Thủy sản là ngành quan trọng trong cơ cấu kinh tế của tỉnh Bình Định. Sản xuất thủy sản phát triển trong những năm qua đã tạo ra việc làm cho hàng ngàn lao động và đóng góp đáng kể cho phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, ngành thủy sản của tỉnh hiện nay phải đối mặt với thực trạng kim ngạch xuất khẩu thấp, tàu thuyền nhỏ trang thiết bị lạc hậu, diện tích nuôi trồng manh mún; trình độ khai thác, chế biến còn lạc hậu…
|
Vận chuyển hải sản khai thác từ tàu thuyền lên bờ tại cảng cá Tam Quan (Hoài Nhơn).(ảnh: Ngọc Thái)
|
Có thể nói, việc phát triển liên kết kinh tế giữa các chủ thể trong ngành thủy sản qua các mô hình liên kết ngang dưới các hình thức tổ, đội, hợp tác và qua hệ thống các chủ nậu vựa trong thời gian qua là phù hợp với các quy luật khách quan, phù hợp với đặc điểm của ngành thủy sản. Hiện nay ngành đã xây dựng được 25 mô hình tổ, đội đoàn kết khai thác hải sản ở các địa phương ven biển với 131 tàu tham gia. Nghề câu cá ngừ đại dương có 15 tổ với 58 tàu, nghề vây rút chì có 7 tổ với 64 tàu, nghề lưới kéo 3 tổ với 9 tàu. Tại xã Tam Quan Bắc, nơi có nghề khai thác cá ngừ đại dương phát triển mạnh với đội tàu đánh bắt xa bờ trên 400 chiếc, bà con ngư dân đã thành lập 12 tổ liên kết cộng đồng đánh bắt, khai thác thủy sản; mỗi tổ, đội từ 5-8 thuyền với 40-50 ngư dân. Bên cạnh đó, nhiều hộ nuôi trồng liên kết lại với nhau thành lập các mô hình quản lý cộng đồng như mô hình nuôi tôm ở Công Lương, xã Hoài Mỹ, Huyện Hoài Nhơn hoặc ở Đồng Mỹ Trung, thôn Đông Điền, Phước Thắng, Tuy Phước.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực trên thì sự liên kết của các chủ thể vẫn còn những hạn chế nhất định cần được giải quyết trong quá trình hội nhập:
+ Thứ nhất, Sự liên kết kinh tế của các chủ thể ở trình độ thấp chủ yếu dưới mô hình liên kết ngang. Sự liên kết dọc giữa doanh nghiệp chế biến (DNCB) với trực tiếp các hộ nông dân rất ít và chỉ dừng lại ở mức ký kết hợp đồng, việc bao tiêu sản phẩm còn mang tính thời vụ, chưa trở thành một chiến lược lâu dài, vững chắc và chưa thật tin tưởng lẫn nhau. Chưa có cơ chế ràng buộc giữa các DNCB với các hộ nông dân khi ký kết hợp đồng.
+ Thứ hai, Các chủ thể kinh tế cạnh tranh gay gắt và thiếu sự liên kết thống nhất giữa các khâu sản xuất-chế biến- tiêu thụ. Việc ký kết hợp đồng của các chủ thể còn nhiều bấp bênh về giá cả, số lượng. Nếu các nậu vựa, người nông dân thấy DNCB nào có giá mua cao hơn thì bán.
+ Thứ ba, Các hình thức giao dịch chưa thật sự tạo nên sự liên kết chặt chẽ giữa các chủ thể kinh tế. Các loại hợp đồng mua bán chủ yếu là bằng miệng hoặc viết tay còn hợp đồng bằng pháp lý chiếm tỷ lệ rất thấp. Các chủ thể kinh tế thường mua bán nguyên liệu theo giá thị trường chiếm tỷ lệ 35,3%, giá thỏa thuận 55,7%, còn giá sàn và giá cố định hầu như ít khi sử dụng chiếm tỷ lệ 9%.
Nguyên nhân của những hạn chế nêu trên có nhiều nhưng bao trùm là sự nhận thức của các chủ thể kinh tế chưa cao, môi trường thể chế chưa hoàn thiện nên chưa làm cho liên kết kinh tế thực sự trở thành động lực. Cụ thể:
+ Mô hình liên kết của 4 nhà doanh nghiệp-nông dân-nhà nước-nhà khoa học còn mang tính chất chung chung chưa xác định được chủ thể chính.
