|
Rừng cao su đã qua 3 mùa cho mủ.
|
Với tiềm năng to lớn trên, mấy chục năm qua nhiều thế hệ lãnh đạo của tỉnh luôn trăn trở, tìm tòi nhiều giải pháp để phát huy có hiệu quả tiềm năng về đất đai, lao động nhằm thúc đẩy kinh tế - xã hội khu vực nông thôn, trung du, miền núi phát triển. Những câu hỏi trồng cây gì ?, nuôi con gì cho hiệu quả kinh tế - xã hội cao ? luôn được đặt ra để tìm lời giải đáp. Đã có nhiều dự án được triển khai như: Phát triển mạnh cây Điều, cây Tiêu, cây Mì, cây Dứa… kết hợp với phát triển công nghiệp chế biến. Tuy nhiên, kết quả đem lại còn hạn chế. Các chương trình trồng rừng của Nhà nước do suất đầu tư thấp, chưa thu hút đông đảo nhân dân tham gia. Việc giao đất cho nhân dân trồng rừng kinh tế, do trình độ dân trí và nguồn vốn đầu tư của nông dân có hạn, nên nhiều hộ đã chuyển nhượng quyền sử dụng đất, hoặc phải bán rừng non vào tay những hộ giàu, trở lại thành người làm thuê, chấp nhận thân phận là hộ nghèo. Chủ trương giao rừng cho hộ nhận khoán chăm sóc, bảo vệ, thì tiền công khoán cả chục ha rừng một năm không đủ sống trong một tháng.
Nỗi trăn trở của nhiều thế hệ lãnh đạo tỉnh cho đến nay vẫn đang là vấn đề thời sự, cần phải tiếp tục tìm lời giải đáp.
Vì vậy, được tin một số tỉnh trong nước triển khai thành công Dự án trồng cây Cao su thu được hiệu quả kinh tế - xã hội cao trên các vùng đất khác nhau, UBND tỉnh Bình Định đã cử một Đoàn cán bộ của tỉnh vào tỉnh Bình Thuận - là tỉnh gần nhất thuộc khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ, để tham quan, học tập kinh nghiệm.
Đến Bình Thuận, chúng tôi được lãnh đạo tỉnh và Viện nghiên cứu cây Cao su Việt Nam đón tiếp tận tình và hướng dẫn đi tham quan, tìm hiểu thực tế mô hình trồng cao su trên các vùng đất bạc màu của tỉnh bạn.
Từ cuối những năm 90 thế kỷ trước, tỉnh Bình Thuận đã thí điểm thành công mô hình trồng cây Cao su trên các vùng đất xám bạc màu, khô hạn và từ năm 2000 đến nay đã triển khai trồng đại trà Cao su trên diện rộng. Toàn tỉnh có 7 huyện và thành phố Phan Thiết, đến nay đã có 5/7 huyện (gồm Đức Linh, Tánh Linh, Hàm Tân, Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc) trồng đại trà cây Cao su với tổng diện tích trên 20.000 ha. Trong đó, các doanh nghiệp trồng được 10.000 ha, các hộ dân trồng trên 11.000 ha.
Lãnh đạo Viện nghiên cứu Cao su đã đưa chúng tôi đến thăm rừng Cao su của Viện và nhân dân trồng tại huyện Tánh Linh. Trên đường lên Tánh Linh đâu đâu cũng thấy đất xám bạc màu. Chất đất, cây trồng, cảnh sắc ở đây giống như ở huyện Vân Canh tỉnh ta. Thế mới biết ông cha ta xưa thật có lý khi xếp Bình Thuận vào khu vực các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ. Chỉ cách Long Khánh khoảng 20 km mà Long Khánh là đất đỏ Bazan ẩm ướt, còn ở đây là đất xám khô hạn, bạc màu. Loại đất này Bình Định có đến 425.000 ha, phân bổ ở hầu hết các huyện trong tỉnh. Thời tiết khí hậu Bình Thuận không khác mấy với Bình Định. Một năm có hai mùa mưa - nắng, có 5 - 6 tháng mưa và 6 - 7 tháng nắng, lượng mưa trung bình từ 1.200 - 2.100 mm, vào mùa nắng lượng nước bốc hơi lớn, khô hạn.
Gần đến Nông trường Cao su Suối Kiết, chúng tôi nhìn thấy những vườn Cao su tiểu điền của dân mới trồng, cây cao độ 2 - 3 m, tán lá bằng những chiếc ô đu đưa trong gió. Chúng tôi đi sâu vào rừng Cao su Suối Kiết của Viện nghiên cứu Cao su trồng từ năm 2000 đến nay. Rừng trải rộng, râm mát và u tịch, không một bóng người. Đoàn xe lần lượt chạy qua những cánh rừng Cao su 3, 4, 5 tuổi rồi dừng lại dưới cánh rừng Cao su tươi tốt đã qua ba mùa khai thác mủ.
