Từ cuối tháng 9 đến nay, tại một số địa phương của huyện Tuy Phước đã xảy ra dịch bệnh trên đàn heo, gây tâm lý lo lắng cho bà con chăn nuôi. Trước tình hình trên, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng NN-PTNT huyện phối hợp chặt chẽ với Trạm Thú y triển khai các biện pháp bao vây, khống chế, dập tắt các ổ dịch bệnh…
Khoảng từ cuối tháng 9 đến nay, đàn heo của nhiều hộ gia đình ở xã Phước Hòa, Phước Sơn (huyện Tuy Phước) bị mắc bệnh và lây lan rất nhanh. Bà Phan Thị Thủy, một hộ chăn nuôi heo ở thôn Xuân Phương, xã Phước Sơn, cho biết: “Gia đình tôi nuôi 3 heo nái và 35 heo lứa. Dịch bệnh xảy ra đã làm chết 31 con heo lứa, bây giờ, trong chuồng chỉ còn lại 3 heo nái và 4 heo lứa vừa được điều trị khỏi”.
|
Đàn heo 38 con của bà Phan Thị Thủy ở Phước Sơn bị dịch bệnh chết, chỉ còn 4 con heo lứa và 3 con heo nái. |
Ông Lê Bá Tuấn, một hộ chăn nuôi ở xóm 6, thôn Xuân Phương, xã Phước Sơn, cho biết thêm: “Dịch bệnh trên đàn heo lây lan rất nhanh, sau khi xuất hiện ổ dịch đầu tiên vào cuối tháng 9 đã nhanh chóng lây lan ra đàn heo của tất cả các thôn trong xã. Hiện nay, gia đình tôi vẫn còn 1 con heo nái bị bệnh, bỏ ăn, gia đình đã thông báo cho lực lượng thú y đến khám và điều trị thuốc theo phác đồ của Chi cục Thú y nhưng chưa thấy chuyển biến”.
Theo ông Nguyễn Văn Tám, Trưởng thôn Xuân Phương, nguyên nhân làm cho dịch bệnh trên đàn heo lây lan nhanh là do nhiều hộ chăn nuôi chưa có ý thức cao trong việc phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc. Khi thấy đàn heo mắc bệnh, bỏ ăn, bà con đã vội vàng bán đổ, bán tháo cho thương lái hoặc vứt xác heo chết bừa bãi ra môi trường xung quanh làm cho dịch bệnh càng thêm lây lan nhanh. Từ cuối tháng 9 đến nay, giá heo hơi, heo giống trên địa bàn xã hạ xuống rất thấp, nhiều thương lái nhân cơ hội này đã chèn ép, hạ giá mua heo…
Nguyên nhân làm cho dịch bệnh trên đàn heo lây lan nhanh là do nhiều hộ chăn nuôi chưa có ý thức cao trong việc phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc. Khi thấy đàn heo mắc bệnh, bỏ ăn, bà con đã vội vàng bán đổ, bán tháo cho thương lái hoặc vứt xác heo chết bừa bãi ra môi trường xung quanh làm cho dịch bệnh càng thêm lây lan nhanh |
Theo báo cáo nhanh của Trạm Thú y huyện Tuy Phước, đến thời điểm này, dịch bệnh đã bùng phát trên đàn heo của 18 thôn thuộc 2 xã Phước Hòa và Phước Sơn. Tại xã Phước Hòa, ổ dịch heo đầu tiên phát ra tại một hộ chăn nuôi ở thôn Tùng Giản, sau đó, nhanh chóng lây lan ra đàn heo của 8/10 thôn của xã. Theo thống kê, số hộ chăn nuôi có heo bị mắc bệnh là 64 hộ với 688 con, trong đó, đã có 72 con chết, số còn lại đang được lực lượng thú y xã, thôn tiêm thuốc chữa trị theo phác đồ của ngành chức năng.
Trên địa bàn xã Phước Sơn, dịch bệnh bắt đầu phát ra tại thôn Xuân Phương, lây lan ra đàn heo của 10/10 thôn trên địa bàn xã. Số lượng đàn heo bị mắc bệnh là 520 con, trong đó đã có 9 con chết. Qua theo dõi đàn heo bị mắc bệnh, các triệu chứng thường gặp trên đàn heo khi phát bệnh gồm: sốt cao, bỏ ăn, chân sau bị cúm, phù nề ở đầu; đáng chú ý là đàn heo con khi phát bệnh và chết rất nhanh. Hiện nay, lực lượng thú y đã lấy mẫu bệnh phẩm gửi ra Trung tâm Thú y vùng tại Đà Nẵng để làm xét nghiệm xác định bệnh, đồng thời, triển khai các biện pháp phòng chống dịch quyết liệt, khống chế dịch bệnh.
Trước tình hình dịch bệnh trên đàn heo diễn biến phức tạp, từ đầu tháng 10 đến nay, UBND huyện Tuy Phước đã tăng cường các biện pháp bao vây, khống chế dịch bệnh, vận động người chăn nuôi tiến hành dọn dẹp chuồng trại, tiêu độc khử trùng… Đồng thời, ngành chức năng cũng đã triển khai công tác tiêm phòng vắc xin “tai xanh” đối với đàn heo tại 2 xã Phước Hòa, Phước Sơn.
Ông Nguyễn Bay, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Tuy Phước, cho biết: Ngay sau khi nhận được thông tin về dịch bệnh trên đàn heo, UBND huyện đã chỉ đạo cho Phòng NN-PTNT phối hợp với lực lượng thú y thành lập các tổ công tác phòng chống dịch bám sát địa bàn 2 xã Phước Hòa và Phước Sơn. Các tổ công tác đã cùng với chính quyền địa phương giám sát chặt chẽ diễn biến tình hình dịch bệnh, hướng dẫn người chăn nuôi cách chăm sóc, nuôi dưỡng, không bán tháo đàn heo mắc bệnh để tránh lây lan ra các địa phương chung quanh. Bên cạnh đó, từ nguồn vắc xin hỗ trợ của tỉnh, lực lượng thú y đã triển khai nhanh công tác tiêm phòng bệnh “tai xanh” đối với đàn heo tại địa phương. Lực lượng thú y đã thường xuyên tổ chức phun thuốc tiêu độc, sát trùng chuồng trại; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch. Tăng cường công tác quản lý việc mua bán, vận chuyển, giết mổ gia súc tại địa phương nhằm nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh…
|