nhà thờ được thiết kế kiểu nhà mái lá, một kiểu kiến trúc truyền thống ở Bình Định. Khám thờ bên trong có bài vị của Đào Tá Hán , Nguyễn Thị Minh (thân phụ và thân Mẫu của Đào Duy Từ), Đào Duy Từ và vợ. Trên bài vị Đào Duy Từ có dòng chữ “ôThủytổ khảo nội tán lộc khê hầu Đào Công, tặng khai quốc công thần, đặc tiến Vinh lộc đại phu, Đông các đại học sỹ, Thái sư, nhưng thủy Trung Lương, phong Hoàng Quốc Công thần chủ” Bài vị của vợ Đào Duy Từ viết “ôThủytổ tỉ nội tán Lộc khê hầu Hoàng Quốc Công phu nhân, Trinh thục cao thị thần chủ”. Trong nhà thờ còn có đôi câu đối nhưng nay đã sứt mòn, mờ không đọc được.
Di tích nhà thờ Đào Duy Từ tại thôn Cự Tài thuộc xã Hoài Phú, huyện Hoài Nhơn. Sách đại nam Nhất Thống chí và đồng khánh dư địa chí đều chép đền thờ Hoàng Quốc Công Đào Duy từ ở thôn Cự Tài, huyện Bồng Sơn (nay là Hoài Nhơn). Trong chiến ranh nhà thờ này đã bị sụp đổ. Năm 1978 dòng họ Đào xin kinh phí của tỉnh Nghĩa Bình để xây dựng lại đền thờ trên nền cũ hiện chỉ còn lại hai trụ cổng và tấm đại tự cũng đề “Quốc công từ môn” (giống như nhà thờ ở thôn Ngọc Sơn, xã Hoài Thanh Tây) là dấu tích kiến trúc năm Tự Đức thứ 32 (1880) và lần trùng tu năm Khải Định thứ 1 (1861). Trong đền thờ khám thờ là bài vị Đào Duy Từ cũng ghi giống như bài vị bên nhà thờ thôn Ngọc Sơn.
Ngoài ra, tại thôn Ngọc Sơn còn có lăng Đào Tá Hán. Truyền rằng khi đã làm quan ở Thuận Hóa, Đào Duy từ cho đắp mộ phụ thân rồi tung tin rằng đã đưa hài cốt cha mẹ vào đây để phòng việc trả thù của họ Trịnh ở Đàng Ngoài. Lăng mộ hiện nằm trên một quả đồi rộng. Cũng tại Ngọc sơn hiên có một ngôi chùa nhỏ, tương truyền là nơi đi tu của bà vợ cả họ Cao.
Những di tích kể trên, theo đơn vị hành chính hiện nay, nằm ở các thôn, xã khác nhau (lăng mộ Đào Duy Từ tại thôn Phụng Du, xã Hoài Hảo, nhà thờ và lăng mộ Đào Tá Hán tại thôn Ngọc Sơn, xã Hoài Thanh Tây và nhà thờ ở thôn Cự Tài, xã Hoài Phú ) nhưng tất cả vốn đều thuộc vùng đất của trại Tùng châu xưa. Đây là những xã thôn mà hiện nay con cháu Đào Duy Từ còn rất đông đảo, đặc biệt là ở thôn Cự Tài.
Hàng năm vào ngày 17 tháng 10 (âm lịch) là ngày giỗ Đào Duy Từ, con cháu họ Đào tổ chức cúng tế rất long trọng. Theo quy ước, cứ vào dịp này con cháu dòng tộc điều nghỉ việc đồng áng trong ba ngày. Sau khi làm lễ thắp hương tại lăng mộ Đào Duy Từ (tôn Phụng Du) con cháu về hợp mặt và dâng hương tại đền thờ cha mẹ và vợ chồng Đào Duy Từ ở thôn Ngọc Sơn rồi sau đó mới trở về tế lễ chính thức tại đền thờ Đào Duy Từ ở thôn Cự Tài. Ngoài ngày giỗ chính (17 tháng 10), hàng năm tại các di tích trên còn có 5 ngày lễ phụ vào dịp Đông chí, Chạp mả, Thanh minh, Trung thu và Tết Nguyên đán. Ngày giỗ Đào Duy Từ cũng là ngày con cháu phối hợp cúng tế thân phụ và thân mẫu cùng vợ của ông. Duy bà vợ cả còn có ngày riêng là 12 tháng 2 âm lịch tại chùa tu của bà ở thôn Tài lương. Giỗ bà hàng năm( gọi là tiểu chẩn) chỉ sửa cơm chay, cứ mười năm (gọi là trung chẩn) thì lễ vật có thêm đôi chim sống, một đôi gà sống cúng xong thả chim gà ra rồi con cháu thi nhau đuổi bắt, cứ 30 năm (đại chẩn) mới sửa cỗ mặn.
Có đến tận nơi mảnh đất Tùng Châu xưa mới thấy hết dấu ấn và ảnh hưởng lớn lao của Đào duy Từ đối với vùng đất này. Không chỉ có con cháu họ Đào nơi đây tự hào về vị tổ tiên của mình mà tất cả mọi người dân nơi đây đều tự hào về ông. Cuộc đời và sự nghiệp Đào Duy Từ đã trở thành niềm tự hào chung của dân Hoài Nhơn, của nhân dân Bình Định. Cuộc hành hương đưa ta trở về mảnh đất nơi xưa Đào Duy Từ thác làm kẻ chăn trâu cho phú ông không mấy khó khăn. Từ thị trấn Bồng Sơn ruổi theo Quốc lộ 1A khoảng 7 km tới cột cây số 1138 rồi rẽ hướng tây là sẽ đến các địa chỉ cần tìm. Cỏ trên mộ ông luôn ấm hơi người, của con cháu, của bà con nơi đây, của khách thập phương. Bởi cuộc đời đầy những tình tiết ly kỳ của ông, bởi tấm lòng của ông với vùng đất quê hương thứ hai này, và bởi sự nghiệp lẫy lừng của ông với chúa Nguyễn, với nhân dân Đàng Trong vẫn sẽ còn sống mãi với thời gian.
. Theo Bình định Di tích danh thắng