Công nghiệp chế biến đá granite:
Nỗ lực tìm hướng phát triển
19:51', 31/10/ 2012 (GMT+7)

Từ đầu năm 2012 đến nay, sản lượng khai thác cũng như giá trị sản xuất công nghiệp của ngành công nghiệp chế biến đá granite ở tỉnh ta sụt giảm mạnh. Ðể đưa ngành công nghiệp chế biến đá granite phát triển ổn định, yêu cầu cấp thiết đặt ra hiện nay là phải sớm khắc phục được những hạn chế mang tính cố hữu…

Khó khăn và sụt giảm

Theo đánh giá chung, trữ lượng đá granite ở tỉnh ta tương đối lớn, khoảng 700 triệu m3, với nhiều chủng loại đá quý mà ở các địa phương khác không có, như đá màu vàng tổ ong, vân xám nhạt, đặc biệt là màu đỏ rubi. Với lợi thế này, những năm gần đây sản phẩm đá granite Bình Định đã được nhiều khách hàng trong và ngoài nước tín nhiệm, tạo điều kiện để ngành công nghiệp chế biến đá granite của tỉnh phát triển. Hiện toàn tỉnh có 45 doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến đá granite, tổng năng lực chế biến đạt trên 700 ngàn m3 đá thành phẩm/năm, tăng gấp 3 lần so với năm 2000.

 
Chế biến đá granite tại Công ty cổ phần Đá granite Tân Long (KCN Phú Tài).

Tuy nhiên, trong thời gian qua, do những hạn chế mang tính cố hữu, như công nghệ lạc hậu nên sản lượng khai thác, chế biến chưa đạt yêu cầu, khả năng tìm kiếm thị trường kém, thiếu lao động… nên ngành công nghiệp này chưa phát triển đúng tầm, làm giảm khả năng cạnh tranh trên thị trường. Bên cạnh đó, từ đầu năm đến nay, do khó khăn của nền kinh tế nói chung, nhất là việc cắt giảm đầu tư công, sự đóng băng của các dự án bất động sản… nên sức tiêu thụ sản phẩm đá granite của các DN trên địa bàn tỉnh chỉ đạt khoảng 70% so với cùng kỳ năm 2011, các đơn đặt hàng đang ít dần. Sản phẩm tồn kho hiện rất cao, từ 35-40% sản lượng sản xuất, với tổng giá trị trên 300 tỉ đồng.

Ngoài ra, ngày 20.9 vừa qua, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 04/2012/TT-BXD về việc hướng dẫn xuất khẩu khoáng sản làm vật liệu xây dựng, có những điểm gây khó khăn cho các DN chế biến đá granite xuất khẩu trên địa bàn tỉnh. Ông Phạm Xuân Thủy, Chủ tịch Hiệp hội Đá Bình Định, cho biết: Tại danh mục tiêu chuẩn và điều kiện xuất khẩu khoáng sản làm vật liệu xây dựng của Thông tư 04 quy định đá ốp lát tiêu chuẩn xuất khẩu với độ dày ≤ 100 mm. Tuy nhiên, đá granite xuất khẩu không thể ấn định độ dày ≤ 100 mm được, vì ngoài đá slab, đá ốp tường, còn có đá trang trí, đá mỹ nghệ, đá lát sân vườn… phải có độ dày tối thiểu 500 mm mới đạt yêu cầu. Với Thông tư 04, các DN chế biến đá granite của tỉnh đang đối mặt với nguy cơ mất khách hàng và dẫn đến phá sản, vì thời gian qua các DN xuất khẩu các loại đá có độ dày lớn hơn 100 mm với sản lượng khá lớn.

Sớm khắc phục những điểm yếu

Hiện nay, xu thế của các nước trên thế giới đang hướng đến môi trường sống thân thiện, đưa cuộc sống gắn liền với thiên nhiên; phần lớn các nguyên liệu trong xây dựng được họ lựa chọn là các sản phẩm từ thiên nhiên, trong đó có đá granite dùng ốp lát trong nhà, sân vườn, trang trí nội thất… Đây là cơ hội tốt để ngành công nghiệp chế biến đá granite ở tỉnh ta phát triển mạnh. Tuy nhiên, để tận dụng được cơ hội này, đòi hỏi ngành công nghiệp này phải sớm khắc phục được những hạn chế mang tính cố hữu.

Ông Võ Mai Hưng, Trưởng phòng Quản lý Công nghiệp - Sở Công Thương, cho biết: Phần lớn các DN chế biến đá granite ở tỉnh ta thiếu thông tin về thị trường và khách hàng… Điều này không những làm hạn chế giá trị gia tăng của sản phẩm mà còn làm hạn chế sự phát triển của uy tín, thương hiệu sản phẩm. Muốn mở rộng thị trường tiêu thụ, trước hết, bản thân DN phải linh hoạt, chủ động thay đổi mẫu mã sản phẩm. Đặc biệt là phải năng động hơn trong việc xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường và tăng cơ hội hợp tác. Bản thân DN nếu không liên tục nghiên cứu để phát triển sản phẩm, cải tiến mẫu mã, đầu tư công nghệ để nâng cao chất lượng hàng hóa, dịch vụ, đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của khách hàng thì lập tức sẽ bị mất thị phần.

