Đầm Đề Gi rộng khoảng 2.000 ha, nằm trên địa bàn 6 xã của 2 huyện Phù Cát và Phù Mỹ, là “vườn ươm” các giống loài thủy sản quý. Nhiều năm qua, tuy công tác quản lý, bảo vệ nguồn lợi thủy sản (NLTS) đầm Đề Gi được ngành chức năng và địa phương quan tâm thực hiện, song NLTS trong đầm vẫn bị khai thác “vô tội vạ”.
|
Ghe hành nghề xung điện, xiếc máy ngang nhiên hoạt động, hủy diệt nguồn lợi thủy sản đầm Đề Gi. Ảnh: T.SĨ
|
Trong những năm qua, NLTS ở đầm Đề Gi được khai thác liên tục, mùa nào bắt thứ ấy, từ vùng bãi triều đến các vùng nước ven bờ, ngoài khơi. Đầu năm, từ tháng Giêng đến tháng 3 Âm lịch, bắt cua biển giống; tháng 4 đến tháng 8 bắt cá chua giống, nghêu giống; tháng 8 đến tháng 11 thì vớt cá mú giống... không để cho NLTS kịp phục hồi. Rồi bằng các phương tiện xung điện, xiếc máy (XĐXM) khai thác ngày lẫn đêm, bắt bất kỳ giống loài thủy sản nào. Vũng bãi triều của đầm với những hàng cây đước, cây mắm chắn sóng, chắn gió cũng bị “băm nát” bởi những người đào bắt trùn biển.
Ban ngày, khi nước lớn, người ta bắt cá chua giống, cá mú giống. Ban đêm, hàng chục ghe XĐXM cày xới ngoài khơi. Ở ven bờ, hàng trăm chiếc sõng xung điện tha hồ kéo. Cứ canh nước rút lộ bãi thì hàng trăm người ùa xuống cào, đẩy, bắt… theo kiểu “tận thu”, hủy diệt NLTS. Năm nào cũng vậy, mỗi khi nghêu, sò huyết xuất hiện là bị khai thác đến cạn kiệt. Chính quyền địa phương có nhắc nhở bảo vệ nguồn tài nguyên vô giá này thì ngư dân trả lời gọn một câu: “Chúng tôi đi bắt nghêu ở biển chứ bắt nghêu của xã đâu!”. Cứ như thế, đến nay chưa có cơ quan chức năng nào quản lý hiệu quả vùng bãi triều đầm Đề Gi.
Theo ông Nguyễn Thanh Tri, Chủ tịch UBND xã Cát Khánh: Làm kinh tế biển đâu chỉ ở ngoài khơi và trên bờ, vùng đất bãi bồi là vô giá. Phải mở nhiều dự án nuôi những con giống có sẵn ở đầm này, để tái tạo, phục hồi NLTS của đầm, để tạo nghề nuôi sống người dân; không để họ mãi khai thác NLTS theo kiểu hủy diệt được”.
Thực ra, việc khoanh nuôi nghêu, sò ven đầm Đề Gi là chuyện đã bàn cách đây 5 năm, nhưng đến nay hầu như bế tắc. Ban đầu triển khai trên vùng đầm này khoảng 1 ha, bà con tham gia được Nhà nước hỗ trợ 100% con giống và được hướng dẫn kỹ thuật nuôi. Tuy mô hình này thành công, nhưng sau đó không nhân rộng ra được. Theo ông Lê Đình Phong - người trực tiếp tham gia mô hình: Không tiếp tục được do thiếu con giống, bởi giống sò huyết tự nhiên ngày càng cạn kiệt vì khai thác quá mức. Mặt khác, trong thời gian nuôi, do ghe XĐXM cày xới đáy đầm liên tục nên ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của sò.
Xây dựng và nhân rộng các mô hình nuôi trồng thủy sản ở đầm Đề Gi là rất cần thiết, để giúp người dân ven đầm chuyển nghề, không khai thác thủy sản theo kiểu tận diệt. Vừa qua, Chi cục Khai thác và bảo vệ NLTS tỉnh đã xây dựng mô hình quản lý 2 bãi giống ở cồn Xà Lảng và cồn Ghẹ trên đầm Đề Gi, nhằm bảo tồn nguồn giống thủy sản và giảm thiểu việc khai thác hủy diệt trong khu vực đầm, với sự tham gia của cộng đồng. Song, như thế là chưa đủ, cần có những giải pháp căn cơ và lâu dài để quản lý, bảo vệ NLTS đầm Đề Gi có hiệu quả, chứ không thể buông lỏng như lâu nay.
|