|
Tăng cường hệ thống rừng ngập mặn - một trong những giải pháp để Quy Nhơn thích ứng với BĐKH.
- Trong ảnh: Trồng rừng ngập mặn ở đầm Thị Nại. |
Dự án “Nghiên cứu tác động của ngập lụt đến quy hoạch đô thị phường Nhơn Bình - Quy Nhơn trong bối cảnh biến đổi khí hậu” (BĐKH) là đề tài nhằm tìm ra những giải pháp để Quy Nhơn thích ứng với BĐKH trong tương lai. Qua hơn 1 năm triển khai, dự án đã đạt được những kết quả bước đầu.
Những nguy cơ tiềm ẩn
Dự án thuộc Chương trình “Mạng lưới các thành phố ở châu Á có khả năng chống chịu với BĐKH”, do Văn phòng Điều phối BĐKH Bình Định phối hợp với Viện Nghiên cứu chuyển đổi xã hội và môi trường (ISET), Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam (SIWRR) thực hiện từ năm 2011.
Theo tiến sĩ (TS) Michael DiGregorio, chuyên gia tư vấn quy hoạch vùng và đô thị thuộc ISET, nhóm nghiên cứu đã triển khai đề tài “Phân tích ở cấp cơ sở về nguyên nhân và tác động của trận bão số 11.2009 (còn gọi là bão Mirinae)”. Đây là cơn lũ lớn và bất thường nhất trong vòng 40 năm qua xảy ra ở Bình Định, để lại hậu quả khá nặng nề. Nguyên nhân: Lượng mưa lớn, lũ về nhanh, bất ngờ, thiếu sự cảnh báo, hệ thống thoát lũ hạn chế, cửa thoát lũ hẹp; các công trình đê, kè không có sự phối hợp với nhau; việc nâng cốt hệ thống đường giao thông, các cầu mới không đủ khẩu độ thoát nước và các công trình được xây dựng trong vùng thoát lũ, một số công trình đô thị còn xây dựng ngay tại cửa thoát lũ, nên ngăn chặn dòng chảy, hoặc làm giảm yếu tố thoát nước.
TP Quy Nhơn còn phải đối diện với nguy cơ BĐKH và nước biển dâng trong tương lai. Theo kịch bản BĐKH của Viện Khí tượng - Thủy văn và Môi trường Việt Nam, đến năm 2020, nhiệt độ bình quân hàng tháng ở Quy Nhơn sẽ tăng khoảng 0,30C; năm 2050 sẽ tăng lên 1,50C. Đến năm 2050, dự báo lượng nước mưa ở Quy Nhơn trong mùa khô (từ tháng 3 đến tháng 5) sẽ giảm 0,74%; trong mùa mưa bão (tháng 9 đến tháng 12) sẽ tăng 4,21%. Đồng thời, đến các năm 2020, 2030, 2040 và 2050, hiện tượng nước biển dâng ở Quy Nhơn tương ứng: 12, 17, 23 và 30 cm.
Theo nhóm nghiên cứu của Thạc sĩ Tô Quang Toản, chuyên gia của Viện SIWRR: Với kịch bản nước biển dâng năm 2050, ứng với mực nước biển dâng 26cm, nếu gặp lũ lớn như năm 2009 thì mực nước tại cầu Diêu Trì có thể lên tới 8,17m; cầu Sông Ngang là 6,85m và tại đập Cây Dừa là 4,48m…
Đề xuất các giải pháp
Về giải pháp cho Quy Nhơn trong tương lai, nhóm nghiên cứu của TS Michael DiGregorio đề xuất: Cần cải tiến hệ thống cảnh báo và ứng phó thảm họa; cải thiện việc thoát nước trong hệ thống hạ lưu sông Hà Thanh; hạn chế việc phát triển các khu dân cư, khu công nghiệp và hạ tầng mới trong vùng bãi ngập của sông Hà Thanh (có thể chuyển dịch những phát triển mới đến những vùng nội địa an toàn hơn hoặc trên bán đảo Phương Mai); di dời dân ở những vùng bị tác động đặc biệt nghiêm trọng đến những nơi an toàn; có đủ khả năng tiêu thoát nước ở dưới và trên các đường mới trong vùng bãi ngập; sẵn sàng rút khỏi bờ đầm Thị Nại khi tác động của BĐKH trở nên tồi tệ hơn.
Nhóm nghiên cứu cũng đề nghị bảo vệ những đường thoát lũ; mở rộng các cây cầu hiện có hoặc xây dựng các cây cầu mới dọc những con đường hiện có; giữ gìn các kênh dẫn đến đập tràn số 2 và số 3; dỡ bỏ những tòa nhà lấn vào sông chợ Dinh; lắp đặt thiết bị tự động cảnh báo lũ trên hệ thống sông Hà Thanh và sông Côn; cung cấp thông tin và cảnh báo kịp thời cho đội ứng phó cộng đồng, cơ quan truyền thông, viễn thông. Cần nghiêm túc xem xét vấn đề ngập lụt trong quá trình lập, thẩm định, phê duyệt và chỉnh sửa các quy hoạch phát triển đô thị.
Đồng tình với quan điểm trên, nhóm nghiên cứu của thạc sĩ Tô Quang Toản đề xuất: Trong công tác quy hoạch xây dựng Quy Nhơn, cao trình nền phải đảm bảo vượt lũ, khả năng cấp nước, tiêu nước có xét đến BĐKH và nước biển dâng; đảm bảo hành lang thoát lũ, hạn chế lũ ảnh hưởng đến các vùng phụ cận. Kết hợp quy hoạch phát triển các đô thị sinh thái phù hợp với điều kiện ngập lụt; hạn chế mất đi diện tích trữ lũ, điều tiết lũ. Kết cấu công trình, nhà cửa, các công trình ngầm đáp ứng các điều kiện BĐKH. Hoàn thiện hệ thống đê bao chống lũ triệt để và hành lang thoát lũ; nâng cấp dần hệ thống đê bao hiện hữu, các cửa xả lũ để thích ứng với BĐKH. Ngoài ra, hệ thống tiêu thoát nước mưa cần tính đến sự gia tăng cường độ mưa do BĐKH; có giải pháp điều tiết nước giữa các mùa bằng các hồ chứa.
|