Em tả mẹ em…
16:0', 17/10/ 2006 (GMT+7)

Thằng cu con tôi, học lớp 3. Một bữa, đi học về nó lao tới như thể muốn ném tất cả sự làm nũng của nó vào lòng tôi rồi tíu tít: "Ba giỏi văn không ba?" "Tàm tạm". Tôi ậm ừ.

Nó ngước mắt lên nói: "Ba dạy đại học chắc giỏi lắm. Ba bày cho con làm bài văn Em hãy tả mẹ em đi? Lời yêu cầu ấy còn "đã" hơn cả được gãi ngứa. Lâu nay tôi đang có nhiều điều muốn nói với mẹ nó, đang muốn chờ dịp để "giãi bày" cho bõ. Quả là vận hội vàng!

Ăn cơm xong. Hai cha con kéo bàn kéo ghế ra vườn. Tôi lên giọng: "Tả là phải tả thực. Văn giống người. Có gì viết nấy, nhất là tả mẹ. Không bịa, không thêm bớt. Có như thế điểm mới cao". Thằng con tôi cố nhiên là nghe lời bố. Tôi đọc luôn: "Mẹ của em là một con người đặc biệt... Viết đi! Ba em đi, say về, dẫu khuya đến mấy, sau khi ba thay đồ, bao giờ mẹ cũng cặm cụi tháo thắt lưng ra khỏi cái quần tây, để đem quần áo đi giặt. Ba lè nhè: "Bộ bà tiếp tục truyền thống hái lượm từ đời xửa, đời xưa à?" Mẹ trả lời: "Em xếp tiền vào một chỗ cho nó gọn".

"Hái lượm là sao ba?" "Thời nguyên thủy, đàn ông săn bắt, còn đàn bà hái lượm. Cái đó các triết gia gọi là phân công lao động tự nhiên, hiểu chưa". Vì các triết gia thường không nói sai nên các mẹ tiếp tục lượm.

Nghe chừng khó hiểu quá, nó giục: "Thôi được, ba đọc tiếp đi ba!" Đi chợ, mẹ mua thức ăn gì cũng rẻ. Từ con tôm đến con cá, miếng thịt, bó rau… Tôm thì ba chê đầu một đường, thân một đường, ươn hết biết. Cá thì kho xong, vỡ nát như giăm bông làm bằng khoai lang. Thịt thì ba nói đích thị đúng với sở thích của "chàng" Gâu Văn Gâu. Dai như thể miếng da của con voi rừng trăm tuổi.

"Mẹ của con không giống như thế". Thằng cu ngập ngừng. "Viết đi, đừng có cãi". Tôi nghĩ nhanh: Mày chỉ biết mẹ mày có 9 năm, còn tao, tao đã hiểu mẹ tới 20 năm. Chẳng lẽ tao lại tả sai à?"

Mùa hè, đi chợ, mẹ mua rau muống nhưng không mua chanh. Ba hỏi, mẹ nói chợ không có chanh. Ba nạt mẹ: 2.000 đồng một quả chanh, nói thẳng chuyện tiếc tiền không muốn mua cho rồi. Mẹ im lặng mắt nhìn trân trân vào bát nước rau. Lập tức bố em tưởng tượng ra màu vàng chanh của bát nước rau...

"A! Ba ơi! Con nhớ ra rồi. Ba có biết mẹ thích nhất điều gì không?" Thằng con tôi reo lên. Nét mặt nó có vẻ sung sướng thật  sự. Tôi dò: "Mẹ thích nhất cái gì?" "Con biết. Có lần ba đem tiền về. Mẹ vừa đếm vừa tủm tỉm cười. Không khi nào con thấy mẹ cười nhiều như lúc đếm tiền hôm ấy."

"Thế à! Vậy thì mày viết vào đi! Còn chờ gì nữa" Tôi ra lệnh.

Sau bài văn "hay nhất" trên đời ấy, tôi đi công tác. Suốt mấy ngày, tôi cứ lâng lâng như đang bay trên mây vì tin mình đã "dạy cho vợ một bài học" đích đáng.

Trở về. Mới thấy tôi ngoài ngõ, thằng cu Khuê đã nói như sắp khóc:

- Ba viết văn dở ẹt... làm hại con rồi.

- A, Thằng này láo! Bố mày mà mày dám nói thế a!