+ Liên kết chỉ tập trung vào một doanh nghiệp hoặc một nhóm nông dân và căn cứ trên giá là chủ yếu không giải quyết được sự phát triển tự phát của thị trường nên dù có ký kết hợp đồng mua bán nhưng khi giá cả biến động mối liên kết ngay lập tức bị phá vỡ.
+ Nhà khoa học thiếu mạnh dạn, trong mối liên kết vẫn thiếu vắng sự tham gia của các trường, các cơ quan hay tổ chức nghiên cứu.
+ Nhà nước chưa phát huy vai trò điều tiết, chưa tạo ra một môi trường pháp lý để gắn kết các chủ thể trên thị trường.
+ Nhà quản lý cộng đồng như Hiệp hội thủy sản Bình Định chưa đủ mạnh để nối sợi dây liên kết, chưa thiết lập được mối quan hệ giữa hoạt động của cộng đồng các doanh nghiệp với hoạt động khoa học công nghệ, hệ thống ngân hàng để tạo dựng các tiền đề cơ bản cho việc phát triển bền vững.
Liên kết các chủ thể kinh tế trong ngành thủy sản Bình Định là một yêu cầu tất yếu khách quan. Đặc điểm thị trường thủy sản thế giới hiện nay đặc biệt qua hai vụ kiện bán phá giá cá tra, cá basa và tôm sú của Mỹ đã cho chúng ta một bài học sâu sắc về sự liên kết cộng đồng. Chỉ có sự liên kết lại để thống nhất chính sách phát triển sản xuất, thị trường, chính sách giá hợp lý… thì mới có thể tránh được những tranh chấp thương mại xảy ra.
Trong thời gian tới, ngành thủy sản Bình Định cần thực hiện các giải pháp cơ bản sau:
|
Thu mua hải sản tại Công ty cổ phần Đông lạnh Quy Nhơn.(ảnh: Ngọc Thái)
|
Thứ nhất, Hoàn thiện các chính sách kinh tế nhằm nâng cao vai trò hỗ trợ của nhà nước trong việc phát triển liên kết kinh tế giữa các chủ thể.
- Chính sách tài chính tín dụng: Tỉnh nên hỗ trợ cho vay với lãi suất ưu đãi đối với những DNCB xây dựng mô hình liên kết dọc. DNCB là tổ chức kinh tế, làm nhiệm vụ sản xuất kinh doanh là chính, tuy nhiên việc xây dựng mô hình liên kết dọc bằng ký kết hàng loạt các hợp đồng với các chủ thể kinh tế khác, DNCB cần có sự hỗ trợ kinh phí thông qua các dự án đầu tư, các đề tài khoa học, các chương trình sản xuất giống…, nhằm giúp cho các hộ nông dân, ngư dân khai thác ứng dụng nhanh tiến bộ kỹ thuật. Tỉnh cũng nên hỗ trợ việc vay vốn với lãi suất ưu đãi, ưu đãi về các loại thuế phải đóng góp cho các tổ, đội, nhóm hợp tác trong nuôi trồng và đánh bắt cũng như các chủ thể khác trong sản xuất kinh doanh. Cách thức làm này nhằm khuyến khích các chủ thể kinh tế tự nguyện tăng cường liên kết với nhau theo hướng phát triển bền vững ngành thủy sản, tránh tư duy làm ăn nhỏ lẻ, manh mún.
Ngoài ra, Tỉnh cần phải hỗ trợ các DNCB trong việc thu mua nguyên liệu. Trong những năm qua nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước không thiếu nhưng lãi suất quá cao nên các doanh nghiệp còn e dè trong việc tiếp nhận vốn tín dụng để thu mua nguyên liệu của người dân. Vì vậy vào những lúc được mùa, nguyên liệu ứ đọng thì các hộ nuôi trồng, khai thác luôn bị ép giá. Sự hỗ trợ vốn của nhà nước vào quá trình mua bán và dự trữ nguyên liệu rất cần thiết để mua nhanh với khối lượng lớn, giá cả phải chăng vào đúng vụ thu hoạch tạo nên tâm lý có “cầu” trên thị trường, tránh để giá nguyên liệu xuống thấp gây thiệt hại lợi ích cho người nông dân. Đặc biệt những mặt hàng thủy sản chủ lực của tỉnh như tôm, cá ngừ cần có sự hỗ trợ trong thu mua.