Theo kết quả khảo sát mới đây của ngành Công Thương tỉnh tại các DN chế biến đá granite trên địa bàn tỉnh, hiện chỉ có 6,3% DN hoạt động tốt; 73,6% DN gặp khó khăn; 18,8% DN tạm dừng hoạt động và 1,3% DN giải thể. Sản lượng đá granite sản xuất chỉ đạt khoảng 443 ngàn m3, giảm 10,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Về vấn đề thiếu lao động, bà Nguyễn Thị Kim Cúc - Phó Giám đốc Công ty Đá Minh Hoàng (Tuy Phước) - chia sẻ: Để tuyển dụng và đào tạo được một lao động làm việc trong ngành chế biến đá granite xuất khẩu, chi phí lên đến cả chục triệu đồng. Dù DN phải bỏ ra một số tiền lớn như vậy, nhưng khi đào tạo xong vẫn khó giữ chân được lao động. Phần lớn người lao động hiện nay dễ có tư tưởng “đứng núi này trông núi nọ”, sau khi đào tạo xong, làm việc được 2-3 tháng, họ lại “nhảy” sang chỗ làm khác, gây ảnh hưởng đến kế hoạch của DN. Cách tốt nhất để lao động trong ngành đá không biến động là các DN cùng ngành nên liên kết lại trong tuyển dụng, đào tạo và sử dụng lao động. Hiệp hội Đá Bình Định cũng cần thống nhất các thành viên trong Hiệp hội không được chèo kéo, thu hút lao động của nhau. Bên cạnh đó, từng DN phải quan tâm chăm lo đời sống cho người lao động của mình một cách đúng mức.

Mặt khác, để ngành công nghiệp khai thác, chế biến đá granite trên địa bàn tỉnh phát triển ổn định, thời gian đến, tỉnh cũng như các bộ, ngành có liên quan cần tổ chức khảo sát tỉ mỉ các mỏ đá granite, nhằm xác định chính xác chất lượng, trữ lượng theo đúng quy phạm để làm cơ sở cho việc cấp phép khai thác mỏ. Chỉ cấp phép khai thác mỏ cho những DN thực sự có năng lực, có thiết kế khai thác với công nghệ tiên tiến, kỹ thuật hiện đại và có nhà máy chế biến đá granite. Việc cấp phép cần phải tính đến thời gian lâu dài để DN mạnh dạn đầu tư máy móc, thiết bị khai thác cho phù hợp.

Ngoài ra, ngày 19.10 vừa qua, Hiệp hội Đá Bình Định đã có công văn gửi UBND tỉnh và các ngành chức năng về việc kiến nghị tiêu chuẩn xuất khẩu đá ốp lát theo Thông tư 04/2012/TT-BXD. Hiệp hội đề nghị UBND tỉnh và các ngành chức năng tham mưu Bộ Xây dựng điều chỉnh tiêu chuẩn độ dày cho đá xây dựng xuất khẩu như sau: Đá slab từ 100mm đến 120mm; đá thủ công mỹ nghệ từ 500mm đến 1.200mm.

  • NGỌC THÁI
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Phát hiện gần 2,3 tấn thịt động vật hôi thối  (31/10/2012)
Hội thảo Báo cáo kết thúc Dự án CAPAS  (31/10/2012)
Năng suất lúa bình quân tăng thêm 15,3 tạ/ha  (31/10/2012)
Phấn đấu năng suất đạt bình quân từ 65-67 tạ/ha  (31/10/2012)
Doanh nghiệp chưa “mặn mà” với thương mại điện tử  (31/10/2012)
Sẽ đi theo lộ trình cụ thể, đồng bộ  (31/10/2012)
Nokia khai trương trung tâm bán lẻ thế hệ mới tại Bình Định  (31/10/2012)
Seabank: Cho vay mua nhà chỉ với lãi suất 9,9%/năm  (31/10/2012)
Một số vấn đề về phát triển kinh tế - xã hội (+)  (30/10/2012)
Một số kinh nghiệm XDNTM tại xã Tân Thông Hội  (30/10/2012)
Tích cực trồng rừng ngập mặn  (30/10/2012)
Triển khai thành công mô hình sản xuất lúa chịu úng, phèn, mặn  (30/10/2012)
Toàn tỉnh đã trồng được 13.229 ha rừng WB3  (30/10/2012)
Toàn tỉnh đã trồng được 13.229 ha rừng WB3  (30/10/2012)
8 doanh nghiệp cam kết hỗ trợ cho nông dân An Nhơn  (30/10/2012)