Dưới tán cao su râm mát, các đồng chí lãnh đạo Viện nghiên cứu cây Cao su Việt Nam đã giới thiệu với chúng tôi quá trình nghiên cứu, trồng thử nghiệm và trồng đại trà cây Cao su trên đất Bình Thuận.
|
Tiến sỹ Phan Thanh Dũng (thứ 2 từ trái qua) giới thiệu kỹ thuật trồng và khai thác mủ cao su.
|
2. Từ thực tế quan sát, suy nghĩ về những điều mắt thấy, tai nghe, nỗi hoài nghi trong chúng tôi về khả năng trồng cây Cao su trên các vùng đất bạc màu, khô hạn vẫn có hiệu quả kinh tế cao đã hoàn toàn được giải tỏa. Niềm tin của chúng tôi về triển vọng đưa cây Cao su về trồng trên đất Bình Định để thay thế cho những cây trồng có hiệu quả kinh tế thấp, thiếu thân thiện với môi trường, nhằm nâng cao giá trị kinh tế trên mỗi ha canh tác, tăng thu nhập, cải thiện và nâng cao đời sống cho nhân dân đã được khẳng định. Đó là niềm tin được kiểm chứng từ thực tế và được củng cố bằng cơ sở khoa học, bài toán kinh tế, yếu tố thị trường và cơ chế chính sách đầu tư.
Về khoa học: Hàng chục năm qua, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Tập đoàn Cao su Việt Nam và Viện nghiên cứu cây Cao su đã dày công lai tạo ra được hàng ngàn loại giống cây Cao su khác nhau, phù hợp với đặc tính hóa, lý của nhiều loại đất và đặc điểm thời tiết khí hậu của nhiều vùng ở nước ta. Đó là cơ sở để nhiều địa phương trong nước đã và đang triển khai trồng Cao su, xem đó là cây có giá trị kinh tế - xã hội cao, góp phần xóa đói, giảm nghèo, mở hướng làm giàu cho địa phương và nhân dân địa bàn nông thôn và miền núi. Các đồng chí lãnh đạo Viện nghiên cứu cây Cao su Việt Nam cho biết: Về nguyên tắc thì đất nào cũng có thể trồng được cây Cao su, bởi vì cây Cao su không có yêu cầu cao về độ màu của đất. Đối với những vùng đất nghèo dinh dưỡng thì tùy chất đất mà chọn giống và bổ sung hóa tính cho phù hợp. Tuy nhiên, vùng đất trồng Cao su phải có độ dày của tầng đất tối thiểu không dưới 1,5m, mực nước ngầm không quá cao hay quá thấp và bên dưới tầng đất không có đá ong (đá laterít).
Về kỹ thuật, Viện nghiên cứu cây Cao su đã lập hoàn chỉnh bộ quy trình kỹ thuật canh tác, từ lai tạo giống, chọn giống, trồng, chăm sóc, thu hoạch mủ Cao su phù hợp cho các vùng sinh thái khác nhau. Áp dụng đúng quy trình kỹ thuật là yếu tố quan trọng để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm trên từng tiểu vùng sinh thái. Ở đây lượng mưa tối thiểu là 1200 mm/năm, mưa trong vòng 3 tháng, không có công trình thủy lợi nên việc xuống giống được thực hiện trước mùa mưa, việc bón phân được thực hiện gần cuối mùa mưa, bên trong tán lá Cao su.
Từng hàng Cao su dọc theo chiều gió, được trồng thành rừng trên toàn diện tích, hoặc được trồng theo luống, mỗi luống hai hàng, ở giữa chừa những vạt đất trống lớn để trồng xen canh cây Bắp hoặc cây Mì. Trong ba năm đầu, người nhận khoán được trồng và thu hoạch sản phẩm cây xen canh giữa các hàng, các luống. Đây là giải pháp tạo thu nhập cho người dân, trong thời kỳ vườn cây chưa thu hoạch. Nếu trồng giống cây gieo từ hạt (tum) cao su phát triển chậm, phải sau 6 năm mới cho mủ, nhưng thời gian khai thác đến 30 năm. Nếu trồng giống ghép (tum bầu), cây phát triển nhanh hơn, sau 5 năm đã cho mủ, nhưng thời gian khai thác rút ngắn còn khoảng 20 năm. Mủ cao su khai thác được bảo quản bằng amôniác để chống đông và sơ chế thành Krép tại các xưởng được đặt ngay giữa rừng.
Nhờ sự hướng dẫn và cung cấp dịch vụ của Viện mà ở đây cả rừng Cao su của Viện và Cao su tiểu điền của nhân dân đều phát triển rất tốt. Năng suất, chất lượng Cao su không thua kém gì Cao su trồng ở miền Đông Nam Bộ và Tây Nguyên.
