Nước ngầm - tài nguyên không vô hạn
15:34', 9/3/ 2006 (GMT+7)

Nước ngầm là nguồn tài nguyên quý giá, khi bị suy kiệt hoặc bị ô nhiễm, rất khó hoặc không thể hoàn nguyên. Nhưng nhiều năm, tại Bịnh Định, nguồn tài nguyên này chưa được quy hoạch, quản lý chặt chẽ. Bởi thế đã bị khai thác, sử dụng phung phí. Chưa có hậu quả nghiêm trọng nào xảy ra do sự lỏng lẻo này, tuy nhiên những dấu hiệu báo trước cho thấy nó sẽ đến nếu mọi việc cứ diễn ra như lâu nay.

 

Người dân ở xã Cát Hải (Phù Cát) khai thác nước ngầm vào việc sản xuất nông nghiệp.

 

Tài nguyên nước ngầm đang kêu cứu!

Theo số liệu của Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Bình Định, hiện toàn tỉnh có khoảng 47.500 giếng khoan và 183.000 giếng đào cung cấp nước sinh hoạt cho 738.000 người dân, công suất khai thác ước hàng trăm nghìn m3/ngày đêm (lớn hơn rất nhiều so với công suất khai thác nhà máy thuộc Công ty Cấp thoát nước Bình Định). Việc khai thác nước ngầm ồ ạt, không theo bất kỳ quy trình, quy phạm nào, không bị bất cứ cơ quan nào quản lý đang dẫn đến nhiều nguy cơ, trong đó đáng lo ngại nhất là tụt mực nước ngầm, ô nhiễm, xâm nhập mặn…

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của UBND xã Cát Hải (Phù Cát), một xã nằm sát biển, toàn xã có 847 giếng khoan, bình quân mỗi ngày khai thác khoảng 8.000 - 10.000 m3, vào mùa khô mức khai thác tăng gấp đôi mới đủ đáp ứng nhu cầu. Anh Nguyễn Văn Thà - 40 tuổi, ở thôn Chánh Oai, xã Cát Hải, đang sản xuất 5 sào hành cho biết: “Ngoài lúc trời mưa ra, thì hầu như ngày nào chúng tôi ở đây đều dùng nguồn nước từ giếng khoan để tưới các loại cây trồng. Lâu nay chúng tôi cứ nghĩ nguồn nước ngầm thì vô tận chứ làm sao khai thác hết được”.

Không riêng gì xã Cát Hải mà các xã ven biển còn lại như: Cát Minh, Cát Tiến, Cát Thắng, Cát Chánh, Cát Khánh (Phù Cát), Phước Sơn, Phước Hòa, Phước Thắng, Phước Thuận (Tuy Phước), Mỹ Thành, Mỹ Thắng, Mỹ Thọ (Phù Mỹ), Tam Quan, Hoài Hương, Hoài Hải (Hoài Nhơn)…  cũng đang khai thác nguồn nước ngầm một cách ồ ạt theo kiểu nhà nhà đóng giếng, người người đóng giếng do ở vùng này chưa được đầu tư các hệ thống cấp nước sinh hoạt và sản xuất đến nơi đến chốn.

Chi phí để đóng một giếng khoan rất thấp, từ 200 ngàn đến 400 ngàn đồng, tùy theo khu vực và độ sâu. Nên hễ cần là người ta lại đóng giếng. Có giếng rồi là cứ thế rùng rùng hút nước từ lòng đất lên dùng vô tư. Tiếp xúc với nhiều gia đình, ai cũng cho là khoan giếng lấy nước sinh hoạt vì không có nước máy. Thế nhưng, ghi nhận của chúng tôi, người ta còn lấy nước ngầm làm nhiều mục đích khác: dịch vụ rửa xe, tưới cây kiểng, rửa ao cá, chuồng gà và… tắm heo. Thậm chí nhiều cá nhân, doanh nghiệp khai thác nước ngầm vào việc nuôi tôm và sản xuất công nghiệp.

