Doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu:
Khó cả đầu vào lẫn đầu ra
20:51', 4/10/ 2012 (GMT+7)

Năm 2012 là năm đầy khó khăn, thách thức đối với các doanh nghiệp (DN) chế biến thủy sản xuất khẩu (CBTSXK) của cả nước nói chung và tỉnh ta nói riêng. Trong khi bài toán đầu vào vẫn chưa được giải quyết, thì thời gian gần đây các DN CBTSXK trên địa bàn tỉnh lại gặp khó ở thị trường đầu ra...

 

Chế biến cá xuất khẩu tại Công ty cổ phần Thủy sản Bình Định.

 

Lâu nay, hoạt động CBTSXK ở tỉnh ta luôn đối diện với những khó khăn, tồn tại mang tính cố hữu, như thiếu nguyên liệu chế biến, công nghệ chế biến còn lạc hậu, sản phẩm đơn điệu… Bên cạnh đó, từ đầu năm 2012 đến nay, các DN CBTSXK trên địa bàn tỉnh gặp phải những khó khăn mới là chi phí đầu vào tăng cao, trong khi giá đầu ra không tăng.

Khó chồng lên khó

Theo tính toán của các DN, so với đầu năm 2011, hiện chi phí đầu vào của hoạt động CBTSXK tăng khoảng 30%. Trong khi đó, giá sản phẩm thủy sản xuất sang các thị trường truyền thống, như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc… đều không tăng, thậm chí có lúc giảm.

Để ngành chế biến thủy sản xuất khẩu của tỉnh có thương hiệu, khẳng định được vị trí trên thị trường quốc tế, các doanh nghiệp phải có tầm nhìn xa nhằm vượt qua những thách thức và tìm kiếm cơ hội phát triển

Từ đầu năm đến nay, việc điều chỉnh lãi suất ngân hàng diễn ra rất chậm chạp, khiến nhiều DN vẫn phải xoay xở trả nợ vay với lãi suất cao. Bên cạnh đó, các chi phí đầu vào như: giá điện, nhân công, bao bì, cước vận chuyển, thuế bảo vệ môi trường đối với bao bì nhựa PE, phí kiểm dịch thú y… tăng, đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD) của các DN CBTSXK. Đơn cử, chi phí kiểm nghiệm lô hàng thành phẩm trước khi xuất khẩu đã tăng trung bình 1,5 - 2 lần so với năm 2011. Việc lấy mẫu kiểm nghiệm lô hàng cùng các biện pháp, thủ tục kiểm soát khiến đa phần các lô hàng phải chờ cả tuần trước khi xuất khẩu, dẫn đến DN phải chịu thêm phí lưu kho bãi…

Đầu vào gặp khó, đầu ra hiện cũng đang rất khó khăn. Các DN CBTSXK ở tỉnh ta nói riêng và cả nước nói chung đang phải đối phó với sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các nước đối thủ xuất khẩu thủy sản như: Thái Lan, Indonesia và đặc biệt là Ấn Độ, khi Chính phủ nước này đã có các chính sách hỗ trợ nuôi tôm phục vụ chế biến xuất khẩu. Nhiều DN đã chấp nhận bán sản phẩm với giá bằng hoặc thấp hơn giá thành nhưng vẫn không có khách hàng.

Ngoài ra, tại thị trường Nhật Bản - thị trường lớn của các DN CBTSXK ở tỉnh ta, các DN Việt Nam cũng đang gặp khó do các rào cản kỹ thuật. Ngày 31.8 vừa qua, các nhà nhập khẩu Nhật Bản đã thông báo sẽ tiến hành kiểm tra 100% lô tôm nhập khẩu từ Việt Nam về chỉ tiêu Ethoxyquin (chất dùng chống oxy hóa trong thức ăn chăn nuôi). Ngay sau khi có thông tin này, các DN CBTSXK trên địa bàn tỉnh đã giảm lượng hàng xuất sang thị trường Nhật Bản để tránh gặp rủi ro. Chính điều này mà các nước nhập khẩu khác đã “đè giá” sản phẩm thủy sản của các DN trên địa bàn tỉnh.

Bà Cao Thị Kim Lan, Giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản Bình Định, cho biết: Trong bối cảnh kinh tế thế giới thời gian qua diễn biến khá phức tạp, chúng tôi không thể dự báo thị trường biến động theo chiều hướng nào để có kế hoạch đầu tư SXKD cho phù hợp. Hiện nay, giá đầu vào liên tục tăng, trong khi đầu ra gặp khó, đẩy các DN CBTSXK như chúng tôi đến chỗ khó khăn vì làm ăn không có lãi. Nhiều khi chỉ vì kỳ kèo vài chục đồng cho 1 kg sản phẩm nhưng cả hai bên đã không đi đến thống nhất được với nhau…

Cần tiến lên “chuyên nghiệp” thực sự

Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Giám đốc Sở Công Thương, cho biết: “Công bằng mà nói, khủng hoảng đã tác động đến SXKD của DN, lấy mất nhiều cơ hội lẫn lợi thế của DN này, nhưng đồng thời cũng tạo ra cơ hội, lợi thế cho DN khác. Những khó khăn trong thời gian qua cũng là điều kiện để ngành Thủy sản tỉnh ta nhìn lại mình, phải chấn chỉnh lại từng khâu từ khai thác đến chế biến, xuất khẩu. Đã đến lúc ngành Thủy sản của tỉnh phải thay đổi công nghệ, phương thức quản lý sản xuất, tiến lên “chuyên nghiệp” thực sự”.

