Ngày 7.4.2011, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học - Công nghệ) thông báo: Dự định cấp văn bằng bảo hộ và nộp lệ phí cho nhãn hiệu tập thể “Rượu Bàu Đá”, do Hiệp hội Sản xuất và kinh doanh rượu Bàu Đá Bình Định (HHRBĐBĐ) xin cấp bằng bảo hộ. Thời hạn nộp lệ phí cho việc này trong vòng một tháng. Như vậy, có thể nói, nhãn hiệu tập thể “Rượu Bàu Đá” sẽ được cấp bằng bảo hộ, chấm dứt nhiều năm tranh chấp.
Rượu Bàu Đá là một đặc sản của Bình Định đã nổi tiếng từ lâu, có nguồn gốc xuất xứ địa lý từ xóm Bàu Đá, thôn Cù Lâm, xã Nhơn Lộc, huyện An Nhơn. Nhiều năm qua, rượu Bàu Đá đã được thương mại hóa, nhiều doanh nghiệp kinh doanh rượu Bàu Đá ra đời.
|
Sản phẩm rượu Bàu Đá Bình Định trưng bày tại Chợ công nghệ - thiết bị toàn quốc, được nhiều người quan tâm. Ảnh: H.L |
Tuy nhiên, trong khi tình hình sản xuất và kinh doanh rượu Bàu Đá ở tỉnh ta còn mang tính tự phát, chưa có tổ chức hoặc cá nhân nào xin bảo hộ nhãn hiệu, thì Công ty TNHH thực phẩm Minh Anh (TP Đà Nẵng) đã nhanh chân đăng ký và được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu Rượu Bàu Đá (số 37439) từ năm 2001. Để đủ các yếu tố pháp lý theo quy định, Công ty TNHH Minh Anh đã đặt cơ sở chế biến ngay tại địa phương nấu rượu Bàu Đá (thôn Cù Lâm, xã Nhơn Lộc) và được UBND tỉnh đồng ý. Từ đó đến nay, Công ty này độc quyền bán ra thị trường trong nước rượu Bàu Đá đóng chai mang nhãn hiệu Bàu Đá Minh Anh; các loại rượu khác mang nhãn hiệu “Rượu Bàu Đá” là trái pháp luật, theo quy định không được bán ra thị trường.
Bức xúc vấn đề này, tháng 8.2007, HHRBĐBĐ đã làm đơn gửi lên Cục Sở hữu trí tuệ, đề nghị được bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Rượu Bàu Đá”. Việc làm này đúng với quy định về xuất xứ địa lý đối với sản phẩm là rượu Bàu Đá và đủ điều kiện để được cấp bằng bảo hộ. Tuy vậy, vấn đề phức tạp là tuy đã qua nhiều lần hiệp thương, bàn bạc với Cục Sở hữu trí tuệ, cơ quan quản lý của tỉnh, chính quyền địa phương, HHRBĐBĐ, nhưng Công ty TNHH Minh Anh đã không chấp nhận từ bỏ nhãn hiệu “Rượu Bàu Đá” để hòa nhập lấy tên chung là Rượu Bàu Đá cùng với các doanh nghiệp kinh doanh loại rượu này ở Bình Định. Do giữa Công ty TNHH Minh Anh và HHRBĐBĐ không thỏa thuận được, nên việc cấp bằng bảo hộ cho nhãn hiệu tập thể Rượu Bàu Đá Bình Định kéo dài nhiều năm qua.
Tháng 6.2010, một giải pháp khả thi được Cục Sở hữu trí tuệ đưa ra là: yêu cầu HHRBĐBĐ bổ sung vào mẫu nhãn hiệu “Rượu Bàu Đá” đã xin đăng ký một thành phần chữ hoặc hình biểu tượng để phân biệt với nhãn hiệu của Công ty TNHH Minh Anh, thì sẽ đủ cơ sở pháp lý để được cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể “Rượu Bàu Đá”. Theo yêu cầu này, Hiệp hội đã thiết kế logo kèm với chữ “bd Rượu Bàu Đá” và đã đáp ứng các tiêu chuẩn bảo hộ để được chấp nhận cấp bằng bảo hộ. Nếu không có gì thay đổi, nhãn hiệu tập thể “Rượu Bàu Đá” sẽ được cấp bằng bảo hộ trong một vài tháng nữa.
Như vậy, nếu HHRBĐBĐ được cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể “Rượu Bàu Đá” thì trên thị trường sẽ có hai nhãn hiệu rượu Bàu Đá song song tồn tại, đó là của Bình Định và của Công ty TNHH Minh Anh. Các đơn vị, cá nhân sản xuất, kinh doanh rượu Bàu Đá ở Bình Định có cơ hội gia nhập HHRBĐBĐ để được sở hữu nhãn hiệu tập thể “Rượu Bàu Đá”. Tất nhiên, sẽ có quy định cụ thể trong việc sử dụng nhãn hiệu tập thể “Rượu Bàu Đá”, và khi hội đủ điều kiện có thể gắn nhãn hiệu tập thể “Rượu Bàu Đá” với thương hiệu của mình, ví dụ như: Rượu Bàu Đá NH, Rượu Bàu Đá TH...
Rượu Bàu Đá được bảo hộ nhãn hiệu tập thể tạo điều kiện để phát triển, đồng thời có sự kiểm soát chặt chẽ đối với việc sản xuất, kinh doanh rượu Bàu Đá. Cùng với đó, HHRBĐBĐ và ngành liên quan cần sớm có biện pháp để loại bỏ loại rượu giả danh Bàu Đá đang tràn lan trên thị trường.
|