Với sự phát triển mạnh mẽ của CNTT, thương mại điện tử (TMÐT) ở nước ta đang phát triển rất nhanh, góp phần thay đổi phương thức kinh doanh và giao dịch truyền thống, trở thành một công cụ giúp doanh nghiệp (DN) nâng cao hiệu quả kinh doanh và năng lực cạnh tranh. Tuy nhiên, đến nay đa số các DN Bình Ðịnh vẫn còn rất thờ ơ với những tiện ích của TMÐT.
Theo số liệu thống kê của Sở TT-TT, đến nay trên địa bàn tỉnh có khoảng 95% DN có kết nối Internet bằng đường truyền ADSL; 52% DN có trang thông tin điện tử, cập nhật định kỳ thông tin hoạt động và quảng bá sản phẩm của DN; 15% DN tham gia các website TMĐT để mua bán các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ. Các tiện ích hỗ trợ người tiêu dùng (NTD) tham gia TMĐT loại hình DN với NTD bước đầu được hình thành. Có 15 siêu thị, trung tâm mua sắm và cơ sở phân phối cho phép NTD thanh toán không dùng tiền mặt khi mua hàng; 5 cơ sở kinh doanh trong các lĩnh vực thương mại dịch vụ như vận tải, văn hóa, thể thao và du lịch có các kênh giao dịch điện tử phục vụ NTD.
|
Sàn giao dịch đồ gỗ Bình Định khai trương hơn 1 năm nhưng khá im ắng, ít DN tham gia. (Ảnh chụp màn hình) |
Với những số liệu đã được thống kê cho thấy, mức độ ứng dụng TMĐT trong các DN còn khá sơ khai. DN chưa thật sự quan tâm, chưa thấy hết được lợi ích, hiệu quả mà ứng dụng TMĐT mang lại đối với hoạt động sản xuất kinh doanh. Điều này thể hiện rõ ở số lượng website của các DN chưa nhiều, thông tin trên các website của DN không được thường xuyên cập nhật, chỉ dừng lại ở việc giới thiệu DN và hàng hóa, không có chức năng nhận đơn hàng, bán hàng qua mạng nên rất hạn chế thu hút khách hàng, đối tác, nhất là đối tác nước ngoài.
Vừa qua, để giúp DN có thể tiếp cận các thông tin về các xu hướng TMĐT năm 2012, giới thiệu về giải pháp bán hàng trực tuyến; các quy định về quản lý website TMĐT; các công cụ quảng bá trực tuyến trên Internet, Sở Công Thương Bình Định phối hợp với Cục TMĐT và CNTT (Bộ TT-TT) tổ chức tập huấn về xu hướng phát triển TMĐT. Tuy nhiên, số lượng DN tham gia rất ít và không mấy mặn mà với những thông tin này.
Ông Nguyễn Kỳ Minh, Phó Giám đốc Cục TMĐT và CNTT, cho biết: “Hiện nay, Việt Nam là một trong những quốc gia có tỉ lệ người truy cập và tốc độ phát triển Internet cao nhất châu Á. Xu hướng online, nghĩa là cuộc sống gắn liền với Internet, đang ngày càng phát triển. Vì vậy, việc kinh doanh qua mạng đang trở thành sự lựa chọn của nhiều DN, thậm chí là các cơ sở, cửa hàng kinh doanh nhỏ. Có rất nhiều cách DN có thể bắt đầu tận dụng hiệu quả các tiện ích của TMĐT với chi phí thấp là tham gia quảng cáo trên các mạng xã hội, các sàn giao dịch điện tử…”.
Có rất nhiều nguyên nhân khiến cho TMĐT vẫn chưa phát triển ở tỉnh ta, như nguồn nhân lực phục vụ phát triển TMĐT còn thiếu và yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu. Hơn nữa, tỉnh ta cũng chưa có chính sách cụ thể để hỗ trợ cho các DN trong việc ứng dụng TMĐT, nguồn kinh phí đầu tư phát triển TMĐT của địa phương còn hạn chế…
Nguyên nhân chủ yếu vẫn là do DN chưa quan tâm và chủ động trong việc tiếp cận các thông tin về TMĐT. TMĐT là một công cụ hiệu quả và cần thiết hỗ trợ DN nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập vào xu thế kinh doanh trong tương lai. Vì vậy, để không bị tụt hậu, DN cần chủ động hơn trong việc nắm bắt các xu hướng phát triển TMĐT để có những định hướng phát triển phù hợp.
|