- Chứ còn gì nữa. Bài văn nớ chỉ được có 4 điểm. Cô nói con không tốt, tả xấu hình ảnh mẹ. Cô còn nói cho 4 điểm vì... nể ba lắm đó. Cô bắt con viết lại.

Tôi xoa đầu an ủi nó, mặt trầm ngâm nhưng trong bụng cười thầm. Thôi thì con hy sinh điểm số để củng cố đời cha. Cái gì cũng có giá của nó cả. Vừa lúc ấy vợ tôi đi lên. Cô ấy cười với tôi vẫn giống như mọi khi: nhẹ nhàng, đúng mực; nhưng ánh mắt thì rõ đã có cái gì khang khác.

Kể từ hôm đó, bữa ăn của gia đình tôi được cải thiện rõ rệt. Thịt bò là loại tươi và mềm nhất. Thịt heo toàn loại mông sấn. Rau muống thì ăn toàn rau ngọn lú nhú lá biếc xanh non. Tôm thì cứ nhảy tanh tách trong bao bóng, con nào con nấy rõ to…

Chừng nửa tháng, sau một bữa ăn ngon, tôi đang ngả lưng theo dõi chương trình thời sự, thì vợ tôi đến ngồi bên. Tôi giật mình: Cái "màn" ấm áp kiểu ấy lâu nay không thấy. Nó chỉ có nhiều hồi cô ấy chưa trở thành "người yêu cũ" - tức là hồi chưa cưới. Cô ấy nói: "Nhà hết tiền đi chợ rồi. Ba thằng Khuê còn tiền không?"

Tôi thất kinh. Nhưng theo thói quen vẫn nhăn hết cả mặt mày:

- Lương đưa hết rồi, còn đâu nữa. Tiêu gì mà tiêu lắm thế?

Vợ tôi mở ngay cuốn sổ cầm sẵn: Này nhá! Tổng lương triệu rưỡi. Cho con bé lớn học ở thành phố 1 tháng năm trăm, tiền điện…

- Thôi, thôi…! Tôi quát, rồi chợt tỉnh. Ừ nhỉ, cô ấy có tiêu cái gì bao giờ đâu. Không karaoke, không nhậu, không đàn đúm thâu đêm suốt sáng như tôi. Đồng lương ít ỏi thế bảo sao chợ không có chanh, rau muống già, thịt bò là của loại bò sắp nghỉ chế độ?...

Mấy ngày trôi qua. Một hôm thằng cu đi học về, nó hét toáng lên từ ngoài ngõ: "Ba ơi! Bài văn con làm lại được 8 điểm. Ba xem nè!" Tôi nhìn cái điểm 8 đỏ tươi. Rõ là tôi dốt hơn con rồi.

Mẹ em vất vả suốt ngày. Mẹ chăm lo cho em từng ly, từng tý. Mỗi lần ba em có chuyện bực mình, uống rượu say về, mẹ không nói gì cả. Mẹ chỉ im lặng treo mùng, lấy khăn ướt đắp lên trán cho ba. Mỗi khi có thức ăn ngon, mẹ bao giờ cũng là người ăn chậm nhất và ăn ít nhất. Em hỏi mẹ, "Tại sao mẹ ăn ít thế?"Mẹ trả lời: "Mẹ không thích món này" . Thật lạ quá! Cứ cái gì em thấy ngon, thấy thích, mẹ đều nói ngược lại. Có lẽ đó là điều duy nhất em không thích một tẹo nào…

  • Tô Vĩnh Hà (Huế)
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Hỏi ai ?  (29/09/2006)
Lời con trẻ  (11/09/2006)
Sự thật về đàn ông  (29/08/2006)
Ngụ ngôn  (24/08/2006)
Tình bạn  (24/08/2006)
Nhường nhịn bạn bè  (18/08/2006)
Chưa tìm thấy  (18/08/2006)
Nhầm lẫn   (11/08/2006)
Chạy!...  (21/07/2006)
Nghề gì ?  (21/07/2006)
Đâu phải kẻ gian  (21/07/2006)
Cấm léng phéng  (09/07/2006)
Bạn bè tốt  (09/07/2006)
Phụ nữ thật là khó hiểu  (09/07/2006)
Chuyện như đùa  (09/07/2006)