Qua hơn 3 năm thực hiện Nghị định 115/2008/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ về chính sách miễn, giảm thủy lợi phí (TLP) cho nông dân, đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, gây khó khăn trong việc phục vụ sản xuất nông nghiệp. Hiện hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều HTXNN trong tỉnh gặp khó khăn do kinh phí cấp bù TLP không đủ chi phí, thậm chí có nơi không đủ bù tiền điện bơm nước.
|
Xây dựng kênh mương nội đồng tại xã Hoài Xuân (Hoài Nhơn) phục vụ sản xuất. Ảnh: V.L
|
Bất cập trong cấp bù TLP
Trong những ngày qua, Đoàn giám sát của Thường trực HĐND tỉnh đã đi kiểm tra tình hình thực hiện Nghị quyết số 07/2008/NQ- HĐND ngày 22.8.2008 của HĐND tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế tập thể trong lĩnh vực nông nghiệp giai đoạn 2008-2010 tại một số địa phương trong tỉnh. Một trong những vấn đề mà chính quyền và các HTX quan tâm khi làm việc với Đoàn giám sát là việc thực hiện Nghị định (NĐ) 115/2008 của Chính phủ về Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi, trong đó có chính sách miễn giảm TLP cho nông dân.
Theo chính quyền các địa phương, việc áp dụng chính sách cấp bù TLP vào thực tế sản xuất trên địa bàn tỉnh ta thời gian qua đã bộc lộ một số vấn đề bất cập, rõ nhất là cách tính toán, chi trả, cấp bù TLP chưa phù hợp với thực tế tưới tiêu của từng HTX, địa phương, vùng được hưởng nguồn nước tự chảy và vùng phải bơm tưới bằng các trạm bơm điện.
“Để đáp ứng yêu cầu cung cấp nước sản xuất cho bà con xã viên, nhiều HTX phải lấy kinh phí từ dịch vụ khác hoặc đi vay tiền để sửa chữa máy bơm, trả tiền điện và trả tiền công vận hành máy móc” |
Ông Lê Bá Tư, Chủ nhiệm HTXNN Nhơn Khánh (xã Nhơn Khánh - thị xã An Nhơn), cho biết: Theo quy định của NĐ 115, các địa phương tưới tiêu bằng động lực (dùng máy bơm điện, bơm xăng dầu để tưới) được ngân sách nhà nước cấp bù mức TLP 939 ngàn đồng/ha/vụ, trong đó, phần trích cho đơn vị tạo nguồn nước tưới 40% (đây là mức Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi tỉnh hưởng); còn lại HTX được chi trả 60% mức quy định trên khi thực hiện việc bơm tát đưa nước vào đồng ruộng. Quy định là vậy, nhưng khi triển khai NĐ 115, từ năm 2009 đến nay chưa năm nào HTX được cấp bù tiền TLP đúng với quy định trên mà bị đưa xuống mức cấp bù thấp hơn. HTX chỉ được cấp bù kinh phí dành cho phương pháp tưới tiêu bằng trọng lực (tưới bằng hệ thống thủy lợi tự chảy) tương ứng với mức cấp bù 824 ngàn đồng/ha/vụ. Trong điều kiện giá điện, xăng dầu tăng cao như hiện nay, mặc dù HTX đã vận dụng mức thu 1 triệu đồng/ha/năm của xã viên (mức thu tối đa theo quy định của Nhà nước, nhưng vẫn không đủ trả chi phí tiền điện, tiền trả công cho người vận hành máy móc. Năm 2010, HTX bị thâm hụt trên 242 triệu đồng, năm 2011 thâm hụt trên 270 triệu đồng và năm 2012 ước thâm hụt khoảng 300 triệu đồng. Để tiết kiệm nguồn cấp bù vào số tiền thiếu hụt trên, HTX phải xoay xở bằng cách lấy từ các khoản kinh doanh dịch vụ khác, nên rơi vào tình trạng thua lỗ. Thiếu kinh phí cũng đã làm cho việc sửa chữa, nâng cấp hệ thống kênh mương nội đồng gặp nhiều khó khăn, gây tỉ lệ hao hụt nguồn nước tưới khá cao.
