Dự án phản biện Quy hoạch phát triển các làng nghề:
Hướng tới phát triển bền vững
18:6', 10/10/ 2012 (GMT+7)

Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Bình Ðịnh (LHH) đang thực hiện dự án phản biện “Ðánh giá về bảo vệ môi trường trong xây dựng quy hoạch phát triển làng nghề tiểu thủ công nghiệp tỉnh Bình Ðịnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”. Dự án này do Trung tâm Bảo tồn Sinh vật biển và Phát triển cộng đồng (MCD) tài trợ.

Theo tài liệu “Điều tra làng nghề” của Cục Thống kê tỉnh, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 54 làng nghề và vùng nghề. Trong đó có 49 làng nghề đang hoạt động. Trong khuôn khổ dự án, nhóm chuyên gia của LHH đã tiến hành khảo sát các làng nghề truyền thống thuộc 4 nhóm làng nghề: chế biến nông-lâm sản; chế biến hải sản; sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; sản xuất công cụ, dụng cụ và hàng tiêu dùng. Qua quá trình khảo sát thực địa, tổ chức lấy mẫu chất lượng môi trường, phát phiếu điều tra, phỏng vấn các hộ dân trong làng nghề và các đối tượng, tổ chức có liên quan… nhóm chuyên gia đã đưa ra những đánh giá cụ thể về thực trạng ô nhiễm môi trường (ÔNMT) ở các làng nghề và đề xuất các giải pháp nhằm hướng tới sự phát triển bền vững.

 

Nghề rèn thủ công gây ô nhiễm tiếng ồn, không khí…

- Trong ảnh: Một cơ sở rèn ở Tây Phương Danh - Đập Đá (thị xã An Nhơn).

Theo đó, hiện trạng ÔNMT ở nhiều làng nghề đang ở mức báo động. Các cơ sở sản xuất nằm sát hay ngay tại nhà dân và chất thải chưa có biện pháp xử lý phù hợp nên lan truyền và gây ÔNMT. Ngoài ra, từ những hạn chế về công nghệ, thiết bị, mặt bằng sản xuất, trình độ quản lý… và đặc biệt là chưa quan tâm đến các biện pháp xử lý ÔNMT nên một số cơ sở ở các làng nghề đã gây ô nhiễm không khí, nguồn nước.

Bên cạnh đó, các làng nghề truyền thống thường nằm đan xen trong các khu dân cư nên việc phát triển sản xuất và xử lý môi trường gặp nhiều khó khăn. Các cơ sở sản xuất tại làng nghề thường sử dụng nhiều nguyên liệu rẻ tiền, phế thải, có thể có các hóa chất độc hại và chất cấm sử dụng để chạy theo lợi nhuận trong khi các công trình giảm thiểu và xử lý môi trường còn sơ sài, nên về lâu dài các làng nghề sẽ bị ÔNMT. Đồng thời, việc khai thác và sử dụng tài nguyên bừa bãi, không có quy hoạch hoặc chưa được cấp phép của cơ quan chức năng, như khai thác nước ngầm tại một số làng nghề cũng làm ảnh hưởng đến nguồn tài nguyên nước ngầm. Một số làng nghề đang gây ÔNMT như: làng nghề chế biến tinh bột mì, làng nghề gạch ngói, làng nghề sản xuất bún, bánh tráng, chế biến cá cơm…

Trên cơ sở đánh giá thực trạng, bước đầu nhóm chuyên gia đã đưa ra những nguyên nhân và đề xuất các giải pháp nhằm bảo vệ môi trường (BVMT) bền vững cho từng làng nghề. Một trong những nguyên nhân là do các chính sách của Nhà nước về vấn đề môi trường nông thôn nói chung và môi trường làng nghề nói riêng vẫn chưa đồng bộ. Công tác quản lý BVMT tại các cấp đối với hoạt động tại các làng nghề còn nhiều bất cập, đa số chỉ dừng ở mức kiểm tra, nhắc nhở nên chưa có tác dụng răn đe đối với các hộ sản xuất. Cơ sở hạ tầng về môi trường làng nghề còn hạn chế. Do các cơ sở sản xuất tại các làng nghề chủ yếu quy mô nhỏ lẻ, theo tính chất hộ gia đình, nguồn vốn ít, nên các hạng mục công trình xử lý chất thải chưa được xây dựng đảm bảo về mặt môi trường...

Ông Trần Ngoạn - Chủ tịch LHH, Trưởng ban điều hành dự án - cho biết: “Đảm bảo môi trường tại các làng nghề là một trong những chủ trương của tỉnh trong việc định hướng phát triển các làng nghề theo hướng bền vững. Hiện nay, LHH đã tiến hành hội thảo lần 1 để hoàn chỉnh dự án. Dự án không những góp phần nâng cao năng lực phản biện của LHH mà kết quả của dự án giúp tỉnh có cái nhìn tổng quát hơn về thực trạng môi trường tại các làng nghề, các giải pháp cụ thể cho từng làng nghề để từ đó đưa ra các định hướng phát triển phù hợp cho các làng nghề trong những năm tới”.

Để hướng tới sự phát triển bền vững của các làng nghề, dự án đề xuất các giải pháp cụ thể cho từng nhóm làng nghề, nhất là nhóm chế biến nông - lâm sản. Vì đây là nhóm làng nghề chiếm số lượng lớn và còn nhiều cơ sở gây ÔNMT nghiêm trọng. Để phát triển bền vững, các làng nghề cần thực hiện một cách đồng bộ các giải pháp: đầu tư đổi mới thiết bị và công nghệ sản xuất, cần đưa các giải pháp kỹ thuật và mô hình xử lý chất thải phù hợp; nghiên cứu các giải pháp thay thế nguyên nhiên vật liệu sạch; khâu tổ chức quản lý cần thực hiện và xây dựng các quy chế quản lý chất lượng và kiểm soát tốt quá trình sản xuất nhằm hạn chế gây ÔNMT; thực hiện các giải pháp hỗ trợ vốn…

  • MAI HỒNG
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Bài 1: Đại lý bảo hiểm - một nghề hấp dẫn  (10/10/2012)
Giữ 3 xe tải và 18,5 tấn phân bón chưa rõ nguồn gốc  (09/10/2012)
Vĩnh Hiệp đã thoát nghèo  (09/10/2012)
Phát huy sức sáng tạo của tuổi trẻ  (09/10/2012)
Chú trọng công tác tiêm phòng, giám sát dịch bệnh  (09/10/2012)
Phê duyệt quy hoạch chi tiết Khu C  (09/10/2012)
Hai sàn có thêm phiên tăng điểm, giao dịch vẫn ảm đạm   (08/10/2012)
Phong phú và tiện dụng  (08/10/2012)
Thiết thực, hiệu quả  (08/10/2012)
UBND tỉnh họp báo về tình hình KT-XH 9 tháng đầu năm 2012  (08/10/2012)
Hội thảo Nghiên cứu tác động ngập lụt đến quy hoạch phát triển đô thị   (08/10/2012)
Thả 1 con vích nặng 50 kg về biển  (08/10/2012)
Hỗ trợ 582 triệu đồng để phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi  (08/10/2012)
Có 855 hộ dân hiến hơn 32.836 m2 đất làm đường giao thông  (08/10/2012)
Tăng thời gian hoạt động Dự án Khu du lịch Vĩnh Hội  (08/10/2012)