Các doanh nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu:
Nỗ lực vượt khó, nắm bắt cơ hội để phát triển
20:45', 7/10/ 2012 (GMT+7)

Sau một thời gian khó khăn, hiện nay, cơ hội mới đã mở ra đối với các doanh nghiệp (DN) chế biến gỗ xuất khẩu ở tỉnh ta, khi nhiều nhà đầu tư và khách hàng nước ngoài có xu hướng chuyển từ thị trường Trung Quốc (TQ) sang Việt Nam. Vấn đề đặt ra là liệu các DN trên địa bàn có nắm bắt được cơ hội để ổn định và phát triển?

 

Công nhân của một DN chế biến gỗ ở CCN Bình Dương (Phù Mỹ) đang sản xuất.

 

Thời gian qua, tuy gặp nhiều khó khăn, song một số DN chế biến gỗ xuất khẩu ở tỉnh ta đã nỗ lực cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm, chủ động tìm kiếm, mở rộng thị trường..., nhờ đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh từng bước hồi phục.

Một số doanh nghiệp “đầu tàu” tăng trưởng khá

Thống kê của Sở Công Thương cho thấy: Tính đến cuối tháng 9.2012, giá trị kim ngạch xuất khẩu của Công ty Tiến Đạt ước thực hiện gần 21 triệu USD, tăng gần 17% so với cùng kỳ năm 2011. Công ty Phú Tài ước thực hiện gần 12 triệu USD, tăng 8%; Công ty Lâm nghiệp 19 gần 6 triệu USD, tăng gần 58%; Công ty Mỹ Tài gần 3,4 triệu USD, tăng 41%; Công ty Quốc Thắng gần 3,2 triệu USD, tăng 13%... Giá trị kim ngạch xuất khẩu mặt hàng gỗ tinh chế nội thất ước thực hiện 8,1 triệu USD, tăng gần 16%.

Thời gian qua, mặt hàng dăm gỗ của các DN Bình Định hầu hết đều xuất sang TQ; song TQ lại chủ trương hạn chế nhập khẩu mặt hàng này. Vì vậy, giá dăm gỗ giảm mạnh (khoảng 20 USD/tấn). Hậu quả là khá nhiều DN dăm gỗ trên địa bàn tỉnh không những giảm sút lợi nhuận mà còn bị lỗ…

Ông NGUYỄN AN ĐIỀM - Chủ tịch FPA Bình Định

Tuy nhiên, những nỗ lực của các DN “đầu tàu” không thể ngăn chặn được sự giảm sút của ngành chế biến gỗ xuất khẩu Bình Định. Theo Sở Công Thương, tính đến cuối tháng 9.2012, giá trị kim ngạch xuất khẩu của ngành này chỉ đạt gần 54% kế hoạch năm và giảm trên 13% so với cùng kỳ năm 2011. Bên cạnh tác động của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, tình trạng khủng hoảng nợ công dẫn đến cắt giảm chi tiêu ở châu Âu (EU) cũng là nguyên nhân kìm hãm hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN chế biến gỗ xuất khẩu ở tỉnh ta. Ngoài ra, các DN còn “đụng đầu” với những rào cản thương mại do EU áp đặt, cùng với xu hướng hạn chế tiêu dùng đồ gỗ cứng nhiệt đới...

Ông Nguyễn An Điềm- Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty PISICO, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản (FPA) Bình Định, cho biết: “Thời gian qua, mặt hàng dăm gỗ của các DN Bình Định hầu hết đều xuất sang TQ; song TQ lại chủ trương hạn chế nhập khẩu mặt hàng này. Vì vậy, giá dăm gỗ giảm mạnh (khoảng 20 USD/tấn). Hậu quả là khá nhiều DN dăm gỗ trên địa bàn tỉnh không những giảm sút lợi nhuận mà còn bị lỗ…”.