Về hiệu quả kinh tế: Trồng cây Cao su ở đây thu được hiệu quả kinh tế - xã hội khá cao. Qua thực tế, rừng Cao su 5 năm bắt đầu cho mủ. Năm đầu năng suất mỗi ha thu được khoản 1 tấn mủ khô. Các năm tiếp theo tăng dần lên 1,8 - 2,1 tấn/ha. Giá bán bình quân được 40 triệu đồng/tấn, giá xuất khẩu hiện nay là 2.500 USD/tấn. Như vậy, giá trị sản phẩm mỗi ha dao động từ 60 - 70 triệu đồng. Trong khi xuất đầu tư trồng, chăm sóc một ha Cao su trên vùng đất khô hạn, nghèo dinh dưỡng trong suốt thời kỳ kiến thiết cơ bản 5 - 6 năm (bao gồm cả xây dựng hạ tầng) là 50 triệu đồng. Tính ra lợi nhuận bình quân thu được là 30 - 40 triệu đồng/ha/năm trong suốt vòng đời 20 năm của cây Cao su. Sau 20 năm cho mủ, gỗ Cao su khai thác, bán được trên 100 triệu đồng/ha.
Những con số trên là câu trả lời đầy thuyết phục về hiệu quả kinh tế của cây Cao su trên vùng đất xám bạc màu ở Bình Thuận.
Về môi trường, Cao su là cây trồng thân thiện với môi trường. Trồng cây Cao su góp phần phủ xanh đất trống, đồi trọc, cải tạo đất, giữ được nguồn nước và làm mát môi trường.
Đi liền với hiệu quả kinh tế, trồng cây Cao su mang lại hiệu quả xã hội rõ rệt. Vì vậy một số tỉnh và Bình Thuận đang khuyến khích nhân dân và các doanh nghiệp trồng Cao su. Ở Tánh Linh được sự hướng dẫn về kỹ thuật và cung ứng dịch vụ của Viện nghiên cứu cao su, nhiều hộ dân đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, phát triển rừng Cao su tiểu điền có hiệu quả. Đối với những hộ tự nguyện vào doanh nghiệp, thì được coi như là cổ đông của doanh nghiệp và gia nhập vào được hưởng lợi từ ba nguồn:
Thứ nhất: Quyền sử dụng đất của hộ được Công ty định giá thỏa đáng, và được ghi thành vốn góp cổ phần của cổ đông, hằng năm được hưởng cổ tức từ hiệu quả kinh doanh của Công ty.
Thứ hai: Nếu trực tiếp nhận khoán trồng, chăm sóc, bảo vệ, thu hoạch thì được giao mỗi hộ 3 ha và được nhận mức lương khoảng 4 triệu đồng/tháng, được trồng và hưởng hoa lợi các cây xen canh trong những năm đầu khi cây Cao su chưa khép tán.
Thứ ba: Được hưởng tỷ lệ ăn chia phần mủ cao su vượt khoán. Thí dụ, nếu vượt 10% năng suất khoán thì tỷ lệ ăn chia giữa công ty với hộ nhận khoán là 7 : 3, nếu vượt 20% tỷ lệ ăn chia là 6 : 4 và trên 30% tỷ lệ ăn chia là 5 : 5 … Cơ chế khuyến khích đó, khiến người lao động tự giác coi rừng nhận khoán như rừng của chính mình, ra sức chăm sóc, bảo vệ và thâm canh để tăng năng suất cây trồng, đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư và người lao động.
Về thị trường: Sản phẩm cao su thiên nhiên có thị trường ngày càng rộng lớn, ổn định và lâu dài. Những năm gần đây lượng dầu mỏ dùng cho sản xuất cao su nhân tạo giảm dần, giá dầu thô trên thị trường thế giới thường xuyên biến động theo hướng tăng cao. Vì vậy, việc trồng và sản xuất cao su thiên nhiên để thay thế cao su nhân tạo đang được khẳng định. Trong số các nước ở khu vực Đông Nam Á - Vùng trọng điểm trồng cây Cao su của thế giới, thì Thái Lan, Malayxia đất trồng cao su đã bị thu hẹp đáng kể do kết quả của quá trình công nghiệp hóa. Chỉ còn bốn nước: Việt Nam, Lào, Cămpuchia và Inđônêxia là có điều kiện mở rộng diện tích trồng cao su. Vì vậy, Chính phủ ta chủ trương phát triển mạnh cây Cao su trên cả nước. Phấn đấu đến năm 2010 cả nước trồng được 700.000 ha cao su và giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Tập đoàn cao su Việt Nam chỉ đạo, giúp đỡ các tỉnh thực hiện. Đó là tiền đề quan trọng, tạo điều kiện để đưa cây Cao su về trồng ở tỉnh ta.
