|
Một góc cảng cá Đề Gi. Ảnh: Nguyễn Hân |
Nghề khai thác, đánh bắt hải sản là một trong những thế mạnh kinh tế của huyện Phù Cát. Nhờ Nhà nước quan tâm đầu tư phát triển nghề cá với những chính sách hỗ trợ ngư dân bám biển khai thác; xây dựng cảng cá Đề Gi, tạo thuận lợi cho tàu thuyền vào bán sản phẩm, tiếp nhiên liệu, vật tư, lương thực, thực phẩm ra khơi, nhiều hộ ngư dân ở Phù Cát đã “ăn nên làm ra”.
Nghề khai thác, đánh bắt hải sản phụ thuộc vào năng lực tàu thuyền, lao động, kinh nghiệm đánh bắt. Những năm qua, huyện Phù Cát đã tạo điều kiện thuận lợi về chủ trương, chính sách, vốn vay… nhằm động viên, khuyến khích ngư dân đầu tư vốn đóng mới tàu thuyền có công suất lớn, mua sắm ngư lưới cụ, trang bị phương tiện hiện đại để nâng cao năng lực đánh bắt, khai thác có hiệu quả tiềm năng kinh tế biển, góp phần tạo việc làm và thu nhập cho ngư dân.
Toàn huyện hiện có 1.186 tàu thuyền nghề cá. Tuy số lượng tàu thuyền giảm 49 chiếc so với năm 2011, nhưng tổng công suất (89.172 CV) cao hơn năm trước 4.800 CV, tập trung nhiều nhất ở 2 xã Cát Khánh và Cát Minh. Nguyên nhân tăng công suất tàu cá là do nhiều hộ đã đầu tư vốn để mua, đóng mới tàu thuyền có công suất lớn hơn đáp ứng yêu cầu đánh bắt xa bờ, bám biển dài ngày. Toàn huyện hiện có 246 tàu cá công suất từ 90 CV trở lên; chủ yếu làm các nghề: vây rút chì, lưới rê, câu mực; ngư trường hoạt động chính ở vùng biển các tỉnh phía Nam.
Thời gian gần đây, mặc dù gặp nhiều khó khăn, như giá xăng dầu và các loại vật tư phục vụ ra khơi đánh bắt tăng cao, song, nhờ sự tích cực tuyên truyền, vận động của chính quyền địa phương, nên bà con nhận thức rõ hơn về vai trò của ngư dân trong việc khai thác tiềm năng kinh tế biển, góp phần bảo vệ an ninh chủ quyền biển đảo. Nhiều tổ đội đoàn kết khai thác, đánh bắt trên biển được hình thành. 9 tháng đầu năm 2012, ngư dân Phù Cát đã bám biển khai thác hơn 25.200 tấn hải sản các loại, cao nhất từ trước đến nay trong cùng thời gian, đạt 84% kế hoạch năm, tăng trên 3.700 tấn so cùng kỳ năm trước.
Ngư dân Nguyễn Hữu Hùng - ở thôn An Quang Đông, xã Cát Khánh, chủ một tàu cá 168 CV, với 18 lao động trên tàu - cho biết: “Khó khăn đáng nói nhất hiện nay là giá xăng dầu, vật tư phục vụ khai thác, đánh bắt tăng cao, mỗi chuyến đi trong vòng 1 tháng, tàu của tôi chi phí hết trên dưới 160 triệu đồng. Cộng vào đó là ngư trường biến động, giá tiêu thụ sản phẩm lại bấp bênh, phụ thuộc nhiều vào các đầu nậu thu mua; việc thuê lao động đánh bắt khó khăn… Dù vậy, trong 9 tháng đầu năm nay, tổ đoàn kết của chúng tôi luôn có 4 -5 tàu cùng nhau bám biển, hoạt động liên tục, nên đạt sản lượng khá cao, thu nhập bình quân của lao động trên tàu đạt 6 - 8 triệu đồng/tháng, anh em rất phấn khởi”.
Ông Đỗ Hiến, Bí thư Đảng ủy xã Cát Khánh - địa phương có số tàu thuyền nhiều nhất huyện - cho biết: Toàn xã hiện có 502 tàu thuyền, tổng công suất 34.450 CV. Trong đó có 150 tàu công suất từ 90 CV trở lên, đáp ứng yêu cầu vươn ra khơi xa đánh bắt dài ngày trên biển. Xã đã tích cực phối hợp với các ngành, các cấp và đồn Biên phòng 316 thường xuyên tuyên truyền, giáo dục cho ngư dân nâng cao nhận thức về phạm vi vùng lãnh hải mà tàu của mình được phép hoạt động, nên không để xảy ra trường hợp vi phạm lãnh hải của nước khác. Ngoài ra, ngư dân trong xã đã thành lập được 7 tổ đoàn kết đánh bắt trên biển. Xã cũng đã thành lập đội tàu tình nguyện xung kích cứu hộ khi có yêu cầu, gồm 10 tàu công suất lớn, luôn sẵn sàng khi được điều động. Nhờ có sự động viên, hỗ trợ kịp thời về nhiều mặt, nên bà con ngư dân yên tâm bám biển khai thác. 9 tháng đầu năm 2012, sản lượng khai thác của ngư dân Cát Khánh đạt hơn 6.750 tấn, tăng 8,32% so với cùng kỳ năm trước.
Có thể nói rằng, tiềm năng kinh tế biển của Phù Cát bước đầu đã được chú trọng đầu tư, khai thác. Việc hình thành những tổ đội đoàn kết khai thác, đánh bắt hải sản của ngư dân đã phát huy hiệu quả tích cực. Đồng thời với việc thực hiện tốt những chủ trương, chính sách hỗ trợ của Nhà nước hiện nay là động lực lớn để thúc đẩy ngư dân khai thác có hiệu quả tiềm năng kinh tế biển, góp phần giữ vững an ninh, chủ quyền biển đảo.
|