Cần nắm bắt cơ hội để phát triển

Theo các chuyên gia kinh tế, thời gian gần đây, bên cạnh việc bị Mỹ áp thuế chống bán phá giá đối với nhiều mặt hàng đồ gỗ, đồng Nhân dân tệ của TQ còn bị sức ép lên giá, trong khi chi phí lao động ngày càng tăng, nên ngành chế biến đồ gỗ của TQ không còn hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Chính phủ TQ lại chủ trương không khuyến khích DN của ngành hàng này phát triển ở vùng ven biển, mà yêu cầu phải vào sâu trong nội địa. Điều này khiến các loại chi phí (công vận chuyển, lương nhân công...) sẽ tăng lên khoảng 10 USD/ngày, trong khi Việt Nam là 6 USD/ngày (Malaysia khoảng 13 USD/ngày). Chính vì vậy, các nhà đầu tư nước ngoài làm ăn tại TQ lâu nay có xu hướng quay sang lựa chọn thị trường Việt Nam...

Theo ông Nguyễn An Điềm: Những thông tin về thị trường chế biến đồ gỗ của TQ, Malaysia và một số nước trên thế giới có thể coi là cơ hội đối với các DN chế biến đồ gỗ xuất khẩu Việt Nam; song đó cũng chính là thách thức đối với các DN trong nước và Bình Định. Bởi lẽ, thời gian qua đa phần các DN ở Bình Định chủ yếu là gia công, làm theo mẫu mã của khách hàng nước ngoài. Nhiều DN thiếu chủ động đầu tư công nghệ, thiết bị và thiếu khả năng tự thiết kế; còn phải đối diện với những rào cản kỹ thuật do các nước nhập khẩu dựng lên… Ngoài ra tình trạng các DN cạnh tranh không lành mạnh, thậm chí phá giá lẫn nhau cũng khiến sản xuất, kinh doanh có thêm trở ngại đáng tiếc.

Trước cơ hội và cả những thách thức, Sở Công Thương cùng FPA Bình Định đã đề ra những giải pháp nhằm giúp các DN vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất kinh doanh. Sở Công Thương kiến nghị Chính phủ, UBND tỉnh và các bộ, ngành Trung ương tạo điều kiện cho DN được gia hạn nợ, giảm lãi suất vay, tăng hạn mức và thời hạn cho vay theo chu kỳ sản xuất từng loại sản phẩm; giải quyết cho DN vay vốn mua nguyên liệu gỗ giữa các DN gỗ trên địa bàn; tiếp tục ổn định nguồn điện; cho phép các DN trong KCN Phú Tài - Long Mỹ được giãn nộp tiền thuê đất, phí hạ tầng đến hết tháng 6.2013...

Ông Nguyễn An Điềm cho biết: “Hiệp hội sẽ triển khai thực hiện chương trình hành động trọng tâm, gồm: Tăng cường xây dựng tổ chức bộ máy và công tác đối ngoại của Hiệp hội; tiếp tục công tác quảng bá, xúc tiến thương mại, hỗ trợ DN hội viên; phối hợp các tổ chức trong nước và quốc tế tổ chức các khóa đào tạo cho người lao động ngành chế biến gỗ xuất khẩu...”.

  • VIẾT HIỀN
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Nhiều nỗi lo trong mùa mưa lũ  (07/10/2012)
Điều chỉnh, bổ sung kế hoạch bê tông giao thông nông thôn năm 2012  (06/10/2012)
Phòng chống lụt bão ở Cát Sơn  (05/10/2012)
Hai chỉ số tăng nhẹ nhưng thị trường vẫn ảm đạm  (05/10/2012)
Nhiều đổi thay tích cực  (05/10/2012)
Chuyển giao kỹ thuật trồng hoa cho nông dân  (05/10/2012)
Còn nhiều việc phải làm  (06/10/2012)
1.500 hộ gia đình được thưởng  (05/10/2012)
Hội thảo về các chính sách thành lập doanh nghiệp KHCN   (05/10/2012)
Những kết quả bước đầu  (04/10/2012)
Chưa phát hiện thịt gà không đạt chất lượng nhập khẩu từ Hàn Quốc  (04/10/2012)
Khó cả đầu vào lẫn đầu ra  (04/10/2012)
Phản biện dự án quy hoạch phát triển các làng nghề  (04/10/2012)
Chung tay xây dựng “Cánh đồng mẫu lớn”  (03/10/2012)
Triển khai Dự án xây dựng và quản lý nhãn hiệu chứng nhận “Kiệu Phù Mỹ”   (03/10/2012)