Nâng cao năng lực quản lý đất đai
19:37', 28/10/ 2012 (GMT+7)

Thời gian qua, công tác quản lý nhà nước (QLNN) về đất đai cũng như việc thực thi pháp luật về đất đai trên địa bàn tỉnh từng bước được củng cố và đạt được một số kết quả khả quan. Tuy nhiên, tình trạng lấn, chiếm đất đai trái phép, những vụ tiêu cực về đất đai và cả những vụ khiếu kiện liên quan đến lĩnh vực đất đai vẫn còn khá phổ biến. PV Báo Bình Định đã phỏng vấn ông Đặng Trung Thành, Phó Giám đốc Sở TN-MT, quanh vấn đề này.

 

Tăng cường việc cấp GCNQSDĐ cho người dân cũng là một trong những giải pháp để công tác QLNN về đất đai hiệu quả.

- Trong ảnh: Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng (người đầu tiên bên phải) trao GCNQSDĐ cho các hộ dân Tuy Phước. 

 

* Xin ông cho biết về tình hình quản lý đất đai và việc thực thi pháp luật về đất đai trên địa bàn tỉnh thời gian qua?

- Sau khi Luật Đất đai 2003 có hiệu lực, Sở TN-MT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các địa phương, sở, ngành tổ chức thực hiện những nội dung QLNN về đất đai, như quy định về việc cấp đất, giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất; quy định về giá đất; về đền bù, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư; quy định về xử lý các trường hợp vi phạm về lấn, chiếm đất đai, xây dựng trái phép… Đáng lưu ý, bên cạnh việc nỗ lực triển khai công tác kiểm kê đất đai và xây dựng bản đồ hiện trạng, Sở TN-MT còn hoàn thành công tác quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011-2020, kế hoạch sử dụng đất thời kỳ đầu 2011 - 2015…

* Được biết, công tác QLNN về đất đai trên địa tỉnh vẫn còn những tồn tại, khó khăn?

- Tất nhiên là vẫn còn những tồn tại, khó khăn trong công tác QLNN về đất đai, cũng như việc thực thi pháp luật về đất đai. Luật Đất đai đã được bổ sung, sửa đổi và đã góp phần vào việc hoàn thiện công tác QLNN về đất đai, song trong quá trình thực thi vẫn còn những tồn tại, vướng mắc, bất cập. Vì vậy, thời gian qua, trên lĩnh vực đất đai phát sinh nhiều vấn đề phức tạp, công tác QLNN về đất đai ở một số địa phương còn hạn chế, yếu kém. Thậm chí, đã có biểu hiện trục lợi từ đất đai với tính chất, quy mô khác nhau; việc giải tỏa, bồi thường trong thu hồi đất có nơi thực hiện chưa tốt, chưa đảm bảo công bằng lợi ích giữa các bên liên quan.

Đáng lo ngại là tình hình khiếu nại, tố cáo về đất đai diễn biến khá phức tạp, chiếm tỉ lệ lớn trong số các vụ việc khiếu nại, tố cáo… Đơn cử trong số này là vụ tiêu cực trong quản lý, sử dụng đất đai xảy ra tại An Nhơn và các phường Đống Đa, Nhơn Phú (TP Quy Nhơn); một số trường hợp “dự án treo” trong đó có dự án Khu du lịch Ghềnh Ráng…

* Vậy việc xử lý các trường hợp sai phạm về đất đai ở tỉnh ta như thế nào, thưa ông?

- Để có biện pháp xử lý đồng bộ tình trạng vi phạm về đất đai, Sở TN-MT đã trình UBND tỉnh ban hành Quyết định số 15/2008/QĐ-UBND về việc “Quy định về xử lý lấn, chiếm đất đai, đất đã được giao không đúng thẩm quyền, thu tiền không đúng quy định và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các trường hợp đủ điều kiện tiếp tục sử dụng đất ở trên địa bàn tỉnh”. Sở cũng trình UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung Quyết định số 447/QĐ-UBND ngày 8.9.2011 về “Công nhận các loại giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền chế độ cũ cấp cho người sử dụng đất”…

Với những vụ việc tiêu cực về đất đai, một số cán bộ, nhân viên ở phường Đống Đa đã phải hầu tòa và bị xử lý. Riêng đối với vụ việc ở phường Nhơn Phú, UBND tỉnh đã yêu cầu cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh khẩn trương xử lý theo quy định của pháp luật đối với các cá nhân có vi phạm. Đối với những trường hợp chưa đủ yếu tố xử lý hình sự thì báo cáo UBND tỉnh để có biện pháp chỉ đạo xử lý và khắc phục hậu quả. Đáng lưu ý, ngày 23.10 vừa qua, UBND tỉnh đã có văn bản số 4080/UBND-TH về việc “Thu hồi chủ trương đầu tư đối với Dự án Khu du lịch Ghềnh Ráng (giai đoạn 2)”...

* Vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có trưng cầu góp ý kiến về Dự án Luật Đất đai (sửa đổi), ông có ý kiến gì về vấn đề này?

- Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) gồm có 14 chương, 190 điều; so với Luật Đất đai hiện hành thì có 21 điều giữ nguyên, 101 điều sửa đổi, bổ sung, 68 điều bổ sung mới. Có thể nói, Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) lần này có ý nghĩa quan trọng. Bởi lẽ, như trên đã đề cập, sau một thời gian thực hiện, Luật Đất đai 2003 đã bộc lộ những hạn chế, bất cập. Tuy nhiên, qua tìm hiểu, nghiên cứu, chúng tôi thấy Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) vẫn còn một số vấn đề cần phải điều chỉnh, bổ sung và hoàn thiện.

Chẳng hạn, về hệ thống quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất (điều 34), Dự án Luật chỉ quy định đối với 3 cấp (quốc gia, tỉnh, huyện) và bỏ qua cấp xã. Theo tôi, nếu bỏ thì nên bỏ cấp huyện và giữ lại cấp xã. Bởi lẽ, cấp xã mới là cấp triển khai thực hiện kế hoạch sử dụng đất cụ thể, chi tiết đến từng thửa đất.

Về kỳ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất (điều 36), nên bỏ cụm từ “tầm nhìn 20 năm”, vì nó không sát với thực tế. Về vấn đề giao đất, cho thuê đất có thu tiền (hoặc không thu tiền) sử dụng đất (các điều 62, 63, 64) cần làm rõ một số khái niệm, như: “Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất... đối với cơ sở tôn giáo sử dụng đất phi nông nghiệp”. Hay như đối với đất của các công trình thủy điện, hồ chứa thì có thu tiền, không thu tiền hay cho thuê?

Về vấn đề giá đất, tại mục 2, chương VIII có ghi: “Giá đất do Nhà nước quyết định phải đảm bảo nguyên tắc: Phù hợp với giá thị trường...”. Điều này cần xem lại. Bởi lẽ, thực tế là hiện nay việc xác định giá đất “sát với giá thị trường” là rất khó, do thị trường luôn biến động, mặt khác có những vùng, những loại đất chưa có giá thị trường. Về vấn đề “đất sử dụng có thời hạn” (điều 109), đề nghị chia làm 2 loại: Đất nông nghiệp và đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối... Theo đó, đối với đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối thì nên giao đất lâu dài cho người dân; các loại đất còn lại là 50 năm...

* Xin cảm ơn ông!

  • VIẾT HIỀN (Thực hiện)                
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Nước mắm Nhơn Lý xây dựng thương hiệu  (28/10/2012)
Bài 4: Tăng cường chất lượng đại lý BHNT  (27/10/2012)
Ngư dân Nhơn Hải vào vụ lưới  (27/10/2012)
Tây Sơn xây dựng 288 ha cánh đồng mẫu lớn  (26/10/2012)
Chủ động, linh hoạt giúp doanh nghiệp vượt khó  (26/10/2012)
Hỗ trợ hơn 2,3 tỉ đồng cho 164 cá nhân trình độ cao  (26/10/2012)
Khánh thành giai đoạn 1 nhà máy chế biến sau tinh bột sắn  (26/10/2012)
Sơ kết Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”  (26/10/2012)
Tăng cường diệt chuột bảo vệ sản xuất vụ Đông Xuân  (26/10/2012)
Tăng cường củng cố, phát triển kinh tế tập thể  (26/10/2012)
Công bố nhãn hiệu nước mắm truyền thống Nhơn Lý  (26/10/2012)
Khánh thành cụm dự án khí - điện - đạm Cà Mau  (26/10/2012)
Hoài Nhơn: Vực dậy các làng nghề truyền thống  (25/10/2012)
Chưa được kiểm soát, quản lý chặt chẽ  (25/10/2012)
HTXNN Thuận Nghĩa tiếp nhận quản lý làng rau sạch  (25/10/2012)