Đến thời điểm này, niên vụ nuôi tôm năm 2012 của ngư dân trong tỉnh đã cơ bản khép lại với diện tích mặt nước nuôi tôm cả năm thực hiện được 2.476 ha. Nhờ triển khai thực hiện chặt chẽ các quy trình kỹ thuật nuôi tôm nên đã hạn chế tình trạng dịch bệnh tôm nuôi, năng suất tôm đạt khá cao so với mọi năm.
|
Người nuôi tôm ở xã Phước Thuận (Tuy Phước) thu hoạch tôm nuôi.
|
Dịch bệnh giảm, năng suất tăng
Bước vào niên vụ nuôi tôm năm 2012, do thời tiết diễn biến bất lợi, chất lượng môi trường nước có nơi bị ô nhiễm, nguồn tôm giống chưa đảm bảo chất lượng, cơ sở hạ tầng nhiều vùng nuôi yếu kém… đã ảnh hưởng đến tình hình nuôi tôm trong tỉnh.
Hiện tượng tôm nuôi bị dịch bệnh xảy ra rải rác ở hầu hết các địa phương, trên diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng theo phương thức thâm canh, bán thâm canh; giá tôm thương phẩm thấp, trong khi chi phí thức ăn tăng cao. Tuy nhiên, được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát, kịp thời của UBND tỉnh, ngành Nông nghiệp tỉnh, người nuôi tôm tại các địa phương đã nỗ lực khắc phục khó khăn, tập trung triển khai sản xuất, mang lại kết quả rất khả quan.
Ông Võ Đình Tâm, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh, cho biết: Trong năm nay, toàn tỉnh đã có 2.476 ha mặt nước tại các địa phương như Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Phù Cát, Tuy Phước và TP Quy Nhơn được đưa vào nuôi tôm. Đến nay đã cơ bản thu hoạch xong diện tích nuôi tôm cả 2 vụ trong năm với sản lượng tôm đạt 4.517 tấn, gồm: vụ 1 đạt 3.748 tấn, vụ 2 là 769 tấn. Trong đó, sản lượng tôm chân trắng đạt 4.134 tấn, chiếm 91,5% tổng sản lượng; tôm sú đạt 383 tấn. Một số vùng nuôi tôm thẻ chân trắng ven biển Phù Mỹ, Hoài Nhơn đạt năng suất từ 9 - 11 tấn/ha/vụ, mang lại hiệu quả cao cho người nuôi tôm.
Điều đáng ghi nhận là tình trạng dịch bệnh tôm nuôi đã được khống chế có hiệu quả, diện tích bị dịch bệnh thấp hơn so với các vụ nuôi trước, công tác khống chế dịch bệnh đạt kết quả tốt. Theo thống kê của ngành chức năng, tính chung cả 2 vụ, diện tích tôm nuôi bị dịch bệnh là 165 ha, chiếm 6,7% diện tích nuôi cả năm. Trong 165 ha tôm nuôi bị nhiễm bệnh, có 36 ha bị bệnh thân đỏ đốm trắng; 128 ha bị bệnh do môi trường ô nhiễm. Huyện Tuy Phước có diện tích tôm bị bệnh 76,9 ha, Hoài Nhơn 71,6 ha, Phù Mỹ 12,8 ha, Phù Cát 4 ha. Một số vùng nuôi tôm trước đây thường xuyên bị dịch bệnh tấn công như Phước Hòa, Phước Sơn (Tuy Phước), Mỹ Chánh, Mỹ Thành (Phù Mỹ), Hoài Hải, Hoài Mỹ (Hoài Nhơn)... thì trong niên vụ vừa qua cũng đã giảm đáng kể.
Trong vụ 2, toàn tỉnh nuôi 433 ha tôm thẻ chân trắng và một số diện tích nuôi tôm sú xen canh với các loài thủy sản khác như: cua, cá dìa, cá chua, cá rô phi đơn tính… Đến thời điểm này đã thu hoạch được 329 ha/433 ha, sản lượng đạt trên 769 tấn tôm; hiện bà con đang khẩn trương thu hoạch để tránh thiệt hại do mùa mưa lũ đang đến.
Tính cộng đồng được nâng cao
Theo ngành chức năng và bà con nuôi tôm, nguyên nhân làm cho dịch bệnh tôm năm nay giảm thấp là nhờ người nuôi tôm đã tuân thủ đúng các giải pháp kỹ thuật và lịch thời vụ thả tôm giống mà ngành Nông nghiệp đã ban hành và khuyến cáo. Bên cạnh đó, Chi cục Nuôi trồng thủy sản đã thực hiện thường xuyên, đúng định kỳ việc quan trắc chất lượng môi trường nước tại các địa điểm nuôi tôm nước lợ, nước mặn trên địa bàn toàn tỉnh. Từ những kết quả quan trắc, Chi cục đã kịp thời đưa ra cảnh báo, đề xuất, khuyến cáo các giải pháp kỹ thuật đến người nuôi tôm, hướng dẫn các biện pháp chăm sóc ao tôm đúng quy trình.
Ngành chức năng cũng đã thường xuyên tổ chức tập huấn, hướng dẫn thời điểm thả tôm thuận lợi để tránh bị thiệt hại do thời tiết, dịch bệnh gây ra; đồng thời tăng cường công tác kiểm dịch tôm giống trước khi thả nuôi, đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng, hệ thống kênh mương thủy lợi tại các vùng nuôi tôm, nhằm đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật nuôi tôm. Công tác khuyến ngư cũng được quan tâm đúng mức. Hàng năm, các mô hình trình diễn nuôi tôm theo hướng thân thiện với môi trường được ngành chức năng xây dựng tại một số địa phương thường xuyên xảy ra dịch bệnh tôm nuôi, làm điểm trình diễn để người dân tham quan, học tập, nâng cao trình độ nuôi tôm.
Bên cạnh các giải pháp trên, một nguyên nhân quan trọng làm cho việc nuôi tôm năm nay thành công là nhờ tính cộng đồng trách nhiệm trong nuôi tôm được thực hiện có hiệu quả. Tại các vùng nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh như vùng nuôi tôm trên cát ở các xã khu Đông Phù Mỹ, Hoài Nhơn, Tuy Phước, ngành chức năng đã vận động người nuôi tôm xây dựng quy chế nuôi tôm rất cụ thể và có chế tài bắt buộc bà con phải thực hiện nghiêm chỉnh. Các hộ nuôi tôm phải thực hiện đúng lịch thời vụ; ngay từ đầu vụ nuôi, ao đìa phải được cải tạo, diệt khuẩn kỹ lưỡng; con giống thả nuôi phải được kiểm tra kỹ mầm bệnh; trong quá trình nuôi nếu phát hiện có dịch bệnh xảy ra, phải tổ chức dập dịch ngay, không được xả nước thải bừa bãi ra các khu vực xung quanh làm lây lan dịch bệnh.
Niên vụ nuôi tôm năm nay đã sắp khép lại, song có thể khẳng định rằng người nuôi tôm trong tỉnh đã có một mùa vụ thành công. Hy vọng rằng với những đánh giá của ngành chức năng đã nêu ở phần trên, sẽ là những kinh nghiệm, bài học quý cho người nuôi tôm các niên vụ nuôi tôm tiếp theo.
|