Có một thời, cây điều được xem là một trong những loại cây “xóa đói giảm nghèo” của nông dân một số địa phương trong tỉnh, được trồng với diện tích khá lớn. Tuy nhiên, diện tích cây điều ở tỉnh ta ngày càng giảm dần…
|
Nông dân tham quan mô hình phòng trừ sâu bệnh tổng hợp trên cây điều tại thôn Gia Hội, xã Mỹ Phong (Phù Mỹ).
|
Thực trạng
Ở tỉnh ta, cây điều được trồng nhiều tại các huyện Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Ân, Vĩnh Thạnh… Cây điều đã mang lại nguồn thu nhập đáng kể, góp phần tăng thu nhập và giải quyết việc làm cho một bộ phận nông dân ở khu vực nông thôn. Tuy nhiên, những năm gần đây, nhiều diện tích điều đã bị nông dân trong tỉnh phá bỏ để trồng các loại cây khác.
Theo tính toán của người trồng điều, trong điều kiện thời tiết thuận lợi, 1 héc ta điều cho năng suất 4 tạ/năm; thu nhập sau khi trừ chi phí còn khoảng 4 triệu đồng/ha. Năm nào cây điều bị sâu bệnh gây hại thì thu không đủ bù chi. Cùng diện tích đó, nếu trồng cây keo, lợi nhuận sẽ cao hơn nhiều lần so với trồng điều. Do vậy, nông dân ở nhiều địa phương đã phá bỏ cây điều, dẫn đến diện tích điều ở tỉnh ta hiện chỉ còn trên 11.300 ha, giảm 8.000 ha so với năm 2007, và xu hướng giảm vẫn tiếp tục.
Theo các nhà chuyên môn, sở dĩ hiệu quả kinh tế của cây điều trong tỉnh không cao là do phần lớn trồng trên đất đồi gò, mật độ quá dày, rất khó đầu tư thâm canh. Cây trồng không được đầu tư chăm sóc đúng mức, lại thường xuyên bị sâu bệnh gây hại, năng suất đạt thấp, chỉ 4-5 tạ/ha, thấp hơn nhiều so với năng suất điều bình quân của cả nước.
“Tiếp sức” cho cây điều
Thời gian qua, ngành chức năng của tỉnh đã xây dựng một số mô hình cải tạo, thâm canh vườn điều; tổ chức nhiều lớp tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây điều cho nông dân. Kết quả là nhiều vườn điều được cải tạo, đầu tư thâm canh, cho năng suất 1 tấn/ha, cá biệt có nơi đến 1,5 tấn/ha.
“Hiệu quả kinh tế của cây điều ở tỉnh Bình Định không cao là do phần lớn trồng trên đất đồi gò, mật độ quá dày, rất khó đầu tư thâm canh.” |
Từ năm 2011 đến nay, Ban quản lý Dự án Cạnh tranh nông nghiệp tỉnh đã ký hợp đồng với đơn vị tư vấn là Công ty Tư vấn dịch vụ kỹ thuật phát triển nông nghiệp Đà Lạt (Lâm Đồng) thực hiện đề tài “Xây dựng và chuyển giao kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh trên cây điều tại Bình Định”. Trong quá trình thực hiện, đơn vị tư vấn đã khảo sát, điều tra hiện trạng cây điều tại các vùng thực hiện dự án; xây dựng quy trình phòng trừ sâu bệnh tổng hợp (IPM) trên cây điều và xây dựng 4 mô hình tại các huyện Phù Cát, Phù Mỹ, Vĩnh Thạnh để hướng dẫn nông dân áp dụng quy trình IPM vào thực tế sản xuất.
Kết quả cho thấy, khả năng tỉa cành, tạo tán, đầu tư thâm canh và việc áp dụng quy trình kỹ thuật IPM của nông dân khá tốt. Cây điều hầu như không mắc các bệnh thán thư, khô vằn; bọ xít, muỗi trên cây giảm hơn 95%. Nhờ vây, năng suất điều trong mô hình tăng 1,7 lần so với trước, hiệu quả kinh tế tăng 58,32%.
Ông Thái Văn Hưng, ở thôn Gia Hội, xã Mỹ Phong, huyện Phù Mỹ, cho biết: “Tôi thực hiện cải tạo vườn điều đúng như hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật; thường xuyên theo dõi tình hình sâu bệnh, phát hiện và phòng trừ theo nguyên tắc 4 đúng, nên cây điều phát triển tốt. Chúng tôi còn được hướng dẫn sử dụng kiến vàng để tiêu diệt loại bọ xít muỗi rất hữu hiệu”. Với cách làm trên, vườn điều 2 ha của ông Hưng đạt năng suất 1,3 tấn hạt/ha, cao nhất từ trước đến nay.
Theo ông Phan Ngọc Hùng, Giám đốc Công ty Tư vấn dịch vụ kỹ thuật phát triển nông nghiệp Đà Lạt: Đầu tư thâm canh, phòng trừ sâu bệnh tổng hợp là giải pháp hữu hiệu để nâng cao hiệu quả kinh tế của cây điều, duy trì và phát triển cây điều bền vững. Chúng tôi sẵn sàng phối hợp với tỉnh nhân rộng mô hình ra diện rộng, nhằm tăng hiệu quả đầu tư, tăng thu nhập cho nông dân.
Ông Hồ Ngọc Hùng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh, cho biết: Ngành Nông nghiệp sẽ phối hợp với chính quyền các địa phương điều tra, xác định lại diện tích điều hiện có. Diện tích điều có khả năng phát triển thì vận động nông dân đầu tư chăm sóc để tăng năng suất và hiệu quả sản xuất. Diện tích điều già cỗi, hiệu quả thấp thì phá bỏ, thay thế bằng các loại cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn. Sở cũng đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với Viện KHKT Nông nghiệp duyên hải Nam Trung Bộ, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh chọn lọc cây giống có tiềm năng năng suất cao; xây dựng quy trình trồng, chăm sóc theo hướng thâm canh phù hợp điều kiện thời tiết, đất đai, tập quán canh tác của các vùng miền trong tỉnh để chuyển giao cho nông dân, đồng thời nhân rộng các mô hình đã được thực hiện đạt hiệu quả cao.
|