Một kỹ sư địa chất thủy văn (đề nghị không nêu tên) cho biết: "Tỉnh ta gần biển, tuy chưa có kết quả khảo sát trữ lượng chính thức nhưng có thể chắc chắn là không nhiều. Hãy hình dung thế này nhé, nước ngầm và nước biển là hai cái túi nằm cạnh nhau hiện đang ở trong tình trạng cân bằng áp lực. Nếu khai thác hợp lý, đúng quy tắc thì lượng mất đi sẽ được bù lại vào mùa mưa. Nhưng nếu mình khai thác quá ồ ạt, áp lực bị sút giảm, nước mặn lập tức sẽ ùa vào để tái lập tình trạng cân bằng, đó là lúc túi nước ngầm bị nhiễm mặn. Khi nguồn nước ngầm bị nhiễm mặn thì hệ lụy đầu tiên là đất đai bị thoái hóa, thảm thực vật bên trên sẽ bị tác động tiêu cực... Hệ sinh thái sẽ bị mất cân bằng. Đó là nói cho dễ hiểu chứ khi đã bị xâm nhập mặn thì hiểm họa khủng khiếp hơn mình diễn tả nhiều".

Tác hại do việc khai thác nước ngầm ồ ạt không xuất hiện trên mặt đất, nó lẳng lặng xảy ra trong các tầng ngầm, đến khi con người nhìn thấy thì đã muộn. Ở tỉnh Bình Định, chưa có cơ quan nào cảnh báo hiểm họa này một cách rõ ràng. Ngay cả Sở TN-MT thì cũng chỉ thảng hoặc vào các ngày Môi trường, Đa dạng sinh học  chẳng hạn chuyện này mới được nhắc đến trong một vài bài báo, một vài đoạn trong các diễn văn. Ta chưa có nhưng tại một số tỉnh thành khác như TP Hồ Chí Minh, Bến Tre, Cần Thơ, Huế, Hà Tĩnh… tình trạng khai thác nước ngầm quá mức đã dẫn đến việc nguồn nước bị ô nhiễm nặng, làm sụt lún đất, nước mặn xâm nhập sâu vào đất liền…

Nước của đất, mạnh ai nấy... xài

Do nhu cầu sử dụng nước ngày một tăng, đồng thời việc khai thác nước ngầm trong những năm gần đây trở nên ồ ạt theo kiểu mạnh ai nấy xài nên nguồn nước ngầm có nguy cơ bị cạn kiệt.

Theo quy định của Bộ Tài nguyên-Môi trường, đối với việc khai thác nước ngầm từ 3.000 m3/ngày đêm trở lên thì phải xin phép Bộ, dưới 3.000/m3 ngày đêm thì phải xin phép Sở Tài nguyên-Môi trường, dưới 20 m3/ngày đêm thì khỏi xin phép. Nhưng thực tế qua kiểm tra sơ bộ của Phòng Tài nguyên nước và Khoáng sản thì hầu hết các hộ dân, doanh nghiệp khai thác nước ngầm có công suất lớn trên địa bàn Bình Định đều không xin phép, việc khai thác nước ngầm một cách vô tội vạ…

Ông Võ Nguyên Hồng, Giám đốc Công ty Cấp thoát nước Bình Định xác nhận: “Vào thời điểm tháng 8-2005, mực nước ngầm tại các giếng bơm ở sông Hà Thanh đã tụt xuống đến 2,5m, điều mà lâu nay chưa từng xảy ra. Nếu lúc đó Nhà máy nước Phú Tài không kịp đi vào hoạt động thì tình trạng thiếu nước sinh hoạt của Quy Nhơn đã trở nên nghiêm trọng”. Cũng theo ông Hồng, hiện nay đường ống nước của công ty đã vươn đến nhiều khu vực dân cư nhưng do người dân ngại việc trả tiền giá nước hàng tháng cao nên tự đóng giếng để xài nước “chùa”. Ngay cả tại KCN Phú Tài cũng vậy.

Tại KCN Phú Tài, hiện có 75 doanh nghiệp đang hoạt động, nhưng cũng chỉ mới có 49 doanh nghiệp đăng ký sử dụng nước của Công ty Cấp thoát nước Bình Định, số còn lại tự khoan giếng để lấy nước phục vụ cho sản xuất công nghiệp dù không xin phép một cơ quan chức năng nào. Theo Công ty cấp thoát nước Bình Định, năm 2002, công ty đã xây dựng hệ thống cấp nước tập trung tại Khu công nghiệp Phú Tài, với công suất 8.500 m3/ngày đêm, nhưng hiện nay cả khu dân cư phường Trần Quang Diệu và số doanh nghiệp ở đây sử dụng không đến 1.000 m3/ngày đêm.