- Chính sách đất đai: Ở những nơi có thể nên giao quyền sử dụng lâu dài hoặc cho thuê đất và các vùng nuôi tôm dài hạn hơn để cho phép người thuê đất có thể đầu tư vào các trại và tiến hành hoạt động liên kết với các chủ thể khác một cách bền vững. Cần có quy định mở rộng hơn quyền tự chủ của người nuôi trong việc quyết định chuyển đổi mục đích nuôi trồng phù hợp với điều kiện tự nhiên và nhu cầu của thị trường thế giới.
Chính sách đầu tư: Cần tập trung đầu tư đồng bộ cho các chương trình đã được hoạch định; chuyển dịch cơ cấu đầu tư theo hướng CNH, HĐH. Ưu tiên đầu tư vào các đối tượng tạo mới, có nhu cầu lớn trên thị trường, tập trung tạo mũi đột phá vào nuôi trồng trên biển, trên các vùng chuyển đổi. Đầu tư hình thành các vùng nuôi tôm công nghiệp tập trung phù hợp với điều kiện môi trường sinh thái, tạo điều kiện cho phát triển liên kết kinh tế bền vững tránh hiện tượng phân tán, manh mún. Tập trung đầu tư xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng nghề cá, tạo đà cho những bước phát triển mạnh hơn sau này. Có chính sách huy động nguồn vốn và khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh.
Chính sách khoa học công nghệ và khuyến ngư: Tỉnh cần hỗ trợ kinh phí cho các nhà khoa học đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu đặc biệt các nhà khoa học ký kết hợp đồng với các DNCB để chuyển giao công nghệ cho nông dân. Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản có chương trình, kế hoạch phát triển công tác khuyến ngư, đẩy mạnh tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ đó là cơ sở quan trọng hỗ trợ tích cực cho hoạt động của các mô hình liên kết, tạo sự gắn kết giữa cơ quan quản lý Nhà nước với các chủ thể. Tiếp tục xây dựng các mô hình khuyến ngư, nhân rộng các mô hình tốt trong các lĩnh vực sản xuất thủy sản, thực hiện tốt các chính sách khuyến khích các nhà khoa học trong và ngoài ngành chuyển giao kết quả nghiên cứu vào thực tiễn sản xuất, góp phần thúc đẩy sản xuất, chất lượng và hiệu quả.
Thứ hai, Tỉnh làm tốt công tác quy hoạch và phát triển cơ sở hạ tầng, hậu cần dịch vụ nghề cá.
Tỉnh cần phải làm tốt chính sách quy hoạch và công tác quy hoạch phải chặt chẽ đồng bộ theo hệ thống sản xuất-chế biến-tiêu thụ để tránh hiện tượng bất cân xứng cung-cầu. Trong nuôi trồng, tỉnh phải tổ chức rà soát công tác quy hoạch đã có và hiện trạng nuôi của từng địa phương, căn cứ vào điều kiện đất đai, diện tích mặt nước, tình hình môi trường để triển khai hoặc điều chỉnh quy hoạch. Phải có qui hoạch chi tiết đối với nghề nuôi trồng của từng vùng, từng địa phương. Sự quy hoạch về diện tích, sản lượng nuôi cần được dựa trên các quy luật của kinh tế thị trường nhất là quy luật cung-cầu và quy luật giá trị. Cần có chính sách phát triển các vùng nuôi thủy sản an toàn tập trung quy mô lớn với công nghệ tiên tiến theo mô hình sinh thái bền vững tại các vùng thủy sản trọng điểm của tỉnh.
