10 năm trở lại đây, người dân sinh sống ven đầm Thị Nại, nhất là những hộ nuôi tôm, đã thật sự nhận ra tác hại của việc tàn phá rừng ngập mặn (RNM). Ðược sự giúp đỡ của địa phương và ngành chức năng, người dân nơi đây đã từng bước trồng lại RNM, nuôi tôm thân thiện với môi trường, hướng đến nuôi trồng thủy sản bền vững.
Đầm Thị Nại rộng 5.060 ha, thuộc địa bàn TP Quy Nhơn và các huyện: Tuy Phước, Phù Cát. Trước đây, đầm Thị Nại có đến 1.000 ha RNM và trên 200 ha thảm cỏ biển, là nơi sinh sống của nhiều giống loài thủy hải sản có giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, đầu những năm 90 của thế kỷ trước, phong trào nuôi tôm tự phát đã phát triển rầm rộ, là nguyên nhân khiến RNM đầm Thị Nại bị tàn phá, thay vào đó là những ao hồ nuôi trồng thủy sản. Sau một thời gian nuôi tôm ồ ạt, môi trường nước bị ô nhiễm, dẫn đến hệ sinh thái vùng đầm bị suy kiệt, dịch bệnh tôm ngày càng lan rộng, việc nuôi tôm thất bại nặng nề.
|
Rừng ngập mặn phân tán trồng ở các ao hồ nuôi thủy sản trên đầm Thị Nại thuộc địa bàn huyện Tuy Phước. Ảnh: XUÂN THỨC |
Năm 2004, Dự án “Phục hồi sinh thái và khai thác, sử dụng hợp lý nguồn lợi vùng Cồn Chim - đầm Thị Nại” được triển khai, với mục tiêu phục hồi hệ sinh thái, bảo tồn nguồn lợi ở khu vực Cồn Chim và bảo đảm việc khai thác hợp lý để duy trì nguồn lợi thủy sản trong đầm, tái tạo nguồn lợi thủy sản, xử lý ô nhiễm và tạo cảnh quan môi trường cho toàn khu vực đầm. Ban quản lý Khu sinh thái Cồn Chim - đầm Thị Nại phối hợp với người dân bắt tay trồng lại RNM. Đến nay, diện tích RNM trồng tập trung đã được 50 ha, phủ xanh khu sinh thái Cồn Chim. Dưới tán rừng, hệ sinh thái biển, thảm cỏ biển dần hồi phục, nguồn lợi thủy sản được tái tạo, nhiều loài chim, cò đã bay về trú ngụ, sinh sống ở đây.
Qua hiệu quả thực tế của việc phục hồi RNM, nhiều hộ dân sinh sống ven đầm đã tích cực tham gia trồng RNM phân tán trên các ao, hồ nuôi thủy sản với diện tích trồng đến nay được hàng trăm ha. Ông Phạm Quang Ân, Phó Phòng NN-PTNT huyện Tuy Phước, cho biết: “Thấy được lợi ích của RNM, người dân đã tích cực trồng rừng, riêng trong năm 2012 này, được sự hỗ trợ giống đước của huyện, bà con đã trồng phân tán dọc theo bờ bao ao, hồ nuôi thủy sản với diện tích gần 200 ha. Đây là năm có diện tích trồng RNM nhiều nhất”.
Công tác trồng RNM phân tán trên các ao, hồ nuôi tôm được huyện Tuy Phước triển khai năm 2005. Huyện đã tổ chức nhiều lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng và chăm sóc RNM cho hàng ngàn lượt hộ nông dân ở 4 xã ven đầm, gồm: Phước Thuận, Phước Sơn, Phước Hòa và Phước Thắng. Trong 2 năm 2005-2006, tổ chức ACTMANG của Nhật đã hỗ trợ 10 tấn giống đước trồng trên diện tích 5 ha, đến nay đã đơm hoa kết trái, chống xói lở bảo vệ cho các ao, hồ nuôi trồng thủy sản, phù hợp với việc nuôi tôm thân thiện môi trường.
Ngoài ra, hàng năm huyện đều trích ngân sách mua giống đước cấp miễn phí cho người dân ven đầm trồng RNM phân tán. Nhờ vậy, đến nay đã có trên 500 ha ao, hồ nuôi thủy sản được trồng RNM phân tán, dưới tán rừng bà con nuôi tôm xen các loài thủy sản khác mang lại thu nhập khá.
Ông Nguyễn Ngọc Hải, Thôn phó thôn Vinh Quang 2, xã Phước Sơn, thổ lộ: Trước đây, vùng đất Cồn Chim của thôn Vinh Quang 2 chúng tôi là RNM, cũng do hám lợi, nhiều người thi nhau phá rừng đắp hồ nuôi tôm, chỉ trúng được vài năm đầu, sau đó tôm dịch bệnh liên miên, bà con nợ nần chồng chất. May mà được cơ quan nhà nước cung cấp giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng RNM để phục hồi môi trường sinh thái. Đến nay 102 ha ao nuôi thủy sản đã phủ xanh RNM trồng phân tán. Nuôi đa dạng thủy sản dưới tán RNM khỏi lo dịch bệnh, bà con phấn khởi lắm. RNM còn chắn được sóng gió, giữ đất, nên “lợi đơn, lợi kép”…
Được biết, trong “Chương trình hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu” (SP-RCC), tỉnh ta tham gia một dự án nâng cấp hệ thống đê và trồng rừng ngập mặn để ứng phó với biến đổi khí hậu vùng đầm Thị Nại. Dự án sẽ nâng cấp 24,8 km đê và công trình trên đê ở những đoạn xung yếu có nhiệm vụ bảo vệ phần lớn đất sản xuất nông nghiệp, ngư nghiệp và nơi tập trung đông dân cư; trồng mới và khôi phục 350 ha rừng ngập mặn, trong đó rừng trồng tập trung 170 ha, trồng phân tán 65 ha và khôi phục bảo vệ 75 ha rừng hiện có. Chương trình này sẽ góp phần phủ xanh RNM trên đầm Thị Nại.
Bên cạnh đó, theo quy hoạch trồng RNM giai đoạn 2010-2020 đã được UBND tỉnh phê duyệt, huyện Tuy Phước sẽ trồng 149,6 ha RNM (xã Phước Sơn 76,4 ha, xã Phước Thuận 73,2 ha) với các giống đước, mắm trắng, bần trắng… với nguồn vốn đầu tư trồng RNM hơn 8 tỉ đồng.
|