Ông Hồ Đắc Chương, Phó giám đốc Trung tâm nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Bình Định cho biết: “Với cách khai thác nước ngầm bừa bãi của các doanh nghiệp tại Khu công nghiệp Phú Tài thì hiện tượng nước ngầm bị tụt, xâm nhập mặn và sụt lún đất… có thể sẽ xảy ra. Trước mắt, nên vận động, tuyên truyền cho các doanh nghiệp biết tác hại của việc khai thác nước ngầm, sau đó nếu còn tiếp tục khai thác bừa bãi thì phải kiên quyết xử lý để nguồn tài nguyên nước không bị cạn kiệt”.

Phải quản lý chặt chẽ nguồn nước ngầm

Theo ông Huỳnh Quang Vinh, Phó trưởng phòng Tài nguyên nước và Khoáng sản (Sở Tài nguyên - Môi trường Bình Định), đã đến lúc UBND tỉnh cần cho quy hoạch phân vùng, khảo sát trữ lượng tài nguyên nước ngầm; ban hành quy chế quản lý khai thác nước ngầm, phải có văn bản xử phạt nghiêm đối với những trường hợp khai thác nước ngầm không xin phép. Bên cạnh đó cần phải thu lệ phí đối với những trường hợp khai thác và sử dụng nước ngầm chứ không thể để cơ sở kinh doanh, sản xuất… xài chùa vô tội vạ.

Tài nguyên mất đi để làm giàu cá nhân nhưng không ai đóng phí khai thác nước ngầm. Đồng thời, việc khai thác nước ngầm trong dân cư đã đến mức báo động. Hậu quả lâu dài của việc khai thác này chưa tính đến nhưng trước mắt là việc sử dụng nước ngầm chưa qua xử lý sẽ không đảm bảo vệ sinh về lý, hóa, vi sinh làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.

Theo một nhà khảo sát địa chất thủy văn lâu năm thì Bình Định không phải là nơi có nguồn nước ngầm phong phú, nước ngầm phân bố nơi thừa, nơi thiếu, nơi nguồn nước đảm bảo chất lượng, nơi không đảm chất lượng thì việc quản lý tài nguyên nước ngầm phải được thực thi gấp rút, để tránh những tác hại trong thời gian tới.

  • Nguyễn Phúc
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Nông dân sẽ tiếp tục trồng dứa, nếu...  (09/03/2006)
Phải dự phòng phương án 2 nếu Chính phủ cho xây dựng nhà máy lọc hóa dầu  (09/03/2006)
Năm 2020 tỉnh Bình Định sẽ có thêm 4 thị xã  (09/03/2006)
Dịch rầy nâu đang được khống chế hiệu quả  (09/03/2006)
Cát Khánh: Trăn trở với nghề muối  (09/03/2006)
Các nhà máy chế biến tôm xuất khẩu thiếu nguyên liệu  (09/03/2006)
Lối ra cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ  (09/03/2006)
Chúng tôi đã sẵn sàng khởi động các dự án  (09/03/2006)
Chuyển giao con giống ong ký sinh diệt bọ hại dừa cho địa phương  (08/03/2006)
VCCI hỗ trợ doanh nghiệp Bình Định ứng dụng CNTT  (08/03/2006)
Khắc phục sa bồi thủy phá ở Phù Cát: Khó khăn vì thiếu kinh phí  (07/03/2006)
An Nhơn trên đường đô thị hóa  (07/03/2006)
Một công ty của Hàn Quốc tìm cơ hội đầu tư tại Bình Định   (06/03/2006)
Bình Định xếp thứ 36/64 tỉnh, thành phố về thu hút vốn đầu tư nước ngoài   (06/03/2006)
25 doanh nghiệp xuất khẩu tốt được đề nghị khen thưởng   (06/03/2006)