Tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa 13, trong phiên thảo luận ở hội trường về tình hình KT-XH năm 2012 và kế hoạch phát triển KT-XH năm 2013, đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Cảnh (thành viên Ðoàn Ðại biểu Quốc hội tỉnh Bình Ðịnh) đã phát biểu một số vấn đề về phát triển KT-XH. Báo Bình Ðịnh xin trích đăng nội dung bài phát biểu này.
Phát triển xuất khẩu với sản phẩm Việt
Mặc dù kinh tế thế giới tiếp tục khó khăn, sức mua giảm, nhưng với chủ trương đẩy mạnh xuất khẩu (XK), 9 tháng đầu năm 2012, XK của nước ta vẫn tăng trưởng 18,9%. Trong đó có những ngành hàng đã đưa nước ta trở thành một trong những nước XK hàng đầu thế giới như gạo, cà phê, thủy sản do có lợi thế điều kiện tự nhiên. Một số ngành hàng khác có lợi thế cạnh tranh nhờ nguồn lao động trong nước như dệt may, giày dép, đồ gỗ.
|
Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh phát biểu tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa 13. |
Khi các doanh nghiệp (DN) nước ngoài vào Việt Nam họ cũng sẽ có các điều kiện kinh doanh như các DN nội địa, khi đó lợi thế XK của các ngành hàng nói trên không còn. Vì vậy, trong điều kiện hiện nay, khi các sản phẩm của DN Việt Nam đang được thị trường thế giới chấp nhận thì chúng ta phải nhanh chóng xây dựng thương hiệu Việt Nam cho các sản phẩm của ngành có lợi thế là: Dệt may, giày dép, thủy sản, đồ gỗ, gạo, cà phê.
Việc xây dựng thương hiệu Việt trên thị trường thế giới đối với mỗi ngành hàng ban đầu không chỉ là riêng bản thân mỗi DN, mà cần có sự hỗ trợ của các hiệp hội, Bộ Công Thương, Bộ NN-PTNT, Bộ Ngoại giao, các cơ quan Việt Nam ở nước ngoài và cả khối cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài... Vì vậy, ngoài việc đẩy mạnh xúc tiến thương mại, hỗ trợ các DN Việt Nam tham gia quảng bá sản phẩm tại các hội chợ ở nước ngoài, chúng ta phải xây dựng các văn phòng, các trung tâm giới thiệu sản phẩm của mỗi ngành ở những thị trường mà các sản phẩm của Việt Nam đang có lợi thế.
Qua giai đoạn kinh tế khó khăn chúng ta mới thấy thương hiệu có tầm quan trọng như thế nào. Hiện nay chúng ta chủ yếu là thực hiện gia công. Người tiêu dùng chỉ biết đến sản phẩm chúng ta qua thương hiệu của các tập đoàn trung gian. Họ chủ động cả về chất lượng và số lượng, khi nhu cầu tăng thì họ đặt thêm, khi nhu cầu giảm thì họ có thể không đặt hàng hoặc ép giá. DN phải chịu thiệt, phải chịu hàng tồn kho lớn hoặc phá sản; vì tập đoàn trung gian có thể dễ dàng tìm DN khác gia công.
Vì vậy, việc xây dựng các văn phòng đại diện và các trung tâm giới thiệu sản phẩm thương hiệu Việt ở các thị trường truyền thống là cần thiết để chúng ta gắn kết với khách hàng, bước đầu nắm bắt được nhu cầu thị trường để chủ động đầu ra và sẽ tiến đến đầu tư công nghệ chế biến hiện đại, quy mô phù hợp, đưa sản phẩm thương hiệu Việt Nam đến thẳng với người tiêu dùng thế giới, gia tăng lợi ích trong chuỗi giá trị toàn cầu, khẳng định hàng Việt Nam trên thị trường thế giới.
Về đầu tư cho giao thông
Để đáp ứng nhu cầu phát triển KT-XH của khu vực miền Trung và Tây Nguyên, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch phát triển giao thông vận tải vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Theo đó, quốc lộ (QL) 19 từ cửa khẩu Lệ Thanh - tỉnh Gia Lai đến cảng Quy Nhơn sẽ được nâng cấp, trong đó đoạn từ cảng Quy Nhơn đến điểm giao nhau với QL 1A sẽ được đầu tư với hướng tuyến mới.
QL 19 là hành lang vận tải quan trọng nối cảng biển Quy Nhơn với các tỉnh Tây Nguyên và các nước láng giềng Lào, Campuchia, Đông Bắc Thái Lan, giao cắt với 2 QL huyết mạch là QL 1A và QL 14. Hiện nay, QL 19 đã xuống cấp, nhiều đoạn hư hỏng nặng, ảnh hưởng đến việc đi lại, giao thương. Chính vì vậy, đề nghị Thủ tướng sớm cho phép triển khai thực hiện dự án nâng cấp, sửa chữa tuyến QL 19 này, ưu tiên xây dựng mới tuyến từ cảng Quy Nhơn đấu nối với QL 1A.
Giảm tải cho các bệnh viện
Tôi đồng tình với quan điểm là việc tăng cường y tế dự phòng và chăm sóc sức khỏe ban đầu là giải pháp lâu dài nhằm giảm quá tải bệnh viện và trước mắt là cần phải tăng cường đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng bệnh viện. Theo tôi, vấn đề quá tải ở các bệnh viện không chỉ là vấn đề của Bộ Y tế và riêng Bộ Y tế cũng khó mà giải quyết được.
Ngoài lý do là đầu tư cho ngành Y tế còn thấp, thiếu đội ngũ cán bộ y tế, sử dụng không hiệu quả cơ sở vật chất tuyến dưới, tình trạng vượt tuyến gây quá tải các tuyến trên, thì phải nói nguyên nhân rõ nhất gây quá tải ở các bệnh viện là do số người bệnh ngày càng nhiều, nhu cầu chăm sóc sức khỏe tăng nhanh.
Để quá trình tăng trưởng kinh tế gắn với phát triển xã hội, sức khỏe của người dân ngày càng phải được quan tâm, bởi chúng ta thấy rõ gia đình hạnh phúc trước tiên là gia đình khỏe mạnh. Gia đình - tế bào xã hội yếu đi sẽ ảnh hưởng lớn đến phát triển KT-XH của đất nước. Vì vậy, tôi đề xuất trong các chỉ tiêu để đánh giá sự phát triển KT-XH, cần phải quan tâm đến chỉ tiêu số người bệnh trên 1 vạn dân hằng năm. Phải phấn đấu để chỉ tiêu này ngày một giảm, đây là chỉ tiêu mà nhiều ngành phải cùng phối hợp thực hiện, để thấy được trong kế hoạch phát triển KT-XH của đất nước, cũng như từng địa phương, điều kiện, thói quen và môi trường sống của người dân ngày càng được quan tâm nhiều hơn…
(+) Tít bài do Báo Bình Định đặt. |