|
Công nhân Công ty TNHH Tân Đức Duy đang vận hành máy bào gỗ 2 mặt. Ảnh: Văn Lưu
|
Công ty TNHH Tân Đức Duy đang hoạt động sản xuất tại KCN Phú Tài, chuyên sản xuất các sản phẩm gỗ ngoài trời, xuất khẩu sang các nước châu Âu. Hiện công ty có 500 lao động, thường xuyên có việc làm ổn định, thu nhập bình quân đạt 1,2 triệu đồng/ người/ tháng; kim ngạch xuất khẩu (KNXK) khoảng 4 triệu USD/năm.
Để cung ứng nguyên liệu cho các nhà máy chế biến của công ty tại Quy Nhơn và Gia Lai, ngoài nguồn gỗ nhập khẩu từ các nước, lâu nay DN phải sang Lào để mua gỗ. Gần đây, Chính phủ Lào cũng có chủ trương đóng cửa rừng, không xuất khẩu gỗ tròn. Nhằm giải quyết khó khăn này, công ty đã tiến hành liên doanh với một DN của bạn, xây dựng nhà máy cưa xẻ gỗ tại huyện Xamikisay, tỉnh Attapư, cung cấp gỗ nguyên liệu cho nhà máy tại Quy Nhơn.
Trước đây, nhà máy của bạn chỉ cưa xẻ từ 2.000 đến 3.000m3 gỗ xẻ thành phẩm/năm. Sau khi liên doanh, sản lượng của nhà máy đã tăng lên gấp gần 3 lần. Đạt được kết quả này là nhờ Công ty Tân Dức Duy đã đầu tư tăng cường năng lực và quy mô cho nhà máy, với giá trị đầu tư 2 tỉ đồng.
Tại nhà máy này có 70 lao động đang làm việc, trong đó có 40 công nhân Việt Nam và 30 công nhân Lào. Do sản lượng tăng, thu nhập của người lao động ở đây cũng tăng gấp hơn 2 lần so với trước. 2 năm qua, nhà máy này đã cung ứng gần 14.000m3 gỗ xẻ cho nhà máy tại Quy Nhơn. Hiện nay, các khoản nộp ngân sách của công ty từ thuế nhập khẩu nguyên liệu và các khoản khác là 5 tỉ đồng/năm.
Theo ông Thái Duy Quang - Giám đốc Công ty TNHH Tân Đức Duy, công ty đang liên doanh với Công ty xuất nhập khẩu - Thương mại Phănvilay của tỉnh Attapư để đầu tư xây dựng một nhà máy chế biến gỗ tại tỉnh Attapư với giá trị khoảng 1 triệu USD. Trên diện tích 10 ha đất đã được giao, công ty liên doanh này đang triển khai san ủi mặt bằng để xây dựng nhà máy, và đang triển khai trồng rừng. Khi đi vào hoạt động, nhà máy sẽ tạo việc làm cho 300 lao động, dự kiến KNXK khoảng 2 triệu USD/năm. Đây sẽ là nhà máy chế biến đồ gỗ xuất khẩu đầu tiên của các tỉnh Nam Lào. Toàn bộ sản phẩm của nhà máy được Công ty Tân Đức Duy bao tiêu theo hợp đồng xuất khẩu của mình.
Theo ông Thái Duy Quang, việc đặt nhà máy tại Lào sẽ giúp công ty chủ động được nguyên liệu sản xuất cho các nhà máy của công ty tại Việt Nam, đồng thời tăng quy mô sản xuất để có đủ năng lực nhận các đơn đặt hàng lớn. Lâu nay, muốn nhận các hợp đồng này, công ty phải đặt hàng các DN khác. Mặt khác, dự án liên doanh này còn giúp công ty giảm tối đa chi phí ngoài sản xuất. Chỉ riêng chi phí vận chuyển và thuế nhập khẩu nguyên liệu đã giảm được gần 60 USD/m3 gỗ, tạo điều kiện cho đơn vị tái đầu tư tăng cường năng lực sản xuất kinh doanh và trồng rừng tại Lào. Cũng theo tinh thần của dự án, hàng năm, công ty liên doanh này sẽ đầu tư trồng khoảng 100 ha cao su và 100 ha rừng nguyên liệu, với chi phí khoảng hơn 2 tỉ đồng (từ toàn bộ lợi nhuận của dự án và một phần vốn đầu tư của Công ty Tân Đức Duy). Theo tính toán, khoảng 5 năm nữa, DN sẽ có gần 1.000 ha rừng trồng tại Lào để có thể chủ động nguyên liệu sản xuất.