|
Tại một vườn ươm giống cao su chịu hạn trong rừng cao su tiểu điền của dân.
|
3. Từ những phân tích trên đây cho thấy: Việc đưa cây Cao su về trồng trên đất Bình Định nhằm thay thế những cây trồng có hiệu quả kinh tế thấp, ít thân thiện với môi trường là một khả năng mang tính hiện thực cao; một giải pháp đầy tính khả thi. Gần mười năm trước, ngành Nông nghiệp tỉnh ta đã trồng thí điểm cây Cao su trên một số tiểu vùng khác nhau của tỉnh ở Hoài Ân, Phù Mỹ, Long Mỹ (Quy Nhơn), Vĩnh Thạnh … Tuy nhiên, thời đó giá cao su thiên nhiên trên thị trường còn thấp, chủ trương phát triển rộng cây Cao su chưa rõ nét, nên việc chăm sóc, tổng kết mô hình chưa được quan tâm. Mặc dù vậy, đến nay cây Cao su trồng thí điểm vẫn phát triển tốt. Vừa qua, cán bộ kỹ thuật của Viện nghiên cứu cao su có về khảo sát cạo mủ phân tích. Kết quả cho thấy năng suất, chất lượng mủ cao su ở Bình Định đều cao xấp xỉ cao su trồng ở Miền Đông Nam Bộ và Tây Nguyên. Điều đó khẳng định: cây Cao su có thể trồng trên đất Bình Định và trồng có hiệu quả cao.
Tuy nhiên, trồng cao su trên đất Bình Định là một việc làm mới cả trong nhận thức lẫn trong thực tiễn của hầu hết cán bộ và nhân dân tỉnh ta. Qua tham quan, khảo sát, tìm hiểu kinh nghiệm của tỉnh bạn, chúng tôi xin đề xuất mấy ý kiến ban đầu về những điều kiện đưa cây Cao su về trồng trên đất Bình Định:
Trước hết, cần chủ động rà soát, đánh giá đầy đủ tiềm năng đất đai, lao động và điều kiện thiên nhiên của tỉnh ta, đối chiếu, so sánh với những cơ sở khoa học, thực tiễn và kinh nghiệm phát triển cây Cao su ở các tỉnh bạn, phân tích kỹ những thuận lợi, những khó khăn sẽ gặp phải khi triển khai trồng cây Cao su để chủ động có giải pháp phát huy và khắc phục. Trên cơ sở đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đề ra chủ trương để lãnh đạo việc triển khai trồng cây Cao su trên đất Bình Định. Giao cho các ngành chức năng, các địa phương gấp rút xây dựng dự án, kế hoạch để sớm triển khai thực hiện.
Hai là, tranh thủ sự ủng hộ và chỉ đạo của Chính phủ, của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, của Viện nghiên cứu cây Cao su Việt Nam giúp tỉnh khảo sát cơ bản, xây dựng quy hoạch và kế hoạch, lập dự án phát triển cây Cao su và công nghiệp chế biến cao su ở Bình Định. Mục tiêu của dự án trước hết là nhằm phủ xanh đất trống, đồi trọc, thay thế những cây trồng hiện nay có hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường thấp, nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường của cây trồng, trọng điểm là ở khu vực nông thôn, trung du, miền núi, giúp nhân dân các vùng này vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn.
Ba là, triển khai mạnh mẽ công tác thông tin, tuyên truyền về các chủ trương, chính sách phát triển cây Cao su trên đất Bình Định, tạo ra nhận thức và sự thống nhất cao trong Đảng bộ và nhân dân.
Bốn là, Cần thực hiện đồng bộ và chặt chẽ phương châm kết hợp 4 nhà (nhà khoa học, nhà nước, nhà nông và nhà doanh nghiệp) trong quá trình phát triển cây Cao su ở Bình Định (từ khâu điều tra, quy hoạch, xây dựng và thực hiện dự án, đề ra cơ chế chính sách thu hút đầu tư…). Trong đó, nhà nông đóng vai trò chủ thể triển khai thực hiện và là đối tượng phục vụ của dự án.
Phát triển cây Cao su hài hòa với các cây trồng khác có hiệu quả kinh tế - xã hội cao nhằm phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh về đất đai, lao động và điều kiện thiên nhiên ưu đãi cho tỉnh ta, nhằm biến những vùng đất nghèo thành những vùng giàu có, tạo ra sản phẩm có giá trị kinh tế cao. Đó luôn là ước mơ của nhiều thế hệ. Đưa cây Cao su về trồng trên đất Bình Định là góp phần biến ước mơ cháy bỏng đó thành hiện thực.