Bà Trần Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh:
Hỗ trợ người dân phát triển kinh tế rừng, sẽ giảm phá rừng
20:17', 23/10/ 2012 (GMT+7)

Thời gian qua, tình hình phá rừng trên địa bàn tỉnh diễn ra khá nghiêm trọng. PV Báo Bình Định đã phỏng vấn bà Trần Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, xung quanh việc xử lý các vụ phá rừng đã xảy ra.

 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thu Hà kiểm tra tình hình phá rừng tại xã Dak Mang (huyện Hoài Ân) vào năm 2011.

 

* Thưa bà, thời gian gần đây, công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh ta diễn biến khá phức tạp, tại một số địa phương đã xảy ra nhiều vụ phá rừng nghiêm trọng. Trong tháng 7.2012, Báo Bình Định đã phản ánh 2 vụ phá rừng tại khu vực rừng phòng hộ đầu nguồn hồ Núi Một thuộc địa bàn huyện Vân Canh, An Nhơn và khu vực núi Hòn Chò thuộc xã Vĩnh Quang (Vĩnh Thạnh). Sau khi Báo phản ánh vụ việc, UBND tỉnh đã có ý kiến chỉ đạo các ngành chức năng và chính quyền địa phương điều tra, xử lý như thế nào?

- Về vụ phá rừng tại khu vực rừng phòng hộ hồ Núi Một mà Báo Bình Định đã phản ánh là đúng thực tế. Bản thân tôi đã đích thân đi kiểm tra tình trạng phá rừng tại khu vực rừng này. Qua kiểm tra, tại các khu vực rừng Canh Tiến, xã Canh Liên cho thấy, người ta đã phá một diện tích rừng khá lớn để tổ chức ngăn đập nước tưới lúa cho một số diện tích lúa tại địa phương. Về việc này, UBND tỉnh chỉ đạo lực lượng kiểm lâm ngăn chặn không cho người dân tiếp tục phá rừng và đã tiến hành xử lý các đối tượng vi phạm. Bên cạnh đó, tại một số khu vực rừng lân cận ở Canh Hiệp, qua kiểm tra cũng đã phát hiện có tình trạng phá rừng nham nhở, để trồng rừng mới và lấy gỗ; UBND tỉnh đã chỉ đạo cho lực lượng chức năng và chính quyền địa phương có biện pháp ngăn chặn và xử lý vi phạm.

Riêng đối với trang trại xây dựng trái phép của ông Phạm Xuân Toàn tại khu vực rừng phòng hộ hồ Núi Một là không thể chấp nhận được. Sau khi đi kiểm tra, chúng tôi đã chỉ đạo cho chính quyền địa phương yêu cầu đối tượng này phải tháo gỡ ngay chuồng trại chăn nuôi và di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực rừng phòng hộ. Đến nay, hộ chăn nuôi này đã thực hiện xong việc tháo dỡ. Chúng tôi cũng đã chỉ đạo cho Chi cục Kiểm lâm tỉnh kiểm tra và có biện pháp xử lý kịp thời đối với “xưởng mộc” đặt tại cửa rừng thuộc thôn Thọ Tân Nam, xã Nhơn Tân của ông Phạm Xuân Toàn mà báo chí đã phản ảnh.

Đối với vấn đề phá rừng phòng hộ tại khu vực núi Hòn Chò, xã Vĩnh Quang (Vĩnh Thạnh), sau khi nhận được thông tin do báo chí phản ảnh, chúng tôi đã yêu cầu UBND huyện Vĩnh Thạnh tổ chức kiểm tra, xử lý. Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng đã đề nghị Công an tỉnh chỉ đạo Công an huyện Vĩnh Thạnh tổ chức điều tra nhanh vụ phá rừng này và có biện pháp xử lý đúng pháp luật, quan điểm chỉ đạo của tỉnh là kiên quyết, không bao che, dung túng.

* Dư luận trong tỉnh cho rằng, thời gian qua, mặc dù phát hiện nhiều vụ phá rừng khá nghiêm trọng nhưng việc xử lý của ngành chức năng và chính quyền địa phương chưa được rốt ráo, nên tình trạng phá rừng trên địa bàn tỉnh vẫn còn xảy ra tại nhiều địa phương. Bà nghĩ như thế nào về ý kiến này?

- Phải nói rằng, công tác quản lý bảo vệ rừng thời gian qua còn nhiều tồn tại, yếu kém là do cuộc sống của người dân sống gần rừng còn quá nghèo, trong khi các chính sách về tạo công ăn việc làm, tăng cao mức thu nhập của người dân chưa được quan tâm đúng mức. Qua thực tế kiểm tra việc phá rừng tại khu vực rừng Canh Tiến, xã Canh Liên (Vân Canh) cho thấy rằng, cuộc sống của người dân tại khu vực này còn rất nghèo, thu nhập của người dân chủ yếu dựa vào tiền công nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng hàng năm, trong khi việc triển khai sản xuất, trồng trọt còn nhiều khó khăn, bất cập do điều kiện giao thông đi lại khó khăn.

