Khoảng 2 năm trở lại đây, các doanh nghiệp xây dựng (DNXD) trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn, không ít đơn vị không có việc làm, phải tạm ngừng hoạt động. Tuy nhiên, trong tình hình như vậy, vẫn có những DNXD đã nỗ lực vượt khó, có hướng đi thích hợp, chờ cơ hội phát triển.
|
Thi công đổ bê tông mặt cầu trên một tuyến đường liên xã ở thị xã An Nhơn.
|
Công trình ít, nợ nần nhiều
Thời gian qua, các DNXD trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn do Chính phủ cắt giảm đầu tư công cùng với việc chưa khởi công các công trình, dự án mới sử dụng vốn ngân sách nhà nước... Bên cạnh đó, tình hình kinh tế khó khăn, chủ đầu tư các công trình cạn kiệt vốn để triển khai dự án, kể cả những dự án đang thi công dở dang. Hàng loạt công trình nhà xưởng, công nghiệp, dự án căn hộ… hoặc ngưng hẳn, hoặc chỉ thi công cầm chừng, nên nhiều DNXD không có việc làm.
Ông Trần Kim Trọng, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Vĩnh Phong (thị xã An Nhơn), cho biết: “Mấy năm trước, những tháng này các DNXD nói chung và DN của tôi nói riêng làm không hết việc. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, DN của tôi chỉ đấu thầu được một vài công trình nhỏ. Công trình ít, trong khi các DNXD đều rơi vào áp lực phải duy trì việc làm cho công nhân, nên có sự cạnh tranh khá gay gắt trong đấu thầu. Điều này đã dẫn đến giá bỏ thầu của một số công trình rất thấp, DN làm không có lãi”.
Ngoài khó khăn về công trình, việc nợ nần, chậm thanh toán của các chủ đầu tư kéo dài từ những năm trước đã khiến không ít DNXD càng thêm khó. Đại diện một DNXD ở TP Quy Nhơn, đề nghị không nêu tên, tâm sự: “DN chúng tôi thi công hoàn thành một số công trình có nguồn vốn từ ngân sách tỉnh, trong số đó có công trình ghi vốn từ các năm 2010-2011 nhưng đến nay vẫn chưa được thanh toán, với tổng số nợ lên đến trên 10 tỉ đồng. Do vậy, thời gian qua DN chúng tôi hoạt động chủ yếu phụ thuộc vào nguồn vốn vay ngân hàng, nhưng với lãi suất cao và khó tiếp cận được vốn vay, đã đẩy DN chúng tôi đến chỗ thiếu vốn hoạt động”.
Ông Bùi Tấn Lực, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Bình Định, cho biết: “Chưa bao giờ DNXD lại phải trải qua những thử thách ở cường độ cao và trên diện rộng như trong hai năm 2011-2012 này. Ngoài việc thiếu công trình, các DNXD còn gặp phải khó khăn do thiếu vốn hoạt động vì nợ nần của chủ đầu tư. Các DNXD phải cố gắng huy động mọi nguồn vốn để hoàn thành công trình, giảm bớt thiệt hại do bị đứt đoạn đầu tư, nhưng không phải đơn vị nào cũng có thể vượt qua. Hiện nay, số DNXD không có việc làm ước tính chiếm đến trên 40% trong tổng số khoảng 600 DNXD trên địa bàn tỉnh”.
Cần giải quyết nợ đọng trong xây dựng cơ bản
Ông Trần Viết Bảo, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, cho biết: “Khủng hoảng là dịp để sắp xếp lại “bản đồ” DNXD; và chính trong những hoàn cảnh khó khăn nhất, năng lực và uy tín của mỗi nhà thầu được bộc lộ rõ. Do vậy, DNXD nào vượt qua được giai đoạn khó khăn này thì sẽ có nhiều cơ hội để phát triển ổn định trong thời gian tới. Thực tế, trong thời gian qua, trên địa bàn tỉnh vẫn có nhiều DNXD đã nỗ lực tìm kiếm cơ hội phát triển và được nhiều chủ đầu tư giao thầu, mặc dù giá bỏ thầu của họ cao hơn các đơn vị khác. Tuy nhiên, trong điều kiện khó khăn như hiện nay, để trụ vững và duy trì được hoạt động là một thách thức không nhỏ đối với các DN nói chung và các DNXD nói riêng. Điều này đòi hỏi bản lĩnh, khả năng chèo lái của người đứng đầu DN, sự đồng lòng của cán bộ, nhân viên, người lao động trong đơn vị.
“Khủng hoảng là dịp để sắp xếp lại “bản đồ” DNXD; và chính trong những hoàn cảnh khó khăn nhất, năng lực và uy tín của mỗi nhà thầu được bộc lộ rõ ”
Ông TRẦN VIẾT BẢO - Phó Giám đốc Sở Xây dựng |
Chia sẻ vấn đề này, ông Trần Kim Trọng cho rằng: “Việc tìm kiếm để ký kết các hợp đồng xây dựng mới trong những năm gần đây rất khó. Tuy nhiên, để duy trì sự ổn định của DN, bảo đảm việc làm, thu nhập cho người lao động, chúng tôi luôn nỗ lực tìm kiếm công trình, lấy chất lượng, tiến độ công trình để khẳng định uy tín. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng lựa chọn những công trình phù hợp với khả năng về điều kiện kỹ thuật, lao động và nguồn vốn bảo đảm. Quan điểm của chúng tôi là thà chịu lỗ còn hơn mất người, bởi tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực luôn là vấn đề nan giải của các DNXD từ nhiều năm qua”.
Theo các chuyên gia, một trong những nguyên nhân cốt lõi khiến nhiều DNXD bị phá sản là do chủ đầu tư còn dây dưa trong việc thanh toán vốn. Việc này đã “chôn vốn” nhà thầu, DN phải trả lãi vay ngân hàng với lãi suất cao, nên khó càng thêm khó. Vì thế, để cứu các DNXD thoát khỏi tình trạng này, chủ đầu tư các công trình phải sớm thanh toán dứt điểm những khoản nợ đối với các công trình đã thi công hoàn thành, đã bàn giao và đưa vào sử dụng.
Để xử lý tình trạng nợ đọng kéo dài trong lĩnh vực xây dựng, ngày 10.10 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 27/CT-TTg về những giải pháp chủ yếu khắc phục tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản (XDCB) tại các địa phương. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải chủ động đánh giá, xác định hiệu quả, mức độ hoàn thiện, khả năng khai thác của từng dự án, công trình để thực hiện các giải pháp nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại đối với những công trình đầu tư dở dang do nợ đọng. Đối với những công trình thật sự có hiệu quả, mức vốn hoàn thiện không lớn thì tập trung bố trí vốn đầu tư dứt điểm để đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả. Đồng thời, phải tự cân đối các nguồn vốn để xử lý dứt điểm tình trạng nợ đọng XDCB. Hết năm 2015, phải hoàn thành xử lý nợ đọng XDCB.
Để giải quyết vấn đề này, Chính phủ đã đồng ý ứng trước 30 ngàn tỉ đồng vốn XDCB năm 2013 cho các dự án trọng điểm, cấp bách phải hoàn thành đúng tiến độ… Đây sẽ là những tín hiệu vui cho các DNXD trong thời gian tới.
|