Tỉnh cần có những giải pháp và quản lý đồng bộ tập trung vào phát triển khai thác xa bờ như cần sớm hiện đại hóa đội tàu khai thác xa bờ, nâng cao kỹ thuật đánh bắt, phương tiện bảo quản,… Đồng thời chuyên nghiệp hóa mô hình khai thác, tiến hành thu mua và các dịch vụ hậu cần trên biển nhằm rút ngắn quãng đường vận chuyển, giảm bớt chi phí khai thác trong điều kiện giá xăng và các chi phí khác đều tăng lên. Tỉnh cần khuyến khích các nhà máy chế biến xây dựng gắn kết với vùng nguyên liệu, có trách nhiệm đầu tư, liên kết hoặc tổ chức sản xuất theo nhóm sản phẩm từ các nguồn nguyên liệu của mình đã tạo ra nhằm khắc phục sự tranh giành nguyên liệu và đảm bảo nguồn gốc xuất xứ. Khuyến khích các DNCB đa dạng hóa sản phẩm và đa dạng hóa phẩm cấp của từng loại sản phẩm để tăng tỷ lệ nguyên liệu qua chế biến, đạt tỷ trọng 60-65% sản phẩm giá trị gia tăng trong cơ cấu giá trị xuất khẩu. Thông qua biện pháp này sẽ giúp đa dạng hóa các hình thức liên kết.
Tỉnh cần khuyến kích và tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế tham gia xây dựng, kinh doanh khai thác và quản lý chợ đầu mối thủy sản. Đồng thời, phát triển mạng lưới bán buôn, bán lẻ, chợ đầu mối thủy sản. Việc xây dựng hệ thống các chợ đầu mối thủy sản tỉnh nên gắn với việc thực hiện hình thức đấu giá vì không chỉ ngoài chức năng liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ mà còn tạo nên một hệ thống thông tin công khai mà mọi người có thể tham gia đồng thời qua đó tăng cường hiệu lực quản lý của Nhà nước như số lượng, kích cỡ, cấp độ và thực thi các pháp luật liên quan, giá cả được thống nhất. Giảm các khâu trung gian, tạo đường đi ngắn nhất cho thủy sản từ nuôi trồng và đánh bắt tới nơi chế biến. Đây cũng là cách tốt nhất để xóa bỏ việc sử dụng chất kháng sinh để bảo quản, đảm bảo được chất lượng nguyên liệu. Mở rộng cơ hội lựa chọn cho người mua, người bán và tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia.
Thứ ba, Tổ chức lại sản xuất theo mô hình liên kết nhằm gắn kết các chủ thể.
Phát triển đa dạng các hình thức liên kết từ các câu lạc bộ sản phẩm đến hội, hiệp hội, các liên hiệp sản xuất bao gồm các chủ doanh nghiệp khai thác, các DNCB, các hợp tác xã, các tổ đội, các hộ, chủ nậu vựa… Liên kết có thể được hình thành theo hai kiểu: liên kết dọc và liên kết ngang. Trong thời gian tới một mặt trên cơ sở tiếp tục hoàn thiện nội dung và các hình thức liên kết tổ, đội, nhóm cộng đồng trong nuôi trồng, khai thác tiến đến hình thành các liên kết ở mức độ cao hơn là hợp tác xã, liên minh các hợp tác xã nhằm tập trung các nguồn vốn, tạo khối lượng hàng hóa và dịch vụ lớn, tăng sức cạnh tranh. Mặt khác phát triển các mô hình liên kết dọc theo chuỗi giá trị sản xuất trong đó DNCB đóng vai trò chủ đạo.
Nội dung liên kết cũng đa dạng như: Cùng thực hiện các tiêu chuẩn sản xuất, các hệ thống quản lý chung như HACCP, GAP, MSC…Cùng cam kết thực hiện các quy chế chung của tổ chức cộng đồng đưa ra. Cùng xây dựng thương hiện chung và thực hiện các chương trình phát triển thị trường, quảng bá thương hiệu chung. Khi tổ chức cộng đồng đạt tới trình độ cao của sự liên kết thì sẽ có nhu cầu có tài sản chung để phục vụ cho cả cộng đồng.
Quan hệ gắn kết của các tổ chức cộng đồng không chỉ dựa trên sở hữu tài sản vật chất mà cần phải dựa trên các giá trị “mềm” của chung mà cộng đồng cùng nhau xây dựng như việc được chứng nhận thực hiện các tiêu chuẩn sản phẩm, việc cùng thực hiện các qui tắc chung (điều lệ, qui định), các tiến bộ chung về kỹ thuật mà cộng đồng đạt được, các thông tin chung, các số liệu thống kê mà cộng đồng cùng chia sẻ, các chiến lược, kế hoạch chung và trên cơ sở đó thương hiệu chung, uy tín của sản phẩm được công nhận. Việc xây dựng các giá trị “mềm” tại các tổ chức cộng đồng là phù hợp và cần thiết trong điều kiện hội nhập với thế giới.
