Chương trình xây dựng “Cánh đồng mẫu lớn” (CĐML) của Bộ NN-PTNT là cụ thể hóa chủ trương xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm; là một giải pháp quan trọng, lâu dài, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa hiệu quả và bền vững.
|
Xây dựng mô hình CĐML góp phần nâng cao năng lực cho nông dân, để bà con chủ động tiếp nhận tiến bộ KHKT.
|
Một số điển hình CĐML
Mô hình “Cùng nông dân ra đồng” đầu tiên được xây dựng tại xã Nhơn Lộc, thị xã An Nhơn trong vụ Đông Xuân (ĐX) 2009-2010, diện tích 16,3 ha, có 120 nông hộ tham gia; do Công ty CP BVTV An Giang cùng Sở NN-PTNT, UBND thị xã An Nhơn, xã Nhơn Lộc phối hợp triển khai. Kết quả, năng suất lúa bình quân đạt 80 - 90 tạ/ha, có tới 40% số hộ đạt 100 tạ/ha; hiệu quả sản xuất tăng gần 200 ngàn đồng/sào. Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Bùi Bá Bổng, mô hình này không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế mà còn tạo môi trường sản xuất bền vững.
Mô hình “Cánh đồng mẫu” gắn với Hội thi máy gặt đập liên hợp các tỉnh phía Nam năm 2011 thực hiện ở HTXNN 2 Phước Sơn, huyện Tuy Phước, quy mô 50 ha, 264 nông hộ tham gia. Công ty CP Phân bón Bình Điền cho vay phân bón không tính lãi. Kết quả, năng suất lúa bình quân 75 tạ/ha/vụ, một số hộ đạt 90 tạ/ha, cây lúa không bị đổ ngã, thuận lợi cho việc thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp; lợi nhuận tăng trên 300 ngàn đồng/sào (trên 45%).
Mô hình CĐML triển khai ở xã Phước Hưng, huyện Tuy Phước trong vụ ĐX 2011-2012, bằng giống lúa BC15, quy mô 50 ha, năng suất bình quân trên 75 tạ/ha, lợi nhuận tăng trên 400 ngàn đồng/sào. Mô hình có sự phối hợp của Công ty Hóa nông Hợp Trí và Tổng Công ty Giống cây trồng Thái Bình bao tiêu toàn bộ sản phẩm cao hơn giá thị trường 20%. Mô hình này vừa đáp ứng tiêu chí của CĐML về quy mô diện tích, mức độ đồng đều về đầu tư thâm canh, áp dụng tiến bộ KHKT, đảm bảo bao tiêu đầu ra, lợi nhuận đem lại cho nông dân khá cao.
Mô hình CĐML thực hiện ở vụ Thu năm 2012 tại xã Ân Tường Tây, huyện Hoài Ân, bằng giống lúa lai Nhị ưu 838, quy mô 50 ha, có sự tham gia của Công ty Hóa nông Hợp Trí; đạt năng suất 74,8 tạ/ha, cao hơn 4,2 tạ/ha so với đối chứng; chi phí đầu vào giảm 1,7 triệu đồng/ha (nhờ giảm 20% lượng phân bón ở 2 đợt và giảm được lượng thuốc bảo vệ thực vật); lãi ròng cao hơn ruộng ngoài mô hình trên 4 triệu đồng/ha, giá thành sản xuất 1 kg lúa là 3.074 đồng, thấp hơn 424 đồng/kg so với ruộng ngoài mô hình.
Mô hình CĐML thực hiện ở vụ Thu 2012 tại HTXNN Hòa Sơn, xã Bình Tường, huyện Tây Sơn, bằng giống lúa lai, 230 hộ nông dân tham gia, quy mô 20 ha, có sự tham gia của Công ty CP Phân bón và hóa chất dầu khí Miền Trung; năng suất bình quân 75,6 tạ/ha, cao hơn đối chứng 5,4 tạ/ha, lợi nhuận 178 ngàn đồng/sào.
Hiệu quả nhiều mặt
Qua xây dựng các mô hình CĐML ở một số địa phương trong tỉnh, bên cạnh hiệu quả kinh tế cao, còn đem lại hiệu quả xã hội: Mối liên kết giữa 4 nhà (Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông) chặt chẽ hơn, nhất là liên kết các doanh nghiệp có tâm huyết với việc sản xuất nông nghiệp và hỗ trợ nông dân chủ động sản xuất có hiệu quả, góp phần tăng cường củng cố hệ thống HTXNN; qua đó nâng cao nhận thức và niềm tin của nông dân trong việc áp dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất.
Xây dựng mô hình CĐML góp phần nâng cao năng lực cho nông dân, để bà con chủ động tiếp nhận tiến bộ KHKT, có ý thức thường xuyên thăm đồng, kiểm tra đồng ruộng phát hiện sâu bệnh, trao đổi với cán bộ kỹ thuật để được tư vấn xử lý kịp thời các vấn đề đang phát sinh. Thông qua xây dựng mô hình tạo cầu nối giữa khoa học với thực tiễn sản xuất, đào tạo được những nông dân chủ chốt làm hạt nhân chuyển giao tiến bộ KHKT cho nhiều nông dân học tập làm theo, tạo điều kiện cho cộng đồng dân cư ở nông thôn phát triển bền vững…
(Sở NN-PTNT) |