Trên địa bàn huyện An Nhơn, không chỉ HTXNN Nhơn Khánh gặp khó khăn trong việc cấp bù TLP mà hầu hết các HTX khác cũng rơi vào tình trạng trên. Ông Lê Minh Toán, Phó Chủ tịch UBND thị xã An Nhơn, cho biết: Qua hơn 3 năm triển khai NĐ115, hầu hết các HTXNN tưới bằng phương pháp động lực trên địa bàn huyện đều bị thiệt thòi do giá cả nhiên liệu và công lao động tăng, trong khi mức hỗ trợ lại thấp làm cho việc tưới tiêu không được thuận lợi. Việc quản lý, tu sửa kênh mương nội đồng cũng gặp rất nhiều khó khăn. Bởi vậy, cần điều chỉnh kinh phí cấp bù cho các HTX có sử dụng trạm điện để bơm nước phục vụ sản xuất, tạo điều kiện cho các HTX hoạt động sản xuất kinh doanh”.
Hầu hết các HTXNN trong tỉnh cũng đang “đau đầu” với dịch vụ TLP. Nhằm đáp ứng yêu cầu cung cấp nước sản xuất cho bà con xã viên, nhiều HTX phải lấy kinh phí từ dịch vụ khác hoặc đi vay tiền để sửa chữa máy bơm, trả tiền điện và trả tiền công vận hành máy móc. Các HTXNN cũng đã đề nghị chính quyền địa phương hỗ trợ, giúp đỡ, nhưng ngân sách địa phương có hạn nên không giúp được các HTX giải quyết khó khăn nêu trên.
Đề xuất sửa đổi
Theo thống kê của ngành Nông nghiệp tỉnh, hiện toàn tỉnh có trên 98 trạm bơm điện và hàng trăm trạm bơm nhỏ hoạt động theo mùa vụ, phục vụ tưới tiêu tại các địa phương. Các trạm bơm này hàng năm cung cấp nguồn nước tưới cho khoảng 17.200 ha lúa và hoa màu tại các địa phương trong tỉnh. Tuy nhiên, với cách chi trả, cấp bù TLP thực hiện như thời gian qua đã làm nhiều HTXNN lâm vào tình trạng khó khăn do thiếu kinh phí bơm nước tưới.
Ông Bùi Đắc Cường, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh, cho biết: Việc tính toán, chi trả, cấp bù TLP theo NĐ 115 trong thời gian qua ở tỉnh ta đã phát sinh nhiều vấn đề chưa hợp lý. Để sớm giải quyết vấn đề này, thời gian qua, Chi cục đã chủ động làm việc với các địa phương, HTXNN để nắm bắt, ghi nhận các khó khăn trong quá trình thực thi cấp bù TLP để có biện pháp đề xuất chấn chỉnh. Chi cục sẽ tiếp tục tham mưu Sở NN-PTNT đề xuất với HĐND và UBND tỉnh điều chỉnh kịp thời nhằm giúp tháo gỡ khó khăn cho các HTXNN.
Ông Võ Vinh Quang, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, cho biết: Nhiều địa phương và nhiều HTX đã phán ảnh và dẫn chứng khá cụ thể về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với kinh tế hợp tác, trong đó có chính sách cấp bù TLP. Thực tế cho thấy, cách tính toán, chi trả, cấp bù TLP hiện nay chưa phù hợp với thực tế tưới tiêu của từng HTX, địa phương, vùng được hưởng nguồn nước tự chảy và vùng phải bơm tưới bằng các trạm bơm điện. Chúng tôi ghi nhận và tổng hợp các ý kiến đóng góp, đề xuất của các địa phương, các đơn vị quản lý thủy nông ở cơ sở, để báo cáo với HĐND, UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo, nhằm tháo gỡ khó khăn cho các HTXNN.
|