Một vấn đề khó khăn khác trong công tác quản lý bảo vệ rừng là cơ chế quản lý hiện còn nhiều bất cập, có nơi việc quản lý, bảo vệ rừng do lực lượng kiểm lâm đảm nhận, có nơi lại giao cho các Ban quản lý rừng phòng hộ. Trong khi đó, theo báo cáo của Chi cục Kiểm lâm thì hiện nay lực lượng kiểm lâm đang thiếu khoảng 100 cán bộ, theo quy định mỗi cán bộ kiểm lâm quản lý bảo vệ 1.000 ha rừng. Các Ban quản lý rừng phòng hộ thì lực lượng cũng còn mỏng trong khi diện tích rừng được giao khá lớn nên không thể đảm đương nổi. Không những thiếu con người, hiện nay, các Ban quản lý rừng phòng hộ còn thiếu cả kinh phí hoạt động, thiếu phương tiện bảo vệ nên hiệu quả hoạt động thấp. UBND tỉnh đã chỉ đạo cho Sở NN-PTNT rà soát lại vấn đề này để có biện pháp, phương án chấn chỉnh hoạt động trong thời gian gần nhất.

* Như bà nói, vấn đề làm cho công tác quản lý bảo vệ rừng còn nhiều khó khăn là do đời sống người dân sống gần rừng còn gặp nhiều khó khăn, thu nhập thấp; trong thời gian đến, UBND tỉnh sẽ có những biện pháp gì để hỗ trợ người dân nâng cao mức thu nhập, để không còn tình trạng phá rừng như thời gian qua?

- Để nâng cao mức sống cho người dân tại các huyện miền núi, vùng gần rừng, UBND tỉnh đã chỉ đạo các huyện miền núi như Vân Canh, Vĩnh Thạnh, Hoài Ân, An Lão tăng cường sắp xếp lại việc giao khoán quản lý, bảo vệ rừng cho người dân. Đồng thời, từ nguồn hỗ trợ của Chương trình 30a, các địa phương phải bố trí đủ nguồn vốn để chi trả cho người dân nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng. Bên cạnh đó, từ các dự án như: Dự án hỗ trợ phát triển rừng bền vững do Ngân hàng tái thiết Đức hỗ trợ (KfW6), dự án trồng rừng WB3…, các ngành chức năng và chính quyền địa phương tăng cường giao khoán, quản lý bảo vệ rừng cho người dân, hỗ trợ vốn để trồng rừng nguyên liệu giấy, trồng các sản phẩm phụ dưới tán rừng để tăng cao thu nhập cho người dân. Hiện nay, UBND tỉnh đã chỉ đạo cho ngành Nông nghiệp và các địa phương làm thí điểm việc đưa một số loại cây trồng có giá trị cao vào trồng dưới tán rừng như: cây sa nhân, song mây, sâm ngọc linh, nuôi ong…, nhằm kịp thời chuyển giao kỹ thuật, hướng dẫn nông dân phát triển kinh tế, tăng thu nhập. Đời sống người dân gần rừng khá lên nhờ kinh tế rừng; dựa vào rừng mà phát triển thì họ sẽ biết trân trọng, gìn giữ rừng.

* Xin cảm ơn bà!

  • NGỌC DIÊN - NGUYỄN HÂN (Thực hiện)
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Tìm cơ hội trong khó khăn  (23/10/2012)
Giám sát kế hoạch phát triển kinh tế tập thể  (23/10/2012)
Nhiều bất cập trong quản lý, khai thác  (22/10/2012)
Tập trung củng cố, phát triển kinh tế tập thể  (22/10/2012)
Vĩnh Thạnh: Đầu tư hơn 6,3 tỉ đồng xây dựng kè Suối Sem  (22/10/2012)
Tây Sơn sơ kết chương trình trồng rừng dự án WB3  (22/10/2012)
Phân bổ lúa giống cho các địa phương sản xuất vụ Đông Xuân  (22/10/2012)
Hai sàn cùng giảm điểm  (22/10/2012)
Ða năng và tiện dụng  (22/10/2012)
Tăng cường kiểm tra an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản  (21/10/2012)
Phê duyệt bổ sung kế hoạch đấu thầu Dự án VSMT TP Quy Nhơn  (21/10/2012)
Doanh nghiệp khó khăn, thu ngân sách gặp khó  (21/10/2012)
Khai thác titan trái phép và hệ lụy  (21/10/2012)
Góp phần sản xuất nông nghiệp bền vững  (21/10/2012)
Người trồng rau sạch ở Thuận Nghĩa được vay vốn ưu đãi  (21/10/2012)