Trong cơ chế thị trường, mọi quan hệ liên kết kinh tế đều được thể chế hóa bằng pháp luật mà các điều lệ, qui chế, tiêu chuẩn, qui trình là nội dung chủ yếu. Ở bên trong các liên kết theo chuỗi là các liên kết đơn lẻ trên cơ sở hợp đồng, các hợp đồng kinh tế không được vi phạm các qui định chung của tổ chức liên kết. Sự liên kết các chủ thể kinh tế chỉ thực sự chặt chẽ khi dựa trên cơ sở có tính chất pháp lý để ràng buộc trách nhiệm và nghĩa vụ các bên tham gia, mặt khác để có căn cứ cho cơ quan pháp luật xử lý những tranh chấp giữa các bên. Nếu sự liên kết mà không được xây dựng dựa trên căn cứ pháp luật và không được pháp luật bảo hộ sẽ không phân xử rõ được trách nhiệm cũng như quyền hạn và cuối cùng sự thua thiệt thường nằm về phía người nông dân.
Thứ tư, Tổ chức lại hệ thống nậu, vựa nhằm phát huy vai trò cầu nối liên kết kinh tế giữa DNCB với nông dân.
Phương hướng lâu dài để phát triển một ngành thủy sản bền vững là tỉnh phải xây dựng các chợ đầu mối thủy sản, các trung tâm thủy sản để tập trung tất cả các hoạt động giao dịch mua bán vào các chợ đầu mối thủy sản và tổ chức mô hình liên kết dọc. Tuy nhiên ngành thủy sản hiện nay vẫn phổ biến sản xuất nhỏ, phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên thì hệ thống nậu vựa vẫn là một lực lượng quan trọng trong việc thu mua.Vấn đề đặt ra cần tổ chức quản lý đội ngũ này sao cho hoạt động có hiệu quả hơn. Cụ thể:
- Cần tăng cường vai trò quản lý của các cơ quan chức năng trung ương và địa phương đối với lực lượng này bằng cách rà soát lại và tiến hành bắt buộc các chủ nậu vựa đều phải thực hiện các điều kiện kinh doanh và đăng ký kinh doanh theo đúng pháp luật. Tiến tới việc phần lớn các chủ nậu vựa phải vào kinh doanh tại các chợ cá tập trung.
- Tỉnh phải cần mạnh tay hơn, có biện pháp chế tài thật mạnh đối với những chủ nậu vựa có những hành vi gian lận trong thương mại. Ngoài mức cảnh cáo, giáo dục, phạt hành chính còn phải đề ra biện pháp nặng hơn là rút giấy phép hoạt động và thậm chí khởi tố hình sự nếu lỗi vi phạm rất nghiêm trọng.
- Nhà nước phải có những biện pháp cụ thể để ràng buộc các đầu mối thu mua, không để họ ghim giá gây thiệt thòi cho nông dân. UBND tỉnh phải phối hợp với Ban quản lý thị trường kiểm tra chặt chẽ thị trường nguyên liệu trong tỉnh, ngăn chặn kịp thời tình trạng đầu cơ, lũng đoạn giá cả của các chủ nậu vựa.
- Cần có chính sách khuyến khích các chủ nậu vựa nên ký hợp đồng dài hạn hoặc trung hạn với các DNCB để trở thành đối tác ký kết lâu dài và ổn định của các DNCB trong việc tiêu thụ hoặc ký kết hợp đồng với các tổ hợp tác, nhóm hợp tác nuôi trồng, khai thác để trở thành mạng lưới đại lý ổn định và lâu dài.
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến các nậu vựa, các cơ sở thu gom và nâng cao ý thức của chủ nậu vựa về tác hại nghiêm trọng của việc sử dụng các loại hóa chất, kháng sinh cấm. Đa dạng hóa các hình thức chuyển tải thông tin, tuyên truyền và phổ biến về công nghệ bảo quản thủy sản, thực hiện các biện pháp bảo đảm VSATTP.
(Trường Đại học Quy Nhơn) |