Theo các chuyên gia kinh tế, ngành CBTSXK luôn đặt ra những tiêu chuẩn, quy định rất nghiêm ngặt để đảm bảo các điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm, do đó, chỉ cần một sai sót nhỏ khiến sản phẩm mất uy tín thì DN khó lòng làm ăn tiếp. Để ngành CBTSXK của tỉnh có thương hiệu, khẳng định được vị trí trên thị trường quốc tế, các DN CBTSXK phải có tầm nhìn xa nhằm vượt qua những thách thức và tìm kiếm cơ hội phát triển. Trong đó, các DN CBTSXK cần chuyển từ đầu tư chiều rộng sang đầu tư chiều sâu, bền vững; đổi mới thiết bị, công nghệ hiện đại. Với công nghệ sản xuất hiện đại, DN có thể tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, rút ngắn thời gian sản xuất, hạn chế sức lao động, giảm giá thành sản phẩm... Ngoài ra, nếu biết tận dụng tính năng của các thiết bị hiện đại, các DN còn có thể tạo thêm nhiều sản phẩm mới trên cơ sở nguyên liệu hiện có, đặc biệt là các sản phẩm tinh chế, sản phẩm có giá trị gia tăng cao nhằm nâng cao giá trị xuất khẩu.

Ngoài ra, để tạo nguồn nguyên liệu ổn định phục vụ hoạt động CBTSXK, tỉnh cần tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng và thắt chặt công tác quản lý việc mua bán thủy sản ở các bến cá. Cơ quan quản lý nhà nước cần quan tâm quản lý chất lượng nguồn nguyên liệu trong khai thác, nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là việc sử dụng kháng sinh trong nuôi trồng và hóa chất trong bảo quản thủy sản đánh bắt; cần phối hợp với DN trong việc xây dựng và củng cố thương hiệu hàng thủy sản xuất khẩu Bình Định… Những việc làm này không những làm tăng giá trị và uy tín của DN, mà còn giúp DN tránh được những rào cản thương mại mà các nước đã dựng lên trong thời gian qua và trong tương lai.

Theo Sở Công Thương, từ đầu năm đến nay, các DN CBTSXK trên địa bàn tỉnh đã chế biến và tiêu thụ 1.687 tấn tôm, tăng 1,5%; và 5.921 tấn cá các loại, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm 2011. Mặc dù sản lượng có tăng, nhưng do chi phí đầu vào tăng cao, giá đầu ra không tăng, nên phần lớn DN làm ăn không hiệu quả. Theo kế hoạch, từ nay đến cuối năm 2012, các DN CBTSXK trên địa bàn tỉnh chế biến và tiêu thụ 669 tấn tôm và 1.600 tấn cá các loại.

  • NGỌC THÁI
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Phản biện dự án quy hoạch phát triển các làng nghề  (04/10/2012)
Chung tay xây dựng “Cánh đồng mẫu lớn”  (03/10/2012)
Triển khai Dự án xây dựng và quản lý nhãn hiệu chứng nhận “Kiệu Phù Mỹ”   (03/10/2012)
31 hồ chứa nước thiếu an toàn trong mùa mưa lũ  (03/10/2012)
Triển khai mô hình nuôi cá nước lợ  (03/10/2012)
Bám biển khai thác, đạt sản lượng cao  (02/10/2012)
Kỳ vọng từ những tín hiệu tích cực  (02/10/2012)
Xây dựng 40 “Cánh đồng mẫu lớn” trong vụ ĐX 2012-2013  (02/10/2012)
32 CCN tạo việc làm cho hơn 17.000 lao động  (02/10/2012)
Phê duyệt quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng, giai đoạn 2011-2020  (02/10/2012)
Cần xây dựng thương hiệu chung  (01/10/2012)
HNX-Index xuống mức thấp nhất trong lịch sử   (01/10/2012)
Hàng Việt chiếm lĩnh thị trường  (01/10/2012)
Sẽ di dời CCN Nhơn Bình ra khỏi TP Quy Nhơn  (01/10/2012)
Hỗ trợ 1,4 tỉ đồng cho công trình cộng đồng phòng tránh thiên tai Trường tiểu học số 2 Hoài Mỹ  (01/10/2012)